| Hotline: 0983.970.780

Vắng dần chợ thịt thú rừng

Thứ Hai 16/03/2020 , 07:01 (GMT+7)

Thấy khách quen vào, Tân (chủ nhà hàng NT, ở TP Đồng Hới - Quảng Bình) chạy vội ra. Tôi hỏi: “Có thịt chồn, cáo gì không?”.

Một quán bán thịt thú rừng bên đường Hồ Chí Minh (trước đây). Ảnh: TL.

Một quán bán thịt thú rừng bên đường Hồ Chí Minh (trước đây). Ảnh: TL.

Chủ nhà hàng gãi gãi đầu: “Dạ không có, bữa nay hiếm lắm. Hay là em làm cho mấy quan anh các loại đặc sản ba ba, kỳ đà… nuôi nhé. Nuôi cũng tốt lắm đấy. Em làm giá hữu nghị phục vụ là chính, chỉ loanh quanh 500 ngàn đồng/ký thôi”.

Vắng kẻ bán người mua

Con đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông) chạy dọc tỉnh Quảng Bình. Đoạn đi qua địa phận các xã Vĩnh Ninh, Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh); xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Thái Thủy (huyện Lệ Thủy), trước đây được ví như cung đường “chợ” thịt thú rừng.

Bởi các ngã đường vòng vèo xuyên qua những cánh rừng miền tây Quảng Bình đều dẫn về đây và theo đó cánh thợ săn len lỏi từ rừng ra cũng về đây.

“Chợ” họp công khai nhưng không tập trung. Hai bên đường, cách nhau chừng vài cây số là có cái lán nhỏ khiêm nhường lợp lá tranh.

Trong quán chỉ bày một cái bàn gỗ xiêu vẹo nhưng tên đó có cả dao, thớt và mấy miếng thịt thú rừng còn tươi roi rói. Người bán hàng ngồi sau cái bàn đon đả mời khách mỗi khi có ô tô hay xe máy tấp lại.

Quán nhậu làm thịt rùa phục vụ khách ăn nhậu (trước đây). Ảnh: TL.

Quán nhậu làm thịt rùa phục vụ khách ăn nhậu (trước đây). Ảnh: TL.

Vào tầm này năm ngoái, tôi cùng Hải (một thợ săn có tiếng ở Vĩnh Ninh đã sớm giải nghệ) phóng xe máy lên vùng phía nam. Hải tấp xe vào một “chợ” bên đường.

Chị chủ quán trạc tuổi 30, mắt lúng liếng: “Ui chao, hai anh đi mô mà mất dạng từ hồi đó đến giờ. Chẳng thấy ghé thăm nom em út chi cả, làm em mong đến gầy cả người đây này”.

Hải nói: “Thôi thôi, có thịt gì đó thì nói nhanh lên”. Hương (tên chủ quán) cứ hất hất mặt: “Khiếp, em út chẳng thèm hỏi mà cứ hỏi thịt của em thôi. Hôm nay chỉ có thịt mang, thịt heo rừng thôi đó. Heo rừng mới mổ tươi lắm”.

Nói rồi, Hương cúi xuống bê nguyên cái đầu heo rừng đen trũi, còn nguyên lông lá đặt lên bàn: “Hẳn hoi nhé. Không phải lợn nuôi F1, F2 đâu. Hai chàng là khách quen nên em bán giá hữu nghị cho, 200 ngàn đồng/ký nhé. Lấy cho em mấy ký”.

Vờ chê giá đắt, Hải giục tôi lên xe đi tiếp. Hương ném cái nhìn xéo qua: “Trong nhà còn có con chồn hương khoảng 3 ký. Cần lấy thì quay lại bảo em nhé chàng”.

Theo Hải cho hay, những “chợ” quán này bán thịt thú rừng thật. Những điểm như vậy cũng là nơi tiếp nhận thông tin mua hàng tươi sống của cánh thợ săn và bán cho những người cần.

“Một số đường dây chuyên đánh hàng tươi sống ra ngoài Bắc cũng lấy nguồn từ đây. Có ngày, người ta gom đến mấy tạ hàng”.

Bây giờ quang cảnh khác hẳn. Mấy quán tranh lúp xúp bên đường vẫn còn, nhưng không còn bán thịt thú rừng. Ghé lại quán có cô chủ tên Hương với đôi mắt lúng liếng thì không gặp nữa.

Thay vào đó là một phụ nữ trên 50 tuổi đang lúi húi đun nồi ngô luộc to tướng để bán cho khách qua đường thưởng thưc chút quà quê.

Cô Hải (chủ quán) thật thà: “Hơn năm nay rồi, tuyến đường ni không còn mua bán thịt thú nữa. May mà bên kiểm lâm, lâm trường họ làm mạnh và thường xuyên nên ngườu ta ít đi săn, đặt bẫy. Rứa là không có thú bán thì vãn luôn người mua mà”. Chúng tôi mua chục bắp ngô vừa luộc của cô Hải. Ngô non thanh và ngọt lịm.

Siết chặt quản lý

Lực lượng bảo vệ rừng Động Châu tháo bỏ bẫy thú trong rừng. Ảnh: TP.

Lực lượng bảo vệ rừng Động Châu tháo bỏ bẫy thú trong rừng. Ảnh: TP.

Theo ông Trương Minh Quảng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu (Lệ Thủy), thì bây giờ hiếm thấy được chuyện săn, bắt mua bán thịt thú rừng trên vùng phía tây của tỉnh. Lực lượng bảo vệ rừng của Ban hay của các lâm trường Khe Giữa, Long Đại, Vĩnh Long… đều tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến đường ra vào rừng.

“Hàng tháng, các đơn vị tổ chức kiểm tra, tuần tra rừng, phát hiện và tháo dỡ các loại bẫy thú. Qua đó, đã chấn chỉnh cơ bản việc săn, bắt, mua bán động vật rừng (ĐVR) trên địa bàn”- ông Quảng cho biết.

Lực lượng Kiểm lâm tỉnh cũng đã có chuyên đề về việc ngăn chặn nạn săn, bắt, mua bán ĐVR. Các kiểm lâm viên phân công trực tiếp phụ trách địa bàn các xã phải vận động những người hay vào rừng săn bắt thú bỏ nghề đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.

Theo ông Lê Văn Duẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình thì lực lượng kiểm lâm chủ động thành lập nhiều đoàn kiểm tra đột xuất tại các nhà hàng, quán nhậu (nơi có biểu hiện sử dụng động vật rừng làm thức ăn) để phát hiện và xử lý.

Các đội Kiểm lâm cơ động cũng đẩy mạnh việc tuần tra trên các tuyến đường xung yếu để phát hiện, xử lý các “chợ” thịt thú hay địa điểm thu mua, tổ chức vận chuyển.

“Chính vì vậy, nạn săn bắt, mua bán ĐVR trên địa bàn gần như vắng hẳn. Các quán nhậu, nhà hàng cũng không còn cảnh nhộn nhịp như trước đây”- ông Duẩn cho biết thêm.

Từ việc chấn chỉnh, ngăn chặn săn bắt, mua bán ĐVR đã có hiệu quả rõ rệt đã làm dấy lên phong trào người dân tự giác giao nộp thú quý hiếm.

Chỉ tính riêng năm 2019, đã có trên 20 trường hợp người dân tự nguyện giao nộp thú quý cho lực lượng kiểm lâm để cứu hộ trước lúc thả về rừng.

Mới đây nhất là việc Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng phối hợp cùng Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (VQG Phong Nha - Kẻ Bàng) tiến hành thả vào rừng 13 cá thể, gồm 8 cầy vòi mốc, 5 cầy vòi hương. Trong số này có 1 con cầy vòi hương ông Nguyễn Thanh Sơn (ở TP Đồng Hới) giao nộp.

Ông Sơn cho biết: “Hôm trước, tôi đi công tác lên vùng miền núi, thấy có người mang con cầy hương này. Biết đây là thú quý nên dừng xe nằn nì mua mang về. Sau đó, tôi mang đến giao nộp lại cho đơn vị kiểm lâm để các anh chăm sóc trước thả về rừng tự nhiên”.

Cơ quan chức năng ở Quảng Bình thả động vật hoang dã vào rừng tự nhiên. Ảnh: TL.

Cơ quan chức năng ở Quảng Bình thả động vật hoang dã vào rừng tự nhiên. Ảnh: TL.

Buổi chiều, tôi rủ Hải đi lên tuyến đường có “chợ” thu rừng xem sao. Hải nói chắc: “Hiện thì không còn một chổ nào mua bán thú rừng nữa đâu. Bên lực lượng làm căng lắm. Anh em thợ săn trước đây cũng giải nghệ tất cả rồi”. Hai anh em chạy một vòng, quả như lời Hải nói.

Đến lúc ghé vào quán NT, chủ quán Tâm ra đón cứ gãi gãi cái đầu trọc nói như bị kiểm điểm: “Tụi em có sướng cũng không dám mua bán, làm đồ nhậu thịt thú rừng đâu. Lỡ đội liên ngành bắt gặp thì phục vụ cả năm trời cũng chưa đủ lại cái tiền phạt. Chả dại gì…”.

 

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.