| Hotline: 0983.970.780

Vén màn cơn sốt giá tỏi

Thứ Sáu 28/05/2010 , 09:05 (GMT+7)

Chưa đầy một năm, giá tỏi tăng vài chục lần, rồi cả trăm lần khiến người tiêu dùng chuyển từ ngạc nhiên sang giận dữ.

Chưa đầy một năm, giá tỏi tăng vài chục lần, rồi cả trăm lần khiến người tiêu dùng chuyển từ ngạc nhiên sang giận dữ. Từ người nghèo đến người giàu, không ai muốn phải chi quá nhiều tiền cho tỏi, một loại củ rất đỗi bình dân nay bỗng đắt hơn thịt! Nhiều ý kiến được đưa ra lý giải hiện tượng này. 

>> Hé lộ nguyên nhân cơn sốt giá tỏi tại Trung Quốc
>> Giới đầu tư Trung Quốc phát sốt vì tỏi

Nguồn cung hiếm 

Tuần san kinh tế Trung Quốc cho biết từ cuối năm ngoái, giá tỏi ở Sơn Đông tăng 40 lần, đạt mức 9 NDT một cân. Tại Hà Nam, giá tỏi tăng 100 lần! Cùng lúc đó, nhiều siêu thị lớn ở Bắc Kinh bán tỏi với giá 20 NDT một cân. 

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân do giới đầu cơ nông sản đang “lướt sóng” thị trường. Nhưng lập luận này không nhận được sự đồng thuận của Bộ Thương mại Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, bất cứ thị trường nào cũng tồn tại giới đầu cơ, “nhưng đối với thị trường nông sản thì giới đầu cơ không thể “lướt sóng” khiến giá cả tăng chóng mặt như vậy”.  

Trước đó, tại huyện Kim Hương tỉnh Sơn Đông, nơi được coi là khởi nguồn cho cơn sốt giá tỏi, Bí thư huyện ủy Trương Thắng Minh lý giải, nguồn hàng năm nay hiếm dẫn đến hiện tượng trên. Cũng theo ông Trương, xu hướng xuất khẩu tỏi sang thị trường Mỹ ngày càng tăng, làm cho tỏi trên thị trường quốc nội ít đi. 

Trung Quốc hiện có 700.000 ha ruộng tỏi, đứng đầu về diện tích trồng tỏi trên thế giới, 70% sản lượng tỏi lưu hành trên thị trường quốc tế do nước này cung cấp. Theo giáo sư Nghê Nguyên Dĩnh – Đại học Nông nghiệp Trung Quốc thì: “Năm 2007 và 2008 do giá tỏi thấp tới mức thê thảm nên năm 2009 diện tích trồng tỏi giảm nhiều. Mặt khác, cũng trong năm 2009, diện tích trồng, sản lượng giảm tới 30%”. 

Hiệp hội rau quả Trung Quốc cho rằng, giá tỏi Trung Quốc ở Mỹ được bán với giá 20 NDT một cân, sau khi trừ đi chi phí vận chuyển, thuế quan… thì giá tỏi trên thị trường Trung Quốc chỉ nên ở trong khoảng 5 – 6 NDT là hợp lý!

Ông Lưu Chương Tiễn, Chủ tịch UBND huyện Kim Hương cho biết: “Giá tỏi năm nay cao khiến nhiều người không hài lòng. Nhưng theo tôi, đây cũng là điều hợp lý, bởi năm ngoái giá thấp quá, nên năm nay… giá phải cao lên!”. Theo ông Lưu, chi phí đầu tư cho một mẫu ruộng tỏi (tương đương với 1/15 ha) hiện nay vào khoảng 2.000 NDT. Nhưng với thời giá năm 2008, với giá bán buôn 0.4 NDT một cân cũng không có người mua!  

Thiệt hại của nông dân khi đó là rất lớn, bởi với giá đó, giá trị của một mẫu tỏi chỉ là 700 NDT. “Nhớ lại năm đó, không chỉ ở huyện chúng tôi, mà ngay ở Hà Nam cũng thế, tỏi vứt ngoài đường không ai thèm nhặt. Một bao thuốc lá đổi được cả một túi tỏi to. Từ giữa tháng 8 năm ngoái, giá tỏi tăng trở lại, rồi tính cả chi phí bảo quản, vận chuyển... nên giá tăng là điều tất yếu bởi giá đã thấp quá lâu rồi”, ông Lưu cho hay. 

Khâu trung gian và giá trị tự thân của tỏi 

Theo nhà nghiên cứu Hồ Định Hoàn, Viện nghiên cứu kinh tế nông nghiệp Trung Quốc thì nguyên nhân do khâu trung gian giữa người trồng tỏi và người tiêu thụ quá nhiều dẫn tới giá tỏi tăng: “Nông dân bán tỏi cho người thu mua ở địa phương, người này lại bán cho người buôn tỏi, rồi sau đó mới ra tới siêu thị. Tôi từng làm một phép tính với cà chua, nông dân chỉ bán với giá 2 – 3 NDT, ra tới siêu thị, người mua phải trả 6 – 7 NDT”. 

Mặt khác, theo ông Hồ Định Hoàn, các siêu thị và nông dân nên cùng nhau loại bỏ khâu trung gian, thay vào đó là siêu thị đến tận ruộng của nông dân mua hàng. Việc này sẽ làm giảm 20 – 30% giá thành, đồng thời mang lại thêm 10% thu nhập cho nông dân. 

Thông tin từ huyện Kim Hương, tỉnh Sơn Đông cho biết, huyện này đang xúc tiến biện pháp “bình ổn việc thu mua, tiêu thụ tỏi” theo ý kiến trên, nhằm tăng thu nhập cho nông dân và hãm bớt đà tăng phi lý của giá tỏi. 

Một ý kiến mới gây chú ý nhất, giá tỏi sẽ còn tiếp tục tăng cao do ảnh hưởng của thị trường quốc tế. Các chuyên gia kinh tế nông nghiệp TQ cho hay, ở các quốc gia phát triển, tỷ lệ giá trị sau gia công và giá trị tự nhiên của rau quả là 3:1; ở Mỹ là 3.7:1; nhưng ở TQ, tỷ lệ này chưa tới 0.5:1. 

Giáo sư Nghê Nguyên Dĩnh cho biết: “Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu cũng như Mỹ, đa phần tỏi họ dùng là ở Trung Quốc mà ra. Họ đầu tư chế biến tỏi tươi thành bột tỏi, dung dịch tỏi, hay là viên thuốc nhộng chứa tỏi rồi bán lại cho Trung Quốc thu lợi nhuận cực cao”. Trong khi đó, số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, nước này mỗi năm xuất khẩu 1.5 triệu tấn tỏi, hầu như ở dạng tỏi tươi. Có tới 700 Cty xuất khẩu tham gia thị trường này, nhưng chỉ hai đến ba Cty trong số đó đầu tư khâu chế biến, song mới là chế biến thô. 

Theo Tuần san kinh tế Trung Quốc, giá tỏi Trung Quốc trên thị trường quốc tế, một cân dầu tỏi có giá 500 NDT, việc này khiến những người ủng hộ trường phái “giá trị tự thân của tỏi” càng thêm lạc quan, hiện tượng tỏi đắt hơn thịt lợn sẽ còn tiếp tục diễn ra lâu dài. 

Tuy vậy, cũng có nhiều chuyên gia khác cảnh báo, việc hám lợi trước mắt, đầu tư trồng tỏi vô tội vạ sẽ khiến giá tỏi giảm mạnh. Nếu không có quy hoạch, tính toán lâu dài, người bị thiệt nhất vẫn là nông dân! (Hết)

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm