| Hotline: 0983.970.780

Đất của người chết bao vây đất của người sống

VI. Bi hài chuyện cưỡng chế 'nhà của người chết'

Thứ Hai 27/03/2023 , 08:07 (GMT+7)

Chưa vào cuộc họp, đang uống nước thì bà ấy đập chân, đập tay, mắt long lên sòng sọc, quát: 'Chúng mày không được phá mộ của tao, nếu cố phá sẽ chết với tao'.

“Hồn” của con “nhập” vào mẹ để cảnh cáo cán bộ

Bài liên quan

“Giọng của bà lúc ấy đồng bóng nghe không ra nam hay nữ. Nói một hồi thì người bà cứng ra, ngửa cổ, mắt mở trừng trừng lên trên trần, toàn là lòng trắng. Chúng tôi cho Chủ tịch Hội phụ nữ xã vào động viên cũng không thấy tỉnh nên mấy người mới cùng khiêng lên Trạm Y tế. Hôm đó cuộc họp không thành công, đành phải ra về. Cuộc thứ hai, chúng tôi mời ông chồng lên. Cuộc thứ ba, chúng tôi mời cả anh em họ hàng lên, mọi người đều nhất trí với quan điểm xử lý của địa phương”.

Anh Nguyễn Duy Trìu - cán bộ văn hóa xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình kể về chuyện giải tỏa khu mộ xây quây rộng quá quy định mà nghe kịch tính như phim hành động của Hollywood. Đó là một trường hợp chuẩn bị làm “nhà” cho người con trai không may mất sớm, đã sắp tới kỳ bốc mộ, sang cát.

Khi gia đình đổ đất ngoài nghĩa trang làng, trưởng thôn không để ý nên khi họ xây quây ra quá diện tích (Theo quy định của Nghị định 23 năm 2016 của Chính phủ mỗi ngôi mộ cát táng không được quá 3m2 nhưng họ xây quây khoảng hơn 10m2) thì sự đã rồi. Móng đã xong, cái lồng (lăng đá) cũng đã được dựng lên chuẩn bị sẵn sàng đưa tiểu của con mình xuống để chôn thì xã mới phát hiện ra, mời gia đình lên hội trường UBND để cùng phối hợp với thôn và các ban ngành, đoàn thể, vận động tự nguyện tháo dỡ.

Empty

Nghĩa trang cũ của làng Sài dù chật chội vẫn có nhiều khoảnh đất còn bỏ trống trong các khu mộ được xây quây trái phép. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vậy là xảy ra chuyện “hồn” của người con “nhập” vào bà mẹ để cảnh cáo cán bộ xã nào dám phá mộ của mình. “Sau nhiều cuộc họp thuyết phục có tình, có lý, cuối cùng gia đình cũng hiểu, nhận lỗi trước UBND xã và hứa sẽ tháo dỡ khu mộ xây quây trái phép. Nhưng họ cứ lần lữa, hẹn ngày này đẹp, ngày kia đẹp. Chúng tôi nhận định nếu họ đã đưa tiểu xuống chôn rồi thì rất khó xử lý nên vận động gia đình đã thống nhất, xã sẽ cùng với họ xuống làm một cái lễ rồi chung tay tháo dỡ.

Bản thân tôi cùng với Chủ tịch UBND xã, công chức địa chính xã và đại diện các ban ngành, đoàn thể cầm búa ra làm trực tiếp luôn. Các cán bộ đập, còn gia đình họ đứng đấy, chứng kiến rồi tham gia gom, nhặt gạch, vữa gọn vào một chỗ.

Nếu đúng ra, trường hợp này là phải cưỡng chế, xã thuê máy móc về, gia đình phải trả công nhưng chúng tôi gọi là cùng tháo dỡ cho nó tình cảm. Địa phương không muốn thuê máy móc đến phá bởi còn đang động viên gia đình, bởi chúng tôi làm cán bộ ủy ban nhưng về làng, có khi những người vi phạm kia cũng là họ hàng của mình.

Trước đây, có một trường hợp xây quây khu mộ rộng mấy chục m2 cũng ở nghĩa trang ấy, xã đã cho máy múc xuống phá. Sau khi cưỡng chế như thế, gia đình họ trách xã làm máy móc, không tình cảm nên chúng tôi rút kinh nghiệm không thuê máy để phá dỡ vi phạm kiểu này nữa. Vả lại khi thuê máy nhiều người cũng không dám phá đâu, bởi được trả công nhưng về sau ngại chạm mặt với người chủ khu mộ, lại mang tiếng là tham tiền”, anh Trìu giải thích.

Empty

Một người dân đang pha thuốc sâu bên cạnh những khu mộ lớn ở nghĩa trang cũ của làng Sài. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người sống tại xã An Quý đang có 45ha đất ở, nhưng người chết chỉ có 4,5ha đất nghĩa trang, trong đó lại xảy ra không ít trường hợp bao chiếm, xây quây to nên diện tích còn lại ít, chật đến mức địa phương này liên tục đề nghị mở rộng nhưng không được chấp nhận.

Ông Nguyễn Văn Đương - Chủ tịch UBND xã cho biết xấp xỉ 5.000 nhân khẩu đang sinh sống ở trong 4 thôn gồm Mỹ, Sài, Lai Ổn, Mai Trang. Xưa hầu như mỗi làng có 1 nghĩa trang, nay làng của người sống đã sáp nhập thành thôn nhưng “làng của người chết” vẫn còn nguyên 5 nghĩa trang như cũ. Đặc điểm chung của chúng là nằm trên quỹ đất công, mồ mả xây dựng rất lộn xộn, không hiếm tình trạng bao chiếm, nhận phần cho gia đình, dòng họ một mảnh riêng từ chục m2 đến vài chục m2.

Từ năm 2016, xã bắt đầu chương trình xây dựng nông thôn mới, có quy hoạch một nghĩa trang chung rộng 5.000m2, quyết định đóng cửa 4 nghĩa trang cũ và tiếp tục sử dụng, mở rộng nghĩa trang của thôn Lai Ổn. Ở khu nghĩa trang mới đã chia hai phần hung táng và cát táng rõ ràng. Phần hung táng làm được theo hàng lối, mộ cách mộ, hàng cách hàng, chiều dài, rộng, cao khá đều nhau nhưng ở phần cát táng thì vẫn tồn tại hiện tượng xây mồ to, mả rộng…

Đất đai vốn dĩ đã phức tạp mà liên quan đến tâm linh lại càng phức tạp hơn nữa. Diện tích đất ở các nghĩa trang cũ bị người ta xí, nhận phần, có khi nhà khác vừa bốc mộ lên, nhà chôn ở gần liền thừa cơ hội mở rộng bằng cách phá bờ bao cũ, xây lấn ra.

Empty

Ông Kiều chỉ các khu mộ xây quây rộng ở nghĩa trang mới của làng Sài, đã bị xã đập giờ cỏ mọc um tùm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chiếc ghế “nóng” nhất

Ở xã bây giờ, chiếc ghế “nóng” nhất là địa chính. Trong khi nhiều vị trí khác có thể không bị luân chuyển nhưng địa chính luôn được đảo từ xã này sang xã khác để tránh những rắc rối do quen biết thân sơ, họ hàng. Địa chính cho đất người sống còn có sổ đỏ làm bằng, địa chính cho đất của người chết có khi chẳng biết lấy cái gì để mà bám víu nên ra đụng, vào chạm suốt.

Tôi theo chân anh Nguyễn Văn Vưỡng - cán bộ địa chính mới được luân chuyển về xã An Quý để đi thực tế ở nghĩa trang làng Sài. Nó nằm sát đường nhựa, mật độ mồ mả dày đặc đến nỗi nhiều cái không hề có lối đi vào, nhưng ngược lại, không ít khu vẫn còn trống. Tuy nhiên chúng chẳng hề vô chủ mà đã được xí phần, xây tường bao vây quanh, bên trong cỏ mọc xanh rì.

Ông Nguyễn Công Bình - một người gốc của làng cho biết, sở dĩ đống Gốc Quýt (tên của nghĩa trang thôn - PV) có nhiều ngôi mộ to là do ở sát mép đường, khi sang cát cho các cụ gia đình đã bao chiếm thêm phần đất lưu không hay phần dành để làm đường. Chính vì vậy, gây nên tình trạng những ngôi mộ bên trong không có lối đi vào, khi con cháu đến thắp hương phải trèo cả lên đầu các “cụ” (các ngôi mộ khác).

Từng làm trưởng thôn Lai Ổn trong suốt 20 năm liền, ông chứng kiến cảnh trước đây người ta tranh nhau từng tí đất một để canh tác. Nhưng giờ thanh niên đi ra ngoài làm công nhân hết, ở làng chỉ có ông bà già và đàn cháu nhỏ khiến cho việc cày cấy rất khó. Thêm vào đó, giá bán thóc thì rẻ mà giá thuê nhân công, mua vật tư nông nghiệp thì cao, nạn chuột bọ phá hoại nên người ta dần chán, bỏ ruộng. Nhưng mảnh đất ở ngoài nghĩa trang để chuẩn bị xây cho mình một ngôi mộ ngay từ khi còn đang sống thì không người nào chán cả.

Tôi ra nghĩa trang mới của làng Sài. Những tảng vữa còn khá mới vẫn còn nằm ngổn ngang trên phần đất xây quây trái phép bị đập của bà bị “vong” con trai “nhập” rồi ngất ngay ở hội trường UBND xã. Cạnh đó, một khoảnh đất lớn hơn nhiều đã xây quây, cỏ mọc tốt um, do bị xã tháo dỡ trước đó, giờ chỉ còn lại cái móng gạch.  

Empty

Bãi rác sát nghĩa trang mới của làng Sài thường bị đốt như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Đức Kiều người làng bảo với tôi rằng năm nay mình đã 70 tuổi, cũng nghĩ đến chuyện phải lo một suất đất ngoài nghĩa trang, nhưng không làm sao lo nổi khi người ta cứ lấn chiếm như vậy.

“Ở nghĩa trang cũ, những người có tiền hay làm to đã bao chiếm hết đất, giờ thể không làm gì được nữa bởi họ đã đặt mộ xuống đó rồi, phần còn trống thì chờ để dành cho con cháu đặt sau này. Khi khu nghĩa trang cũ chật, mới hình thành nên nghĩa trang này nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng bao chiếm. Đây là phần đất đã nhận rồi, đã đặt một ngôi xuống rồi, còn đây là phần mới xây quây để chờ thế hệ tiếp. Theo tôi xã mạnh tay phá những khu xây quây trái phép là đúng", ông Kiều chia sẻ.

"Không nên để bãi rác sát nghĩa trang thế này, rất bẩn thỉu đã đành, khói đốt rác ngày đêm còn bốc lên gây ô nhiễm cho cả người sống khi ra làm ruộng hay đến thắp hương lẫn ô uế cho cả người chết”, ông Nguyễn Đức Kiều bức xúc.

Nghĩa trang trước cánh đồng thôn La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình chỉ cách một con đường và mấy thửa ruộng là làng. Góc nhìn chéo từ trên cao của flycam đã cho thấy nó đang chiếm diện tích rất lớn và dần trở nên gần cân đối với không gian của những người đang sống ở trong thôn. Lướt qua mắt tôi là những khu mộ xây quây nhận phần, xí chỗ rộng, những lăng xi măng hay đá cao lớn với cái mái uốn cong...

Nghĩa trang trước cánh đồng thôn La vân, xã Quỳnh Hồng đang ngày một lớn. Clip: Dương Đình Tường. 

Theo ông Phạm Hồng Vương - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, ở các khu nghĩa trang cũ thì chấp nhận hiện trạng lộn xộn, nhưng ở các khu mới phải dần đi vào nề nếp. Theo tiêu chí của chương trình nông thôn mới, mỗi xã quy hoạch 1 - 3 điểm nghĩa trang tập trung cho nhu cầu từ 2 - 3 thôn trở lên.

Việc quy hoạch và làm các thủ tục đất, đảm bảo vệ sinh môi trường thuộc về thẩm quyền của phòng nếu đó là đất ruộng, cần giải phóng mặt bằng, xin phép tỉnh. Việc quản lý nghĩa trang thuộc về Chủ tịch UBND xã. Việc xây mộ theo quy định thuộc về ngành văn hóa trong thực hiện nếp sống văn hóa , cụ thể mộ hung táng không quá 5m2, cát táng không quá 3m2 (Nghị định 23, năm 2016). Hiện diện tích đất nghĩa trang của huyện năm 2021 là 207,6ha, nhu cầu quy hoạch đến năm 2030 là 299,7ha, trong khi đó đất ở cho người sống là 1.512,4ha, quy hoạch đến năm 2030 là 1.944,3ha.

Empty

Nghĩa trang trước cánh đồng thôn La Vân, xã Quỳnh Hồng đang ngày một lớn. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Chúng tôi muốn xã hội hóa nghĩa trang nhân dân, kêu gọi nhà đầu tư vào kinh doanh lĩnh vực này để quy hoạch gọn gàng, xây tường bao, làm đường đi, sơ đồ mộ chí, phân lô rồi bán như các khu đô thị của người mất vậy. Sở Xây dựng tham mưu tỉnh ra Chỉ thị về khu dân cư kiểu mẫu đi liền với nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu, nhưng đều khó. Người dân có tâm lý là phải thông qua chủ đầu tư mới được chôn nên ngại, nhưng đổi lại chủ đầu tư phải có trách nhiệm quản lý, duy tu nghĩa trang đến muôn đời sau. 37 xã, thị trấn trong huyện nhưng chưa một nơi nào làm được như thế cả”, ông Vương cho biết.

Liên quan đến chủ đề nghĩa trang, tôi được nghe chuyện người dân ở một xã tại huyện Đông Hưng, Thái Bình còn kề dao vào cổ cán bộ địa chính, định xin tí máu vì dám can ngăn họ xây dựng tường bao nghĩa trang gia đình, tôi quyết sang để tìm hiểu thực hư.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.