| Hotline: 0983.970.780

Vị mặn của những cốc chè

Thứ Ba 24/07/2012 , 11:06 (GMT+7)

Đôi quang gánh, vài ba chiếc xoong, một ít thìa và ly…, đó là vốn liếng của hàng chục phụ nữ nghèo ở Thừa Thiên- Huế “ly hương” đến mảnh đất Hà Tĩnh bán chè dạo...

Với đôi quang gánh, vài ba chiếc xoong, một ít thìa và ly uống nước…, đó là vốn liếng của hàng chục phụ nữ nghèo ở Thừa Thiên- Huế “ly hương” đến mảnh đất Hà Tĩnh mưu sinh bằng nghề bán chè dạo.

20 năm quang gánh đè vai

Trưa một ngày tháng 7, nắng như đổ lửa bốc lên mùi khét nhựa đường, tôi tấp xe vào vỉa hè, dưới bóng râm của cây phượng đại thụ nơi đang đặt một gánh chè nhỏ đã được nấu trước đó vài chục phút. Chị Lê Thị Bạn (quê ở làng Triều Sơn Trung, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên- Huế) tay thoăn thoắt múc chè, bỏ đá vào ly cho khách. Đưa ly chè thơm và mát lạnh cho tôi, chị nhanh tay gạt vội dòng mồ hôi đang chảy trên vầng trán, nhỏ nhẹ: Phụ nữ Huế chúng tôi rất chịu thương, chịu khó nhưng vì ở quê không có công ăn việc làm nên mới phải tha phương cầu thực. Riêng phụ nữ làng Triều Sơn Đông thì chủ yếu ra TP Hà Tĩnh bán chè dạo dọc đường.


Cái nghiệp quang gánh đè vai đã theo chị Bạn hơn chục năm nay

Chị Bạn khởi nghiệp bán chè dạo từ năm 2000, nhưng khi tôi hỏi: Chị có ý định về quê tìm việc làm khác hay không? Chị bảo: “Tui quen với nghề ni rồi nên trong đầu chỉ nghĩ chừng nào chùn chân, mỏi gối, không gánh hàng được nữa thì mới bỏ nghề”. Với chị Bạn, tuy đây là nghề vất vả nhưng nó mang lại cho chị nguồn thu nhập khá hơn nhiều so với nghề lượm ve chai ở Huế.

Chị Bạn cho hay, chị lấy chồng khi 20 tuổi, chồng làm nghề phụ hồ, mỗi tháng thu nhập của anh vỏn vẹn trên dưới 2 triệu đồng. Với khoản thu nhập này cộng với làm 5 sào ruộng cằn cỗi, không đủ để nuôi 3 đứa con ăn học nên chị bàn với chồng gửi con cho ông bà để đi lượm ve chai về bán. Chiếc xe đạp cũ nát, luồn lách đến tận hang cùng, ngõ hẻm, rao bỏng rát cả cổ nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao vì nhiều người làm ve chai quá. Đầu năm 2000, sau khi bàn bạc với chồng, chị quyết định sắm đồ nghề, cùng với mấy chị em hàng xóm rời thành Huế trầm mặc ra TP Hà Tĩnh, với hi vọng có “cơ may” bằng nghề bán chè dạo.

Hoàn cảnh chị Lê Thị Ty, 37 tuổi cùng ở thị xã Hương Trà còn vất vả hơn chị Bạn. Chị Ty đã lấy chồng và sinh được 2 người con, một đứa học lớp 3, đứa thứ hai chỉ mới 3 tuổi. “Tui ra đây khi đứa con đầu mới 2 tuổi nhưng giờ nó đã học lớp 3, tui vẫn bám nghề bán chè dạo này bởi ít nhiều hằng tháng cũng mang lại cho tui thu nhập trên dưới 3 triệu đồng. Nếu ở Huế làm cái nghề lượm ve chai và đan nón thu nhập hằng tháng cao lắm cũng chỉ được triệu bạc là cùng”, chị Ty bộc bạch.

Số phụ nữ Huế ra Hà Tĩnh như chị Bạn, chị Ty còn nhiều lắm nhưng có lẽ nếu nhắc đến “lịch sử” sinh ra cái nghề gánh chè dạo ở đây phải kể đến bà Nguyễn Thị Tuận, bà được mọi người xem là “bà tổ” của nghề chè dạo ở Hà Tĩnh. Bà là một phụ nữ gốc Huế, vừa khéo tay vừa khéo miệng. Cuộc sống vợ chồng vất vả buộc bà phải xách đôi quang gánh ra TP Hà Tĩnh từ năm 1991 để kiếm miếng cơm manh áo.

Hơn hai thập kỷ trôi qua, bà Tuận nay đã 75 tuổi nhưng cái nghiệp “đòn gánh đè vai” vẫn đeo bám bà tới tận hôm nay. Bà nói: “Dù con cái không đứa nào cho tui đi gánh hàng nữa nhưng nghĩ lại trong lúc bĩ cực nhất chính cái nghề gánh chè dạo này đã giúp vợ chồng tui có tiền nuôi con ăn học thành người. Với tui giờ vấn đề kiếm tiền không quá quan trọng nhưng tui sẽ không bỏ nghề này khi tui còn đi lại được”.

 Chính bà Tuận là người đầu tiên "khai sinh" ra nghề bán chè dạo ở TP Hà Tĩnh và cũng chính bà đã tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định cho hơn 20 phụ nữ thị xã Hương Trà.

Chỉ ước được ở gần chồng con

Vừa đặt xuống gánh hàng đã ngự trên vai suốt buổi sáng, chị Ty tâm sự: “Mỗi lần tui về quê, khi chuẩn bị trở ra thằng bé thứ hai cứ khóc lên khóc xuống kêu tui đừng có xa nó nữa, những lúc ấy tui thấy thương con lắm, chỉ muốn ở nhà luôn thôi. Nhưng vì cuộc sống, vì tương lai của con tui lại phải cắn răng cắn lưỡi mà ra đi. Giờ nhắc đến thằng bé tui nhớ, có một lần tui nói với nó ngày mai mẹ ra lại Hà Tĩnh, chưa nói dứt câu nó ôm chặt lấy cổ tui rồi nói “mẹ ở nhà với em, đừng đi ra nữa, em không đòi mẹ mua sữa cho em nữa mô, ở nhà mình có gạo rồi giờ ăn với muối cũng được mẹ ạ”. Nghe những câu nói chưa tròn chữ, vẹn câu của nó tui vừa cảm động vừa thấy mình có lỗi với con biết bao!”.

Kể chưa dứt câu chuyện, chị Ty lén quay đi lau vội những giọt nước mắt mặn chát chảy trên khuôn mặt đen sạm vì nắng và gió Lào của mình.


Ngôi nhà chung của những phụ nữ Huế bán chè dạo ở TP Hà Tĩnh

“Sáng sớm thức dậy mỗi đứa tự nhóm lửa nấu phần chè của mình rồi gánh đi bán trên những tuyến đường, khu phố đã được phân chia. Bán đến khoảng 15-16h thì tập hợp nhau lại ở nhà trọ rồi ra chợ mua cùi dừa, bột lọc, đậu xanh, đậu đen về làm hàng cho ngày hôm sau. Đến khoảng 20-21h ăn cơm tối xong thì cùng nhau đi ngủ. Mỗi ngày làm việc của chị em tôi trôi qua như vậy đó", chị Lê Thị Bi, thị xã Hương Trà.

“Nhiều khi đã nghèo còn eo cô ạ. Ông bà mình xưa nói cấm có sai điều gì! Một buổi tối tháng 11/2011, sau một ngày gánh hàng bỏng hết chân nhóm 9 chị em sống chung một nhà trọ rủ nhau đi xem ti vi. Đang xem phim thì ông chủ trọ hét toáng lên - nhà cháy, khi mấy chị em chúng tôi trở về thì ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt, thiêu cháy toàn bộ vốn liếng, đồ nghề của 9 người. Lúc ấy chúng tôi như những kẻ lang thang không gia đình. Tội nhất là chị Thanh, cứ lao vào đống lửa chỉ mong lấy được mấy bộ quần áo, dày dép chị chắt chiu từng đồng sắm làm quà tết cho chồng con”, vừa kể chuyện, chị Ty lại như thần người nhớ lại chút nỗi niềm pha cay đắng.

Trận lũ lịch sử năm 2010 cũng làm cho mấy chị em thiệt đơn, thiệt kép. Bữa đó, mấy chị em đi bán chè nóng về thì nước lũ đã vào đến phòng trọ. Lúc này chẳng biết nhờ vả ai đành gõ cửa mấy ngôi nhà bên cạnh xin họ tránh lũ. “Cảnh tượng ngồi trên chạn nhà đợi cứu trợ từng gói mì tôm chắc suốt đời này chị em chúng tôi không bao giờ quên được”, chị Bạn kể lại và lại len lén quay mặt đi.

Hàng rong chẳng thể ngồi lâu. Tôi muốn chị nhận luôn ít tiền thừa, nhưng chị không chịu: “Chẳng đặng được mô em nờ. Khi nào thấy chè gánh thì em ghé ăn cho chị là được rồi”. Chị Bạn, chị Ty lại quẩy gánh lên vai. Bóng nắng còn gắt xiên. Tiếng rao thoảng trong nắng như làm dịu bớt cơn bức: “Ai chè đá không...”.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lạng Sơn rà soát lại các gói thầu liên quan đến công ty Thuận An

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An tham gia thi công một phần của dự án nâng cấp Quốc lộ 4B, kết nối liên vùng giữa tỉnh Lạng Sơn - Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm