Tăng cường tuyên truyền về phòng chống thiên tai
Những năm qua trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai tại nước ta có những diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường. Điển hình, trong năm 2020, cả nước, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, động đất, hạn hán, xâm nhập mặn…
Trước tình hình đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24/3/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Thực hiện Chỉ thị đó, UBND các tỉnh, thành trong cả nước đã bám sát thực tế của địa phương, đơn vị; kiểm tra, khắc phục các sự cố đê điều, thủy lợi; rà soát vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời nhân dân đến nơi an toàn trong trường hợp khẩn cấp... bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trở thành “điểm sáng” trong trong công tác phòng chống thiên tai.
Trong bối cảnh thiên tai đang ngày càng cực đoan, khó lường, các chuyên gia nhận định, việc chủ động các giải pháp, kịch bản ứng phó là nhiệm vụ cấp thiết. Theo đó, phòng hơn chống, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, phòng, chống thiên tai đến chuẩn bị các kịch bản phục hồi, tái sản xuất… theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổng huy động nguồn lực, trong đó toàn thể nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, lúc nào cũng thường trực với phương châm “phát triển đi đôi với bền vững” để có biện pháp thích ứng rộng rãi.
Xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, phù hợp đối với 3 giai đoạn: Chuẩn bị - phòng ngừa - ứng phó và khắc phục hậu quả. Cùng với đó, thường xuyên phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra; thực hiện tốt phương châm “3 sẵn sàng, 4 tại chỗ và 5 không” trong công tác phòng, chống thiên tai.
Tăng cường tuyên truyền cho người dân các kỹ năng ứng phó trước các tình huống khi có thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do chủ quan, do nhận thức không đầy đủ về trách nhiệm và nghĩa vụ; chủ động hợp tác, phối hợp với chính quyền về công tác phòng, chống thiên tai. Phát huy tinh thần tương thân tương ái, nhũng nghĩa cử cao đẹp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân sẵn sàng giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn khi có thiên tai lớn xảy ra.
Chủ động phòng chống, hạn chế thiệt hại
Tuần lễ Quốc gia năm 2021 (diễn ra từ ngày 15 - 22/5) có chủ đề ”Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai” với mục tiêu nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt gắn với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Theo nhận định của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong 10 nước bị thiên tai đe dọa lớn nhất. Vì vậy, nếu không chủ động phòng chống thì thiệt hại sẽ rất lớn. Do đó, chúng ta không được phép chủ quan, chung tay phòng chống thiên tai một cách chủ động, kịp thời, hiệu quả.
Trong những năm qua chúng ta đã huy động gần 400 nghìn lượt người với hơn 10 nghìn phương tiện tham gia hỗ trợ ứng phó khắc phục ứng cứu hàng nghìn vụ, cứu hàng chục nghìn người về nơi an toàn tránh bão lũ thiên tai. Đặc biệt, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, dự báo theo dõi, giám sát công trình, khu vực trọng điểm xung yếu thiên tai nước đã đã được quan tâm với trên 1.000 trạm đo mưa tự động, với hơn 50 trạm cảnh báo thiên tai và gần 100 vị trí giám sát camera theo dõi trọng điểm đê điều và nhiều hồ chứa nước lớn đã được đầu tư từ nhiều nguốn vốn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 13/2/2019 về việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2021 và kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống phòng chống thiên tai Việt Nam (22/5/1946 - 22/5/2021), sẽ diễn ra các hoạt động gồm: Trình ban hành Thư và Kỷ niệm chương của Chủ tịch nước gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam; tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021; mít tinh, chương trình truyền hình trực tiếp “Vì một xã hội an toàn trước thiên tai"; tổng kết phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” giai đoạn 2016 - 2020” và phát động phong trào thi đua giai đoạn 2021 - 2025; Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai, sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống thiên tai; tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2020 - 2025”...