| Hotline: 0983.970.780

Vì sao giá gas ở Quảng Ninh cao hơn các địa phương khác?

Thứ Ba 11/07/2023 , 17:31 (GMT+7)

QUẢNG NINH Phải chăng có hiện tượng các doanh nghiệp kinh doanh gas trên địa bàn tỉnh bắt tay với nhau độc chiếm thị trường, thao túng giá gas?, đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi.

Chiều 11/7, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIV tiếp tục diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Giá gas Quảng Ninh cao hơn các tỉnh lân cận

Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả chất vấn: Hiện giá gas của tỉnh Quảng Ninh cao hơn so với các địa phương khác; ví dụ: Giá gas ngày 23/6/2023 tại Hải Phòng là 310.000 đồng/bình 12kg, Hải Dương 322.000 đồng, Hà Nội 330.000 đồng (gas Petrol) nhưng giá gas ở Quảng Ninh tại cùng thời điểm là 410.000 đồng/bình, nội dung bất cập về giá gas trên địa bàn thời gian qua cũng được báo chí nêu.

Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Công thương cho biết nguyên nhân giá gas của Quảng Ninh cao hơn các địa phương khác; phải chăng có hiện tượng các doanh nghiệp kinh doanh gas trên địa bàn tỉnh bắt tay với nhau độc chiếm thị trường, thao túng giá gas?

Đại biểu Lê Cao Long chất vấn. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đại biểu Lê Cao Long chất vấn. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Cao Long, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, từ đầu năm 2023, do ảnh hưởng của giá khí thế giới, giá bán lẻ khí dầu mỏ hóa lỏng trên thị trường ở mức cao từ 32.000 - 42.000 đồng/kg, riêng thời điểm tháng 2 giá LGP trên địa bàn tỉnh lên tới trên 42.000 đồng/kg tương ứng trên 500.000 đồng/bình 12kg; đến tháng 7/2023 giá gas đã giảm liên tiếp 5 lần, giá tại thời điểm hiện tại ở mức 330.000-380.000 đồng/bình 12kg.

Qua rà soát, có 3 nhãn hiệu LPG có mức giá đăng ký ở Quảng Ninh cao hơn các tỉnh thành khác, Sở Công Thương đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có mức giá bán lẻ đăng ký ở tỉnh Quảng Ninh cao hơn các tỉnh lân cận và có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh mua bán khí về việc cân đối lại chi phí tính toán giá LPG chai, giảm giá bán lẻ LPG chai đến tay người tiêu dùng, nhằm kích cầu và tiết kiệm chi phí cho người dân.

Về nguyên nhân giá LPG chai (gas) của Quảng Ninh có chênh lệch với các địa phương khác theo bảng kê khai mức giá. Thương nhân kinh doanh khí nêu 3 nguyên nhân chính: (1) Doanh thu bán hàng, định mức chi phí lãi cho các đại lý; (2) Chính sách chăm sóc khách hàng; (3) Chi phí kinh doanh của tại Quảng Ninh cao hơn các địa phương khác (chi phí thuê mặt bằng, lương nhân công, cung đường vận chuyển, các chi phí chăm sóc khác hàng sau bán...).

Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, khách quan, cũng không thể loại trừ trường hợp như đại biểu nêu về việc có hay không có những vi phạm pháp luật như sự bảo kê, thao túng thị trường gas...

Vì vậy, Sở Công Thương đã có văn bản gửi Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh để điều tra, làm rõ nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong tỉnh và sự bình đẳng của các đơn vị kinh doanh trên địa bàn.

Quảng Ninh để mất điện liên tục trên diện rộng

Chất vấn Giám đốc Sở Công Thương, đại biểu Nguyễn Thị Bích Liên, Tổ đại biểu Đông Triều nêu, Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 đã xác định chủ đề năm 2023 "Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân". Tuy nhiên, trong thời gian qua, đặc biệt là khi nắng nóng đỉnh điểm xảy ra thì tình trạng mất điện diện rộng đã diễn ra; thời gian cắt điện kéo dài, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân và ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh trả lời chất vấn. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh trả lời chất vấn. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Hiền đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc chậm tham mưu thành lập Ban chỉ đạo điều hành cung ứng điện để ứng phó sự cố điện và trong quản lý ngành chưa chỉ đạo, phối hợp tốt với ngành Điện. 

Sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, 7 nhà máy nhiệt điện đã hoạt động phát điện tối đa công suất (tháng 6/2023 đạt 3,4 tỷ kWh tăng 61% so với cùng kỳ năm 2022); 4 nhà máy xi măng, chủ đầu tư KCN Sông Khoai, KCN Texhong đã thỏa thuận ký cam kết tự nguyện tiết giảm 70MW và lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất tiết giảm 59MW; khu công cộng, khách hàng là các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công sở và người dân đã tiết giảm được 10MW. Sau khi Tỉnh ủy họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguồn công suất của tỉnh đã được bổ sung.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.