Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, nhiều công nhân rơi vào trạng thái thất nghiệp. Nhiều lao động tìm việc làm thêm, chắt bóp chi tiêu kiếm tiền về quê ăn Tết.
Đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, sắc mặt nhợt nhạt, đó là những gì mà phóng viên chúng tôi bắt gặp chị Dương Thị Tuyến, sinh năm 1990, quê ở Hà Tĩnh. Chị Tuyến làcông nhân của Công ty TNHH Canon Việt Nam, năm nay, kinh tế khó khăn, công ty cắt giảm giờ làm, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, mỗi tối, tranh thủ nấu cơm cho gia đình, chị Tuyến bắt đầu công việc rửa bát thuê cho nhà hàng gần nhà để kiếm thêm thu nhập.
Chị DƯƠNG THỊ TUYẾN
Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam
“Như năm ngoái thì chúng tôi được đi làm thêm rất là nhiều giúp chúng tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nhưng năm nay với cái môi trường cũng như là điều kiện kinh tế nó khó khăn ấy thì chúng tôi không có việc làm thêm, chẳng hạn như tôi làm nốt tối nay thôi và ngày mai tôi bắt đầu nghỉ 70% rồi”.
Lương công nhân có thâm niên 15 năm như chị Tuyến cũng chỉ vẻn vẹn hơn 6 triệu đồng, không được tăng ca đồng nghĩa không có thêm thu nhập, cậu con trai 4 tuổi vừa đi viện, bao nhiêu vốn liếng tích trữ anh chị đều dùng vào việc chữa bệnh cho con, kinh tế gia đình càng khó khăn hơn, chính vì vậy anh chị cắt giảm hết chi tiêu, bữa ăn trong gia đình cũng chỉ khống chế 30.000 đồng/ bữa. Hôm nào đi làm có thêm thu nhập thì được khúc cá, không thì cả nhà 3 người cơm rau qua ngày.
Chị DƯƠNG THỊ TUYẾN
Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam
"Thật sự mà nói chúng tôi xa quê thì rất mong muốn được quay trở về quê hương, rồi về thăm bố mẹ vì điều kiện kinh tế không cho phép. Xác định xa quê từ Hà Tĩnh ra đây để mà làm ăn chúng tôi mong muốn có công việc ổn dịnh. Thời buổi kinh tế khó khăn năm nay thì cũng không hi vọng vào thưởng tết bởi vì chả được đáng bao nhiêu, nói chung cái đấy cũng một phần để an ủi cho chúng tôi có một cái ấm cái Tết ấm”
Cùng cảnh ngộ với chị Tuyến, anh Nguyễn Văn Tiến, công nhân của Công ty Yamaha Việt Nam cũng thường xuyên rơi vào trạng thái thất nghiệp. Khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đếnTết nguyên đán Giáp Thìn, vợ chồng anh Tiến cũng chắt bóp, chi tiêu tằn tiện để mong tiết kiệm một khoản về quê ăn Tết. Khi được hỏi về lương thưởng cuối năm, anh Tiến cho biết cũng không trông ngóng nhiều vì tình hình kinh tế chung năm nay rất khó khăn, có thưởng cũng giảm nhiều so với mọi năm.
Anh NGUYỄN VĂN TIẾN
Công nhân Công ty TNHH Yamaha Việt Nam
“Đối với những người công dân thì khoản thưởng cuối năm cũng là một cái nguồn thu nhập kinh tế khá tốt cho những người công nhân làm trong các doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn làm sao các doanh nghiệp hoặc các cơ quan nhà nước quan tâm hơn đối với đời sống công nhân trong các doanh nghiệp để công nhân cũng như là các anh chị em trong các doanh nghiệp để chi trả trong cái dịp Tết”.
Những năm tiếp theo, doanh nghiệp cũng như người lao động có thể vẫn chịu ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới cũng như hậu covid. Ngoài ra, người lao động còn có thể chịu ảnh hưởng bới biến đổi khí hậu và dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng. Theo ông Nguyễn Hà Xuyên, Chủ tịch Công đoàn ngành NN-PTNT, doanh nghiệp và người lao động nên có những phương án chủ động ứng phó.
Ông NGUYỄN HÀ XUYÊN
Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
“Để chủ động đối phó và thích ứng với các tác động đó, người lao động cũng cần chủ động, nắm bắt, tiếp thukiến thức kĩ năng làm việc, hướng đến mục tiêu trở thành người làm việc chuyên nghiệp, chủ động tìm kiếm công việc cho bản thân”.
Sau một năm lao động vất vả, có lẽ mong mỏi lớn nhất của những người con xa quê là được trở về nhà, đoàn tụ với gia đình. Nhưng đối với nhiều người dân lao động, họ vẫn đang chật vật từng ngày, cần kiệm để gom góp từng đồng, chuẩn bị cho chuyến xe về quê sum vầy với gia đình.