| Hotline: 0983.970.780

Việc qua đêm không gọi điện báo về là một cái tội chứ không chỉ là cái lỗi!

Thứ Tư 16/05/2018 , 06:50 (GMT+7)

Mới đây, cháu cùng nhóm team đi thử cảm giác xăm một tí ở chỗ cổ tay. Cháu xăm sinh nhật của cháu. Mẹ phát hiện, mẹ đùng đùng bỏ ăn bỏ ngủ, nói cháu học đòi, xấu xa, tệ hại...

Cô kính mến!

Cháu là đứa con gái cá tính, cháu công nhận như vậy. Mẹ cứ than phiền không biết cháu giống ai, vui mẹ nói hình như giống ba, hờn lên mẹ bảo mày giống cô út mày, gái không ra gái, trai không ra trai.

Cháu là con gái một nhưng trên cháu có anh và chị dâu. Cháu đã học xong đại học đang cùng một hội team khởi nghiệp. Ba cháu cũng đi làm, nhảy khỏi công chức, ba đã là tư chức rồi. Mẹ là người phụ nữ gia đình truyền thống, yêu chồng hy sinh cho con, giỏi việc nhà cửa, bếp núc.

Nếu cháu giống mẹ thì cháu đã an phận, cháu đi sư phạm chứ không đi kinh tế. Nhưng cháu không có lỗi khi không giống mẹ. Nhưng mẹ với cháu không xung khắc, chỉ là không làm bạn được với nhau thôi. Cháu thân với cô của cháu và hay qua đêm ở nhà cô hoặc nhóm bạn. Mải vui mải chơi, nhiều khi quên điện về cho mẹ, vậy là mẹ mất ngủ, nước mắt ngập lụt đêm đó. Hôm sau thế nào ba cũng đùng đùng, mẹ hờn dỗi không thèm nhìn mặt, anh trai chỉ trỏ la mắng, chỉ có chị dâu là xoa dịu hạ hỏa cho mọi người.

Rồi ba cũng tin cháu không hư, không thác loạn vũ trường, vì tiền đâu mà ăn chơi. Nhưng mẹ cứ bảo cháu không gia giáo, ế, ai thèm, ai cưới? Anh trai ra điều, còn sống chung mái nhà cùng ba mẹ và anh chị thì phải tam đại đồng đường (anh kể con trai của anh là thế hệ thứ ba, cháu phải chấp nhận thực tế). Cháu cứ cho qua, không giận ai, không để bụng, việc cháu cháu làm, cháu có hư hốt báo hại gì đâu.

Nhưng mới đây, cháu cùng nhóm team đi thử cảm giác xăm một tí ở chỗ cổ tay. Cháu xăm sinh nhật của cháu. Mẹ phát hiện, mẹ đùng đùng bỏ ăn bỏ ngủ, nói cháu học đòi, xấu xa, tệ hại. Nếu đeo đồng hồ hay đeo trang sức là không ai thấy gì cả. Mẹ nhất định đòi cháu xóa. Nhưng xóa có dễ đâu cô, mà xăm vậy thì hại gì? Một cuộc chiến tranh trong nhà rồi cô. Cháu muốn ra khỏi nhà, thuê chỗ, tự lập, giữ khoảng cách với người thân, nhưng sợ mẹ đổ bệnh.

---------------------

Cháu thân mến!

Có những lá thư như cháu cô mới biết các bạn trẻ bây giờ quá khác với các con của cô 20 năm trước. Khác sao? Khởi nghiệp theo hội nhóm buông dầm cầm chèo, dám qua đêm ở ngoài nhà của ba má và…dám xăm trổ. Cô nghĩ, nếu con của cô như cháu, cô sẽ phản ứng ra sao?

Có lẽ các bà mẹ truyền thống nên thay đổi mình. Làm sao thay đổi được thời cuộc đi cùng với Internet và những thứ khác mà nhân loại đang gọi là thành tựu. Ô tô, điện tử hóa tận răng mỗi ngày, nhà hộp, làm việc bên tách cà phê, thời trang, vũ trường, sống thử, đi phượt, không chịu đám cưới. Vân vân và vân vân.

Cuộc sống cuồn cuộn như vậy mà những bà mẹ truyền thống không biết nhắn tin trên điện thoại, không biết lưu số máy mới, không biết thao tác thang máy khi đi vào chung cư cao cấp, nói chung không biết nhiều thứ. Mẹ vẫn xách giỏ đi chợ cóc mỗi ngày, nấu ăn, chăm mọi việc cho một gia đình như ốc đảo trước biến động sóng gió. Hình dung những bà mẹ ấy sau 20 năm nữa, nếu không điều chỉnh mình, thì con cái nó sẽ cắp con của nó đi xa trong khi mình đứng lại bên đường, sau cổng rào của viện dưỡng lão chăng?

Nhưng để thay đổi một bà mẹ có trong máu quan niệm nho giáo (chứ không chỉ gia giáo nhé) và người ấy rất mơ hồ nhận thức nữ quyền, không dễ. Không dễ chút nào. Nhưng mẹ là biển cả, tuổi già của mẹ đang sồng sộc đến, làm con khiến mẹ buồn thì con có bứt rứt không? Rất bứt rứt, thậm chí đau khổ. Bởi vì mình có học, có trái tim, có lương tri. Nói chung, không gia giáo như mẹ yêu cầu nhưng mình có nền tảng văn hóa.

Cháu à, việc qua đêm không gọi điện báo về là một cái tội chứ không chỉ là cái lỗi. Nếu cháu có con, con của cháu như vậy, cháu có mất ăn mất ngủ không? Nhất định cháu sẽ thức suốt đêm và chờ con về để cho một trận. Nhưng mẹ đâu có chỉ chuẩn bị cho một trận mà còn bất an vì nghĩ đến tai nạn, đủ thứ tai nạn trời ơi có thể với đứa con của mình. Phải có gia đình, phải có con mới biết lòng cha mẹ là vì vậy. Xem ra trong việc qua đêm trong im lặng ấy, cháu chưa trưởng thành.

Việc xăm trổ, theo cô, góc nhìn của cô hiện đại nên cô không ghê, không sốc, không lên án. Nhưng mẹ cháu vẫn nguyên cảm giác với bọn xăm trổ ngày trước, quả thực hồi ấy đó là cách sống của bọn ít học, quậy phá, vô công rồi nghề, chán đời chán sống…Khi việc xăm giờ như nhu cầu thẩm mỹ thì các bà truyền thống không cảm nhận được, vậy là xung đột. Có lẽ đất không chịu trời thì trời nên chịu đất, nhé, nghĩa là không xăm nữa thì có thua kém ai đâu, không được gì sao không vì mẹ mà thỏa hiệp, hở cháu?

Rồi mẹ sẽ không còn, chừng đó ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, muộn quá, sẽ muộn mà không kịp hối, cháu nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm