| Hotline: 0983.970.780

Viện Nghiên cứu mía đường trưởng thành qua những thăng trầm

Thứ Năm 23/08/2012 , 10:15 (GMT+7)

Cách đây 35 năm, trước nhu cầu phát triển ngành SX mía đường, vào ngày 23/8/1977, Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NN-PTNT) đã ra quyết định thành lập Trạm Nghiên cứu cây mía Bến Cát.

Nghiên cứu CNSH để chọn tạo và nhân nhanh giống mía mới ở SRI

Cách đây 35 năm, trước nhu cầu phát triển ngành SX mía đường, vào ngày 23/8/1977, Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NN-PTNT) đã ra quyết định thành lập Trạm Nghiên cứu cây mía Bến Cát. 5 năm sau, Trạm Nghiên cứu Mía đường Bến Cát sáp nhập với bộ phận nghiên cứu KH-KT của Liên hiệp các xí nghiệp Công nông nghiệp Mía đường Việt Nam, để thành lập Viện Nghiên cứu Mía đường.

Đến năm 2005, Viện Nghiên cứu Mía đường được chuyển từ TCty Mía đường II sang Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam và đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Mía đường. Đầu năm nay, Bộ NN-PTNT lại ra quyết định tái thành lập Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI), trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Như vậy có thể thấy trong suốt 35 năm qua, SRI đã trải qua khá nhiều thăng trầm với nhiều lần thay đổi tên gọi, thay đổi đơn vị chủ quản… Dù vậy, từ khi thành lập đến nay, SRI vẫn luôn nỗ lực vươn lên, từng bước trưởng thành để có những đóng góp đáng ghi nhận đối với sự phát triển của ngành mía đường Việt Nam, mà nổi bật nhất là ở lĩnh vực giống mía.

Từ chỗ chỉ có trong tay 291 giống mía, nhờ tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để trao đổi giống, đồng thời đi điều tra khắp cả nước để sưu tầm các mẫu giống mía hoang dại và giống địa phương, đến nay SRI đã có khoảng 1.000 mẫu giống mía và các mẫu thuộc các loài gần gũi với mía. Đây là bộ sưu tập nguồn gen rất quý báu làm vật liệu ban đầu cho công tác chọn tạo giống mía tốt phục vụ SX ở các vùng sinh thái khác nhau.

Trên cơ sở đó, Viện đã chọn tạo trên 50 giống mía có năng suất cao, chất lượng tốt được công nhận cho SX. Những giống mía này đã được trồng phổ biến ở hầu khắp các vùng mía trên cả nước, nhất là ở các tỉnh phía Nam, đã góp phần không nhỏ trong việc làm tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu nước ta.

Một trong những giống tiêu biểu nhất của SRI là VN84-4137. Đây là giống mía lai Việt Nam đầu tiên được công nhận giống chính thức. Nhờ những ưu điểm thích ứng với BĐKH như chín sớm, chữ đường cao, chịu phèn mặn tốt, chịu hạn tốt, tái sinh lưu gốc tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh nguy hiểm..., giống VN84-4137 đang có được phát triển mạnh và tạo được chỗ đứng khá vững chắc ở nhiều vùng mía nguyên liệu tập trung như Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Nhờ đặc tính chín sớm của giống VN84-4137 (chiếm trên 50% diện tích vùng nguyên liệu) mà năm nào Cty CP Đường Nước Trong (Tây Ninh) cũng vào vụ sớm hơn từ 2 đến 3 tháng rưỡi so với các nhà máy khác trong khu vực, qua đó lập kỷ lục là nhà máy có thời gian ép mía lâu nhất trong mỗi niên vụ ở nước ta (gần 8 tháng trong niên vụ 2011-2012). Cũng nhờ giống VN84-4137 mà Cty CP Đường Nước Trong còn đạt thêm 1 kỷ lục khác là năng suất bình quân của vùng mía nguyên liệu tăng bình quân tới 5 tấn/ha/năm từ niên vụ 2007-2008 đến nay (năng suất bình quân niên vụ 2011-2012 là 75 tấn/ha).

Trong năm 2011, có 10 giống mía do SRI tuyển chọn đã được Bộ NN-PTNT công nhận cho SX thử, gồm: K95-156, Suphanburi 7, K88-200, KK2, KU60-1, KU00-1-61, K93-219, K95-84, LK92-11 và K88-92. Những giống này đều cho năng suất cao từ 80-120 tấn/ha, chữ đường cũng rất tốt từ 10-13 CCS. Bên cạnh đó, trong năm 2010, SRI cũng đã được Bộ NN-PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật cho 4 quy trình SX giống mía tại 4 vùng mía nguyên liệu tập trung là Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Bên cạnh giống mía, trong những năm qua, SRI cũng đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về BVTV và canh tác mía. Nhìn chung, các tiến bộ kỹ thuật được công nhận như giống mới, biện pháp canh tác và BVTV mới đã góp phần không nhỏ vào việc làm tăng năng suất và chất lượng mía nguyên liệu ở nước ta. Từ năm 2000 đến 2010, năng suất mía bình quân thế giới tăng 6 tấn/ha thì Việt Nam tăng 10 tấn/ha (từ 49,8 lên 59,8 tấn/ha) và hiện nay là 61,7 tấn/ha.

Mục tiêu là đến năm 2015, góp phần nâng cao tỷ lệ giống mới lên 50-60% (giống do Việt Nam lai tạo chiếm 25-30%), năng suất mía cây bình quân đạt 70-75 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 11 CCS. Đến năm 2020 nâng cao tỷ lệ giống mới lên 75-80% (giống do Việt Nam lai tạo chiếm 35-40%) trong tổng số 300.000 ha mía trên cả nước. Nghiên cứu tuyển chọn giống mía có có năng suất, chất lượng cao và hàm lượng Xenluloza cao phục vụ cho việc chế biến nhiên liệu sinh học…

Qua đó, đã rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa Việt Nam với thế giới từ 15 tấn năm 2000 xuống còn 11 tấn năm 2010. Hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đào tạo tập huấn kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật và người nông dân trồng mía cũng được SRI chú trọng trong những năm gần đây.

Để có được những thành tích như trên, từ nhiều năm nay, SRI đã luôn đặt chiến lược đào tạo, nâng cao tri thức cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu và quản lý lên hàng đầu. Từ kết quả đào tạo, hiện tại Viện đã có 6 tiến sỹ, 12 thạc sỹ, 8 kỹ sư, cử nhân. Ngoài ra có 1 nghiên cứu sinh đang đào tạo nước ngoài và tiếp tục đào tạo 4 thạc sỹ. Việc đào tạo nghề cho công nhân kỹ thuật cũng được Viện quan tâm. 102 lượt người đã được Viện tổ chức đi tham quan học tập tại các nước có ngành mía đường phát triển...

Trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Iraq, Viện đã đào tạo kỹ thuật mía đường cho Iraq và cử cán bộ chuyên gia sang giúp bạn phát triển mía đường. Hiện nay, SRI đang có quan hệ hợp tác với 10 nước trồng mía trên thế giới như Cuba, Mỹ, Úc, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Philippine, Nam Phi, Iraq và Ấn Độ.

Ghi nhận những đóng góp của SRI cho ngành mía đường, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT tặng nhiều Bằng khen cho Viện. Trong thời gian tới, SRI sẽ tập trung tuyển chọn giống mía tốt có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với các vùng sinh thái trồng mía trong cả nước.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.