| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam tham khảo kinh nghiệm phát triển nông nghiệp xanh thế giới

Thứ Ba 30/11/2021 , 18:23 (GMT+7)

Các chuyên gia kinh tế và nhà nghiên cứu chính sách nông nghiệp thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm từ các nước phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp xanh.

Diễn đàn cấp cao 'Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp' đã diễn ra vào sáng 30/11 tại Hà Nội với sự góp mặt của các chuyên gia tại các điểm cầu trên toàn thế giới.

Diễn đàn cấp cao "Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp" đã diễn ra vào sáng 30/11 tại Hà Nội với sự góp mặt của các chuyên gia tại các điểm cầu trên toàn thế giới.

Tại diễn đàn cấp cao về "Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp" sáng 30/11, các chuyên gia kinh tế và nhà nghiên cứu chính sách nông nghiệp thế giới đã chia sẻ về những bài học từ các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Mỹ, các nước Châu Âu,… trong lĩnh vực nông nghiệp xanh.

Các bên đã đưa ra những đề xuất để nền nông nghiệp Việt Nam được chuyển đổi theo hướng xanh hóa, giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm khí thải Metan 30% tính đến năm 2030… và đây là thách thức đối với ngành lúa gạo Việt Nam.

Những bài học kinh nghiệm từ Mỹ và Trung Quốc

Trong 4 thập kỷ vừa qua, dù có mức tăng trưởng nông nghiệp và dân số hàng năm khá ngoạn mục trong mức tăng trưởng chung toàn cầu, Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức liên quan đến thu nhập của người nông dân tại khu vực nông thôn.

Mặc dù Trung Quốc sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn lương thực thực phẩm từ đầu những năm 2000. Trung Quốc đã phải trả giá đắt cho việc tăng trưởng sản lượng trong những năm trước bằng sự suy thoái tài nguyên và môi trường đe dọa tới phát triển bền vững.

GS. Jikun Huang, Giám đốc Trung tâm Chính sách Nông nghiệp Trung Quốc (Đại học Bắc Kinh) chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc về chuyển đổi sang nền nông nghiệp giảm phát thải tại diễn đàn.

GS. Jikun Huang, Giám đốc Trung tâm Chính sách Nông nghiệp Trung Quốc (Đại học Bắc Kinh) chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc về chuyển đổi sang nền nông nghiệp giảm phát thải tại diễn đàn.

Trong lĩnh vực an ninh lương thực, Trung Quốc đã ban hành chiến lược Dự trữ thực phẩm trong công nghệ từ năm 2015 trong đó nâng cao, đổi mới năng lực nghiên cứu và phát triển, cụ thể là công nghệ sinh học và công nghệ kỹ thuật số.

Trung Quốc đã chi ngân sách 4,1 tỷ USD vào năm 2015 cho nghiên cứu, phát triển nông nghiệp. Chiến lược Dự trữ thực phẩm trong đất từ năm 2015 của Trung Quốc đã đặt ra giới hạn về canh tác đất (120 triệu ha) và đẩy mạnh cải thiện chất lượng đất đai dựa trên việc xây dựng các nông trại tiêu chuẩn cao.

“Từ những bài học kinh nghiệm của Trung Quốc, để nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, Việt Nam rất cần những cam kết trong cải cách thể chế, hỗ trợ chính sách và đầu tư vào nông nghiệp”, GS. Jikun Huang nhấn mạnh.

Ông Hohestein cho biết thêm về kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp Mỹ để nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu với khí hậu.

Ông Hohestein cho biết thêm về kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp Mỹ để nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu với khí hậu.

Chia sẻ về kinh nghiệm giảm phát thải khí nhà kính tại Mỹ, ông William Hohenstein - Giám đốc Phòng Chính sách Năng lượng và Môi trường, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi nhậm chức.

Ông Hohestein cũng cho biết thêm về kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp Mỹ để nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu với khí hậu. Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp tập trung đầu tư vào đất và sức khỏe rừng; tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức về khí hậu để thúc đẩy các chiến lược thích ứng với khí hậu thông minh; mở rộng khả năng tiếp cận và cung cấp dữ liệu khí hậu ở quy mô khu vực và địa phương; tăng cường hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các thực hành và công nghệ thông minh với khí hậu; sử dụng các Trung tâm khí hậu khu vực của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để đưa ra các sáng kiến khoa học, công nghệ và công cụ thích ứng.

Đại diện phía Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng bày tỏ vui mừng với sự tham dự của Việt Nam vào các cam kết và sáng kiến chung nhằm tăng cường và đẩy nhanh đổi mới, sáng tạo trong ngành nông nghiệp, hỗ trợ hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp như COP26 và Liên minh tăng trưởng năng suất bền vững (SPG). Sự tham gia của các quốc gia có thể giúp xác định lĩnh vực để tiến hành hợp tác trong nghiên cứu, thúc đẩy đầu tư, phát triển công nghệ thực hành tiên tiến…

Ứng dụng công nghệ tiên tiến và sự tham gia của lĩnh vực tư nhân

Theo ông Benoit Bosquet, Giám đốc Chương trình phát triển Nông nghiệp bền vững tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), hơn một nửa dân số trên thế giới tiêu thụ lúa gạo, ngũ cốc và việc sản xuất những sản phẩm này lại gắn liền với phát thải nhà kính.

Sản xuất lúa gạo chịu trách nhiệm 10% trong tổng lượng phát thải metan cũng như đóng góp cho lượng phát thải CO2, NO2 trên toàn cầu. Việc giảm lượng khí phát thải trong quá trình sản xuất nông nghiệp là vô cùng quan trọng, đặc biệt khi mỗi quốc gia đang thực hiện cam kết của mình trong báo cáo NDC (Cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định) theo Công ước Khung của Liên Hợp Quốc.

Đối với Việt Nam, chỉ riêng trong ngành lúa gạo, mỗi 1 tấn lúa nước sản xuất cho phát thải 0,8 tấn CO2 tương đương. Phát thải nhà kính từ các chất thải, phụ phẩm từ quá trình phơi sấy, xay xát lúa còn lớn hơn nữa. Với việc nâng cao hiệu suất quá trình này có thể giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính trong đó có khí metan.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Steven Jaffee, Chuyên gia cao cấp WB, cho rằng Việt Nam cần có nền tảng kỹ thuật và công nghệ để thúc đẩy sự tham gia của người nông dân vào công cuộc phát triển nông nghiệp bền vững. Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu…

Bên cạnh đó, việc cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam cần đảm bảo sự hấp dẫn trong đầu tư. Đồng thời Việt Nam cần xây dựng nhiều hơn những mô hình bền vững, chuyển đổi xanh để người nông dân thấy được những lợi ích.

Mô hình nông nghiệp sản xuất hướng hữu cơ tại Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Mô hình nông nghiệp sản xuất hướng hữu cơ tại Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

GS. Jikun Huang nhất trí với nội dung của các chuyên gia đã đưa ra trước đó. Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có cam kết mạnh mẽ về mặt chính trị, lồng ghép, thể hiện ở trong các chương trình xanh hóa. Các cam kết cần phân bố được nguồn lực, nguồn tài chính để triển khai được chương trình.

Việc khai thác năng lực của khu vực tư nhân trong việc giảm thải carbon trong nông nghiệp và thúc đẩy quá trình sản xuất các sản phẩm địa phương cũng được ông Ernest E. Bethe III, Cán bộ điều hành cao cấp của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đề cập trong diễn đàn.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn. Song hành cùng những bước chuyển mình trên thế giới, thị trường Việt Nam cũng đã chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có thu nhập cao và dân số đô thị ngày càng đông, và họ mong đợi những sản phẩm an toàn, chất lượng cao hơn khi mua hàng ngày và đang phát triển niềm yêu thích với các sản phẩm cao cấp. Thị trường đang chuyển đổi từ gạo chiếm ưu thế sang những loại thực phẩm có giá trị cao hơn.

Ông Ernest E. Bethe III cho rằng tất cả những điều trên có ý nghĩa to lớn đối với khu vực tư nhân - vốn đang ngày càng quan tâm đến vấn đề khử carbon trong nông nghiệp. Trong 10 năm tới các doanh nghiệp cần đầu tư ngày càng nhiều vào các hệ thống sản xuất, phân phối hỗ trợ quá trình khử carbon.

Đây là cơ hội và thách thức để có thể tạo ra các sản phẩm bền vững hơn, phát thải carbon thấp hơn tại Việt Nam. Đối với nông dân, đây là cơ hội áp dụng các phương pháp làm tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và tiếp cận thị trường mạnh.

Khu vực tư nhân cần đầu tư khi có cơ hội; tăng cường các tổ chức nông dân; cải thiện cơ sở hạ tầng (kỹ thuật số) để cung cấp dịch vụ khuyến nông và nâng cao năng lực nông dân; hỗ trợ nông dân và hợp tác xã tiếp cận nguồn lực tài chính; cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn/hậu cần để vận chuyển sản phẩm.

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc: Cửa rộng nhưng khó vào

Người dân Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ nông sản nói chung và trái cây nói riêng rất lớn, tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu của thị trường này không hề dễ dàng.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Phân bón Lâm Thao và VinFast hợp tác vì tương lai xanh Việt Nam

Phân hón Lâm Thao và VinFast cùng hợp tác tổ chức chương trình 'Mãnh liệt tinh thần Việt Nam, phủ xanh Việt Nam' nhằm lan tỏa tinh thần xanh, thúc đẩy phát triển bền vững.

Dự án căn hộ Conic Boulevard có giá khoảng 37 triệu đồng/m2

Dự án Conic Boulevard gồm khu dân cư và căn hộ cao tầng với quy mô 5,3ha, tọa lạc tại đường Huỳnh Bá Chánh, thị trấn Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM.

Bình luận mới nhất