Lúa lai vào Việt Nam lịch sử như thế nào, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có một seri bài rất lý thú và bổ ích, đó là những bài người thực, việc thực.
Bắt đầu từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước, lúa lai thâm nhập vào Việt Nam chủ yếu bằng con đường phi chính thống như các bài báo đã nêu. Giai đoạn đó miền Bắc ở vụ xuân chủ yếu cấy bằng các giống lúa xuân dài ngày và trung ngày (M2, VN10, C70, C71...). Vụ mùa gieo cấy chủ yếu bằng các giống CR203, NN22, C70... Vùng thấp trũng vẫn còn Mộc Tuyền, Bao Thai, những giống quang cảm, rất dài ngày.
Lúa lai vào Việt Nam giai đoạn đấy chúng tôi tạm phân ra là lúa lai thế hệ thứ nhất. Như đã biết, sau khi có hội nghị Thành Đô, tức là quan hệ Việt - Trung đã được bình thường hóa, mọi giao lưu từ các cấp lãnh đạo cao cấp đến địa phương, và đoàn thể, nhân dân trở nên nhộn nhịp, đặc biệt giao lưu thương mại, hàng hóa Trung Quốc từ quần áo, đồ uống (bia Vạn Lực), đến đồ dùng gia đình, nhất là quạt điện (quạt MD, quạt trần...) rẻ bèo và đổ bộ ồ ạt vào thị trường khan hiếm của Việt Nam, sau này là xe máy nữa. Hạt giống lúa lai những năm giữa đến cuối của thập niên 90 cũng sôi động không kém hàng tiêu dùng. Đó là giai đoạn chúng ta nhập hàng chục ngàn tấn hạt giống lúa lai từ Trung Quốc, qua các cửa khẩu như Hà Khẩu (Lào Cai), Phò Chài (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh)… Đến vụ các công ty giống từ tỉnh, đến huyện, cả các đơn vị sự nghiệp nữa, cứ xin được quota là nhập, các cuộc thương thảo với doanh nghiệp giống của Trung Quốc về giá cả, số lượng được bàn thảo ngay trên biên giới. Khi đó người ta chỉ lao vào lúa lai, ít ai nghĩ đến lúa thuần, mà sau này lúa thuần từ Trung Quốc cũng làm nên chuyện.
Các thế hệ lúa lai
Thế hệ lúa lai đầu tiên vào lớn, vào rộng phải kể đến Bác ưu 64 (TG4) cho vụ mùa. Vụ xuân là Sán ưu 63, Sán ưu quế 99 (TG1 và TG5), Nhị ưu 63. Các tổ hợp được đặt là TG2 và TG3 do ưu thế lai thấp nên không ra rộng được ở Việt Nam. Những năm khởi đầu, diện tích lớn chủ yếu phát triển mạnh ở vụ mùa khắp các tỉnh ĐBSH, vài năm sau lúa ưu thế lai mới mở rộng hơn ở các vùng khác (Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và phía Nam). Ban đầu, vụ đông xuân lúa lai vào ít vì giá giống (nhóm San ưu - TG1) cao, tập quán của nông dân lại chủ yếu mạ dược và HTX còn để quỹ đất làm mạ, khi mà đại trà phần lớn là nhóm dài ngày và trung ngày (M2, VN10, C70, vụ xuân 170-190 ngày gieo mạ dược, tỷ lệ nhóm này có vụ tới 95% cơ cấu), với tập quán đó, giống ngắn ngày khó chen chân. Thời kỳ đó công nghệ mạ nền và che phủ nilon gần như chưa có, nếu gieo mạ dược thưa, không che phủ mạ dễ chết rét và đó cũng là nguyên nhân lúa lai chưa vào được ở vụ xuân.
Giữa và cuối những năm 90, một thế hệ lúa lai mới được thử nghiệm và ra rộng cho đến bây giờ phải kể đến Nhị ưu 838, D.ưu 527, Phú ưu số 1, Khải phong, Cương ưu đa hệ... Vụ mùa có Bác ưu 903, Bác ưu 968... Nhiều giống mới có khi là những tổ hợp cùng mẹ khác cha hoặc cùng cha, khác mẹ với những giống thế hệ trước.
Đến giai đoạn này giống Bác ưu 64 sau khi vào rộng khoảng 4-5 vụ bắt đầu nhốn nháo về chất lượng. Có những lô giống nhập về tỷ lệ nảy mầm thấp (do đặc tính mỏng vỏ, hở vỏ trấu, dễ nảy mầm trên bông giai đoạn thu hoạch bị gặp mưa), rồi độ thuần không cao do lẫn tạp, do chất lượng dòng mẹ kém dẫn đến ưu thế lai giảm sút và năng suất không vượt trội như những lô giống ban đầu. Việc nhập khẩu để kinh doanh lúa lai, cũng có quá nhiều công ty tham gia và không ít đơn vị làm ăn chộp giật, không có hiểu biết về kỹ thuật lúa lai, không kiểm soát được chất lượng và bị đối tác lừa. Những năm đó vụ mùa bệnh bạc lá lại bùng phát mạnh, những vụ mưa lớn, gặp gió mạnh, nhất là sau bão tầm tháng 8-9, lá công năng bị đánh dập nát và vi khuẩn bạc lá xâm nhập, cả cánh đồng lúa lai Bác ưu 64 lá bạc trắng. Vào khoảng những năm cuối thập niên này lúa lai vụ mùa giảm nhanh chóng. Thế hệ giống lai mới Bác ưu 903 và Bác ưu 968 chống chịu bạc lá khá hơn nhưng cũng không thực sự lôi cuốn nông dân.
Giai đoạn đầu những năm 2000, công nghệ sản xuất lúa lai đã được khối cán bộ kỹ thuật nắm khá vững, và đã bắt đầu cải tiến không còn bê nguyên quy trình gieo thưa, bốc gốc cả bùn đất mà cấy nữa. Dòng A, R đã được các viện và công ty nhân giống khiến chúng ta chủ động hơn trong sản xuất hạt lai, thay vì phải nhập giống bố mẹ. Từ các vật liệu thu thập, hợp tác và cải tiến, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) đã khảo nghiệm, đánh giá hàng chục tổ hợp với các dòng CMS đa dạng, từ nguồn Trung Quốc, IRRI, Ấn Độ. Các giống lai 3 dòng do Trung tâm lúa lai lai tạo đã được mở rộng như HYT57, HYT92, HYT100... Viện Sinh học, Viện Lúa của Đại học Nông nghiệp I cũng đã nghiên cứu và cải tiến thành công một số dòng TGMS, ít nhất có 2 giống lúa lai 2 dòng ra sản xuất rộng là Việt lai 20 và TH3-3, sau này ra một seri TH3-4, TH3-5... Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm), Viện Nghiên cứu Lúa - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có trong tay một bộ giống với các tổ hợp ứng dụng công nghệ gen có ưu thế lai và kiểu hình tuyệt đẹp như HYT122, HYT124, HYT135 và HQ19, Lai thơm 6. Các giống ưu thế lai này có chất lượng cơm gạo khá ngon, hạt dài, mặt gạo đẹp phù hợp thị hiếu tiêu dùng.
Sự dịch chuyển mùa vụ và vùng trồng
Diện tích lúa lai thương phẩm bắt đầu chuyển dịch từ gieo cấy chính ở vụ mùa sang gieo cấy rộng hơn ở vụ xuân. Thế hệ giống lai thứ ba được tạo ra từ Trung Quốc vẫn chủ yếu là lúa lai 3 dòng như Thái xuyên 111, CNR36, Nghi hương, Thục hưng 6, Syn6, Bác ưu 903 có mang gen kháng bạc lá... Thế hệ này chất lượng cơm gạo và chống chịu sâu bệnh đã hơn hẳn các thế hệ trước do Trung Quốc tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ Marker phân tử, đánh dấu gen để lai quay lui nhằm tạo ra các dòng mẹ hoặc bố có tính kháng cao với một số loại sâu bệnh quan trọng. Hầu hết các giống lúa ưu thế lai kháng được đạo ôn lá và đó cũng là nguyên do lúa lai được nông dân mở rộng ở vụ xuân. Giống chất lượng như Thái Xuyên 111 với năng suất trên dưới 10 tấn/ha thường thiếu nguồn cung và sốt giống.
Vụ mùa, vụ hè thu lúa lai cũng vẫn được gieo cấy nhưng diện tích đã giảm nhanh và chỉ các giống có tính chống chịu tốt với bệnh bạc lá mới được mở rộng. Sau đó Trung Quốc cũng cải tạo các giống thế hệ 2 như Bác ưu 903, Nhị ưu 838... bằng cách đưa các gen Xa (kháng bạc lá) vào dòng mẹ để có con lai chống chịu tốt hơn.
Sự chuyển dịch lúa lai cũng khá rõ theo vùng. Vùng ĐBSH, tỷ lệ diện tích lúa lai giảm từ chỗ vài chục % trong cơ cấu, có vụ trên 50% (Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng) giảm xuống chỉ còn dưới 10-15%. Diện tích gieo cấy lúa lai được mở rộng lên ở vùng núi phía Bắc và nhất là Bắc Trung bộ, Thanh Hóa và Nghệ An là 2 địa phương có diện tích lúa lai cao nhất nhiều năm gần đây. Vùng ĐBSCL lúa lai được mở rộng ở vùng lúa tôm thuộc bán đảo Cà Mau, các giống như B-TE1, một số giống của Pioneer. Lúa lai vào cùng với tập huấn cho nông dân, tập quán sạ với lượng hạt giống lớn 150-180kg/ha được thay đổi, vì dùng hạt lai gieo thưa, chỉ cần 50 kg/ha.
Giai đoạn này các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (Syngenta, Bayer, Pioneer) cũng đã nhập lúa lai từ các công ty nhánh của họ để sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, các giống như Syn6, B-TE1, là những giống chất lượng tốt…
(Còn nữa)