| Hotline: 0983.970.780

Viết tiếp cổ tích bằng trái tim yêu thương

Chủ Nhật 25/06/2017 , 08:45 (GMT+7)

Câu chuyện bé trai bị mẹ đẻ bỏ rơi trong hoàn cảnh bi đát ở Quảng Nam từng gây xôn xao dư luận cách đây hơn một thập niên. Thật may, bé trai ấy đã được vợ chồng nhà báo Trần Mai Anh nhận làm con nuôi, đặt tên là Thiện Nhân.

Với nỗ lực của bố mẹ nuôi, Thiện Nhân đã được chữa chạy để có thể phát triển như một đứa trẻ bình thường. Đọc nhật ký mà nhà báo Trần Mai Anh viết cho Thiện Nhân càng thấm thía hơn vẻ đẹp của trái tim yêu thương giữa nhịp sống hiện đại!

18-31-41_trng_11
"Chú lính chì dũng cảm" Thiện Nhân

Các mẹ giục copy ảnh của Nhân để làm lịch, mà mấy ngày vừa rồi không ngóc cái cổ lên mà bật máy tính được. Tuần vừa rồi chỉ mình Nhân được đi học sau suốt ba tuần cu Nhân ốm đau dặt dẹo, còn anh Minh bé thì phải ở nhà “chăm sóc mẹ”. Minh bé “oai” lắm, vì thế là quan trọng hơn cu Nhân và hơn cả anh Thiên Minh bận đi học rồi.

Vắt khăn lạnh chườm đầu cho mẹ thì Minh bé nhúng vào nước, sau đó trải xuống dưới đất cẩn thận gấp phẳng phiu như gấp thủ công, rồi sau nữa thì cả khăn cả nước ròng ròng được trịnh trọng để lên trán mẹ. Không có anh Minh bé nghỉ học ở nhà “chăm sóc mẹ” thì cũng không có ai nhát lấy nước, nhát lấy khăn, nhát thì (khỏe ghê!) đỡ hẳn được cả mẹ ngồi dậy.

Cu Nhân đi học về cũng lao lên gác, lăng xăng hỏi: “Mẹ ơi mẹ ốm à?”, Nhân sờ sờ mẹ, thân thiện: “Con chăm sóc mẹ nhá!”. Rồi lịch kịch tha cốc nước lại cho mẹ uống. Cũng cẩn thận, khéo léo với cái cốc to đầy nước, nghiêng nghiêng di chuyển mà không sóng ra ngoài tí nào. Thế nhưng, chỉ lúc sau, nhoắt một cái, nghịch lộn một vòng kungfu bay nguyên cả người vào cái cốc, đổ hết cả ra.

“Con không thích thì thôi!”. Cu Nhân là vậy, thường ngày cũng cứ thấy sao là nói vậy. Cả nhà ra Hàng Dầu chọn giày. Anh Minh lớn được đôi giày mới để đi học mùa đông cho ấm áp. Anh Minh bé thì đã có giày của anh Minh lớn. Còn Nhân cũng có giày của cô Dương gửi tặng, nhưng hai anh Minh lăng xăng, cứ thích thích thử giày cho Nhân. Bố mẹ thấy hai anh quan tâm em thế cũng gật đầu trả tiền, nhưng Nhân dứt khoát: “Không, em không thích giày!”.

Nhân chỉ thích đi chiếc dép xăng đan cũ của Minh bé. Chiếc dép có hai quai dính khá là nhiều công đoạn, thế nhưng ra khỏi cửa là Nhân phải đi chiếc dép vào, cho dù có là bố mẹ bế trên tay hay ngồi xe đẩy cũng vậy. Cứ phải lôi chiếc dép ra, ngồi tỉ mẩn tự đi, tự dán ngay ngắn hai cái quai.

“Con không thích thì thôi!”. Mẹ đã từng bảo Nhân mặc cái áo cũ của chị Thóc rất xinh, nên mẹ hay cho Nhân mặc. Thế mà chàng trai bắt đầu biết rồi đấy. Bây giờ mà mặc cho cái áo hoa của chị Thóc là lột phăng ra, la oai oái: “Con không thích cái áo này, con mặc áo màu xanh cơ!”.

“Con không thích thì thôi!”. Cu Nhân không thích là khóc, vừa thương vừa cũng buồn cười. Người ta chỉ la “không thích” thôi, còn Nhân la “không thích thì thôi”. Cu Nhân la lối như vậy trong lúc nằm làm khuôn để lắp chân mới. Cái chân cũ lại ngắn rồi mà. Mỗi lần lắp chân là vậy, vì chân cu Nhân không còn chỗ nào để kẹp chân giả vào nên phải chế tác cả một cái mông giả kèm quai đeo mới dính cái chân vào được. Mỗi khi Nhân béo lên một tí, hay lớn thêm lên, là không những chân ngắn mà cái mông giả cũng không thể nào vừa được nữa.

Nhúng vải bột vào nước – Đắp lên người để lấy khuôn – Đợi khô thì mới nhấc khuôn ra, “giải phóng” cho “ông” Nhân – Sau đó khoảng một tháng, quay lại thử khuôn – Cắt tỉa khuôn theo mông và chân cho phù hợp – Quay lại lần sau để thử lại, đi qua đi lại xem thoải mái chưa… (Có lần nhiều nhất phải quay đi quay lại tới 10 lần như vậy trước khi được sở hữu ôm cái chân về nhà).

Lần này Nhân may mắn hơn, vì toàn bộ linh kiện hiện của cái chân sắp tới được nhập từ Pháp, chỉ phần lắp ráp gia công tại Việt Nam. Cu Nhân được sự giúp đỡ tài trợ của Viet Ortho tại Hà Nội và Tổ chức nhân đạo Coeur de bambou (Pháp).

Chàng trai Thiện Nhân không thèm mặc áo hoa của con gái nữa và sắp xuất hiện với cái chân xịn thế này này:

- Mỏm cụt bằng chất liệu Polyetilen.

- Bao mỏm cụt bằng silicon y tế (để chân giả bám chắc vào cơ thể bằng chất liệu mềm và không gây kích ứng da).

- Khớp gối dùng cho trẻ em.

- Bàn chân giả cho trẻ em.

- Vỏ mút thẩm mĩ bọc ngoài.

Chiều dài bàn chân sẽ phải điều chỉnh theo độ lớn của cu Nhân và các chi tiết cho phần đùi và ống chân sẽ được điều chỉnh định kì ba tháng một lần. Các ổ mỏm cụt cũng có thể phải điều chỉnh hoặc làm lại, tuỳ theo mức độ thay đổi thể tích của mỏm cụt trong thời gian cu Nhân lớn dần.

Bố mẹ chuẩn bị cho cu Nhân điều trị và lắp ráp chân tại Mỹ, nhưng lần vừa rồi đi phẫu thuật, con còn nhỏ, chưa được tập luyện, nên chưa lắp ngay được cái chân “xịn” theo mong đợi. Khi con lên bốn hoặc năm tuổi sẽ bắt đầu ca phẫu thuật đầu tiên trong tiến trình mười đến mười lăm năm lắp ráp để làm người đàn ông bình thường, nên đến lúc đó sẽ song song xử lí vụ “chân cẳng” tiếp. Ưu tiên hàng đầu cho “vụ án” kia, cu Nhân nhỉ.

Câu hỏi mẹ vẫn thường được nhận là sẽ tiếp tục chữa trị cho con thế nào, sẽ hết tổng bao nhiêu tiền? Nhưng mẹ chẳng phải chuyên gia y tế, có cu Nhân rồi mới vừa đi vừa mò mẫm. Vết thương của cu Nhân thì cũng độc nhất vô nhị, nước Mỹ làm thành công cho con thì cũng được ghi nhận là thành tựu khoa học của ngành y thế giới luôn. Sẽ là bao nhiêu phẫu thuật? Sẽ thành công đến đâu? Sẽ cần hết bao nhiêu tiền nữa? Giống như bố vẫn trêu mẹ: “Em hỏi anh thì anh biết hỏi ai?”.

Bố mẹ, Elka, Greig, Na Hương, Bác Sơn… đều đang đi tìm câu trả lời tốt nhất cho tất cả các câu hỏi này và mong muốn chia sẻ mọi cơ hội, mọi khó khăn với tất cả các bố mẹ của con.

Thế nên mong muốn phải kèm với may mắn. Và mẹ đi, tập đi cũng giống như con vậy thôi, từng bước, từng bước, để chọn cho con điều gì tốt nhất mà mẹ có thể, chàng trai ạ!

Ngày 3 tháng 12 năm 2008

(Kiến thức gia đình số 24)

Xem thêm
Con đường chuyển hóa nỗi đau để có được niềm vui

‘Con đường chuyển hóa’ là tác phẩm thứ hai của tác giả Thích Pháp Hòa, sau cuốn sách ‘Chia sẻ từ trái tim’ được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?