Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công nhận thêm 7 xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao. Trong đó, có 3 xã đạt chuẩn NTM là Tân Hưng (huyện Bình Tân), Tân Quới Trung (huyện vũng Liêm) và Hòa Tịnh (huyện Mang Thít). Riêng 4 xã Mỹ Phước (Mang Thít), Thành Trung, Tân Bình (Bình Tân) và Trung Hiệp (Vũng Liêm) đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đến nay, toàn tỉnh có 1 đơn vị cấp huyện (thị xã Bình Minh) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 55/87 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2021, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch xây dựng thêm 11 xã NTM và 5 xã NTM nâng cao. Ngoài ra, các huyện, thị xã còn phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xây dựng 5 ấp đạt chuẩn ấp NTM kiểu mẫu.
Huyện Mang Thít hiện đang làm điểm sáng xây dựng NTM của Vĩnh Long. Tại xã Mỹ Phước, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước, ông Nguyễn Thanh Nhàn, cho biết: “Năm 2021, Mỹ Phước đăt mục tiêu giữ vững các tiêu chí NTM nâng cao và xây dựng ấp Mỹ Phú đạt chuẩn ấp kiểu mẫu. Chỉ tiêu, tiêu chí nà dễ, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, có nguồn lực thì làm trước. Tiêu chí nào khó, cần nhiều nguồn lực thì làm dần từng bước, làm đến đâu chắc đến đó đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Bên cạnh đó, Mỹ Phước sẽ phát huy tiềm năng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời thu hút, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dich vụ.”
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Long đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu có 85% (tương đương 74 xã) đạt chuẩn NTM, 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có thêm 2 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là huyện Bình Tân và huyện Tam Bình.
Cùng với các địa phương của Mang Thít đang phấn đấu về đích trong xây dựng NTM năm nay, xã Chánh An từ một xã gặp nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ hồ nghèo, đến nay qua công tác giải quyết việc làm tỷ lệ lao động có việc làm của địa phương đã đạt trên 95%. Qua đó, nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp như làm chậu cây ảnh, cơ sở sản xuất – kinh doanh cây giống… đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Bên cạnh đó, tại đây các mô hình chuyển đổi sản xuất trên nền đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, nuôi lươn, trồng cây giống... làm gia tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Gia đình chị Nguyễn Thị Hương, ấp Tân Mỹ xã Chánh An có 7 công ruộng. Chị Hương chia sẻ: “Làm ruộng lúa trúng 30 giạ, thất 20 giạ, thu nhập không cao. Gia đình tôi chuyển đổi sang trồng dưa hấu được 3 vụ rồi. Vụ nào trúng giá được 50 triệu/vụ. Vụ này, tôi chuyển sang trồng ớt để chuyển đổi cây trồng né dịch bệnh”.
Bà Trương Thị Hồng Dinh, Phó Chủ tịch UBND xã Chánh An cho biết: Năm 2020, Chánh An đã đạt 16/19 tiêu chí NTM. Còn lại các tiêu chí “cứng” như giao thông, trường học và cơ sở vật chất văn hoá đang được cấp trên đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công. Năm nay, Chánh An quyết tâm giữ vững các tiêu chí đã đạt, phấn đấu về đích NTM. Riêng tiêu chí thu nhập, xã tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề trong ngắn hạn của người dân để giải quyết nhu cầu việc làm lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập cho người dân.