| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Phúc: Tăng cường cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa

Thứ Sáu 22/05/2020 , 11:01 (GMT+7)

Vụ xuân 2020, Vĩnh Phúc thực hiện nhiều mô hình cơ giới hóa trên cây lúa, đặc biệt là khâu làm mạ và gieo cấy. Đồng thời, đưa các giống năng suất vào sản xuất.

Ngày 22/5, tại huyện Bình Xuyên, Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội nghị tham quan và tổng kết mô hình sản xuất lúa ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong vụ xuân 2020.

TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kế Toại. 

TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kế Toại. 

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, vụ xuân 2020, tổng diện tích mô hình cơ giới hóa thực hiện là 146,5 ha. Địa bàn thực hiện trải rộng trên nhiều huyện như Bình Xuyên, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường.

Vụ xuân 2020, Vĩnh Phúc gieo cấy khoảng 29 nghìn ha lúa. Năng suất lúa toàn tỉnh ước đạt 63 tạ/ha, sản lượng đạt gần 188.000 tấn, tăng gần 100 tấn so với vụ xuân 2019.

Việc cơ giới hóa được áp dụng trong nhiều khâu như làm mạ khay, cấy và gieo hạt hoàn toàn bằng máy. Trong đó, mạ khay được sản xuất trong khay nhựa có kích thước cố định 30 x 60cm. Đơn vị này đánh giá, sản xuất mạ khay có nhiều ưu điểm như đỡ tốn nhân công, kiểm soát được sâu bệnh, giảm 30% lượng lúa giống. Đặc biệt, khi thời tiết xấu có thể bảo vệ mạ khay cho tới khi đem ra ruộng cấy.

Cũng theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, vụ xuân 2020, thời tiết bất thường khiến việc sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy, nhờ áp dụng cơ giới hóa, diện tích lúa trong mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt. Tỷ lệ thành bông của lúa cấy máy đạt 85,5%, cao hơn phương pháp truyền thống khoảng 28,5%. Năng suất dự kiến đạt 64,5 tạ/ha (lúa cấy tay đối chứng đạt 56,7 tạ/ha).

Tham quan mô hình sản xuất lúa áp dụng cơ giới hóa tại huyện Yên Lạc. Ảnh: TH.  

Tham quan mô hình sản xuất lúa áp dụng cơ giới hóa tại huyện Yên Lạc. Ảnh: TH.  

Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, việc cơ giới hóa trong sản xuất tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề lớn nhất, một số nơi chưa thực hiện xong dồn điền đổi thửa nên ruộng lớn, nhỏ không đồng đều ảnh hưởng tới hiệu suất của máy móc. Thứ hai, chi phí đầu tư cho làm mạ khay còn lớn, các hộ dân khó tự áp dụng để mở rộng sản xuất.

Bên cạnh mô hình cơ giới hóa, cũng trong vụ xuân 2020, Vĩnh Phúc cũng phối hợp Cty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp ADI triển khai sản xuất giống lúa thuần chất lượng ADI28. Địa bàn thực hiện tại xã Yên Phương, huyện Yên Lạc với quy mô 10ha. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống.    

Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc đánh giá, đây là giống lúa sinh trưởng phát triển tốt. Giống lúa cũng có một số đặc tính nổi trội như kháng đạo ôn, ít nhiễm bệnh bạc lá, khô vằn. Với mô hình tại xã Yên Phương, năng suất dự kiến đạt khoảng 69 tạ/ha.

Ông Nguyễn Văn Trí, người dân xã Yên Phương cho biết, vụ xuân 2020, gia đình được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cùng với toàn bộ giống lúa ADI 28.

“Quá trình sản xuất, tôi thấy giống lúa này thấp cây, kháng bệnh đạo ôn, bạc lá nên rất phù hợp đồng đất Yên Phương. Không chỉ diện tích vàn cao, thuận lợi tưới tiêu, giống lúa này có thể thích ứng những vùng đất khó về nguồn nước. Chúng tôi đề nghị cơ quan chuyên môn, địa phương nghiên cứu sâu hơn độ thích nghi của giống lúa. Nếu thực sự có hiệu quả, rất cần nhân rộng với diện tích lớn hơn để người dân có thể sản xuất đại trà”, ông Trí chia sẻ.  

Người dân Vĩnh Phúc vì vụ xuân được mùa trong điều kiện khó khăn. Ảnh: TH. 

Người dân Vĩnh Phúc vì vụ xuân được mùa trong điều kiện khó khăn. Ảnh: TH. 

TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa của Vĩnh Phúc mới đạt 25% (gieo, cấy). Thực tế cho thấy, việc gieo cấy bằng máy, tỷ lệ lúa sống cao hơn, hiệu quả tăng lên rõ rệt. Đây là xu hướng tất yếu cả về kỹ thuật và yếu tố xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn, đặc biệt là công tác dồn điền đổi thửa. Thứ hai là khâu tổ chức dịch vụ, làm sao giúp người dân cơ giới hóa đồng bộ. Bên cạnh đó, vấn đề vốn cũng rất quan trọng, qua đó giúp người dân đầu tư máy móc sản xuất. Đặc biệt, chính quyền địa phương phải tạo được sự đồng thuận của người dân, đây là yếu tố vô cùng quan trọng để sản xuất đồng bộ thì cơ giới hóa mới thành công.

“Hiện nay, với điều kiện địa lý, kinh tế và truyền thống sản xuất, Vĩnh Phúc có cơ hội rất lớn để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vĩnh Phúc triển khai, đưa nhiều hơn nữa kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất”, ông Thanh khẳng định.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất