Do vậy, công tác phòng, chống dịch của các hộ chăn nuôi lợn, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn chủ quan, lơ là, không thực hiện tốt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo hướng dẫn của Sở NN& PTNT, chưa phối hợp với cơ quan chuyên môn trong phòng, chống dịch. Điều này khiến cho bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) có chiều hướng lây lan rộng gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh.
Tính đến hết tháng 4/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 29 thôn, 22 xã của 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Các đàn lợn bị bệnh đã được tiêu hủy theo quy định. Công tác phòng chống dịch tại đây đã được các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt và thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn DTLCP lây lan.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì tại buổi kiểm tra phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn huyện Yên Lạc. |
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các Sở, ngành thành viên BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh; UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và văn bản của BCĐ quốc gia phòng, chống DTLCP.
Tiêu hủy ngay đàn lợn khi có lợn chết và triệu chứng lâm sàng của bệnh DTLCP
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị phải tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh và tái cơ cấu đàn lợn trong thời điểm hiện nay. Các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, các gia trại, trang trại quy mô lớn nhiều ô chuồng và dãy chuồng cần xử lý ổ dịch và tiêu hủy ngay số lợn khi có biểu hiện, triệu chứng lâm sàng của bệnh DTLCP hoặc lợn chết không rõ nguyên nhân mà không cần thiết phải lấy mẫu xét nghiệm xác định vi rút DTLCP.
Dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn đến nơi tiêu hủy phải đảm bảo không để rơi vãi chất thải, phân lợn, các loại dịch tiết, máu của lợn bệnh, lợn nghi bệnh ra ngoài môi trường tránh phat tán và lay lan. Xử lý chôn lấp lợn phải đảm bảo yêu cầu tiêu diệt được vi rút DTLCP và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Các ô, chuồng không có lợn ốm, bệnh có thể tiếp tục nuôi hoặc giết mổ tiêu thụ tại vùng dịch đã được công bố và chỉ cho giết mổ lợn khỏe mạnh trong vùng có dịch. Thịt lợn, sản phẩm của lợn chỉ tiêu thụ trong vùng công bố dịch theo quyết định, không đưa ra ngoài vùng dịch đã công bố. Các hộ giết mổ cần xử lý triệt để các chất thải, nước thải trong quá trình giết mổ để tránh gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Nghiêm cấm và kiên quyết xử lý nghiêm việc giết mổ lợn ốm, lợn chết, lợn không rõ nguồn gốc.
Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý chặt trẽ việc giết mổ lợn của các hộ có ô, chuồng không có lợn ốm cũng như quản lý chặt trẽ hồ sơ hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP theo quy định.
Cùng với việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với cá nhân và tổ chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, giết mổ, kinh doanh động vật sản phẩm động vật theo quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Thú y.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - Nguyễn Văn Khước kiểm tra thực tế khu vực chôn lấp lợn bị nhiễm bệnh DTLCP tại huyện Bình Xuyên. |
Thận trọng khi tái đàn
Trong thời điểm hiện tại, việc tái cơ cấu đàn lợn hết sức quan trọng. Đối với đàn lợn nái và lợn đực giống cần chọn lọc, phân loại những con lợn nái, lợn đực giống tốt nhất trong đàn. Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp ngăn chặn bệnh DTLCP theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT để phục vụ sản xuất lợn giống, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn sau đợt dịch. Tăng cường chăm sóc đối với đàn lợn thịt, phòng dịch và đẩy nhanh xuất chuồng khi đến tuổi. Tại các vùng đã được công bố hết bệnh DTLCP thực hiện tái đàn theo hướng dẫn. Đặc biệt không tăng quy mô, số lượng đầu lợn trong thời gian có bệnh DTLCP.