Vòng xoáy quay cuồng của làng rau
Thôn Ô Mễ (xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) có tới 4 đại lý thuốc BVTV, 3 to, 1 nhỏ, vào mùa vụ lúc nào cũng nườm nượp người đến hỏi, đến mua. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thuận trước đây khi còn trồng tới 1,3 mẫu rau là những khách hàng trung thành của mấy đại lý này. Mỗi năm nhờ trồng rau họ thu lãi được khoảng 100 triệu. Căn nhà mới xây trị giá 1,2 tỉ cùng với những đồ vật đắt tiền như minh chứng cho sự thành đạt về nghề của họ nhưng đổi lại là cả sự tàn phá sức khỏe ghê gớm.
Một bệnh nhân ung thư của làng rau |
Mỗi năm họ sản xuất 2 vụ rau, 1 vụ dưa, trung bình mỗi vụ rau phun 4-5 lần, dưa phun 5-6 lần, mỗi lần 1 bình 18 lít/sào nên tổng cộng gánh nặng trên vai họ là khoảng 130-150 bình thuốc BVTV. Chân đi ủng, đầu đội mũ, miệng đeo khẩu trang nhưng đến 2016 sau trận ho kéo dài nửa năm, chị đi khám mới biết mắc lao phổi, còn anh cũng mắc hen suyễn nặng.
Bỏ bớt ruộng, 2 năm nay anh Thuận chỉ quanh quẩn ở nhà chấp nhận “nghỉ hưu non” vì sợ bệnh tình thêm nặng. Biết điểm dừng như trường hợp của anh là một của hiếm ở thôn Ô Mễ bởi vòng xoáy mưu sinh có sức hấp dẫn rất lớn đến mức được “lệnh” dẫn tôi đi thực tế nhưng lúc trời nắng anh y tế thôn bảo hỏi nhanh nhanh để còn tranh thủ đi phun thuốc trừ cỏ, lúc trời ngả về chiều ông trưởng thôn bảo phỏng vấn chóng chóng để còn tranh thủ đi phun thuốc trừ sâu.
Anh Phạm Văn Bốn - có thời gian 34 năm làm y tế thôn Ô Mễ nên thuộc làu làu diễn biến bệnh tật: “Dân làng lác đác bị ung thư từ năm 1990 nhưng chỉ rộ lên từ năm 2012 trở lại đây”. Như chị Nguyễn Thị Thu, 54 tuổi, trước vốn kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu sau thấy độc quá nên bỏ, chuyên tâm vào trồng 5 sào rau. Ngày ngày tưới tắm, tuần tuần phun thuốc đến năm 2005 thấy hay bị đau đầu chị cũng bỏ nốt ruộng, chuyên tâm vào làm đại lý rau. Năm 2009 tình cờ đi khám chị phát hiện mắc bệnh ung thư: “Trước tôi chỉ mua rau đã đến lứa thu hoạch nhưng một số người gọi bán mà vẫn còn nồng nặc mùi thuốc BVTV nên tôi phải từ chối rồi chuyển sang mua rau non trước thời điểm thu hoạch khoảng 15 ngày để đảm bảo thời gian cách ly tốt nhất”.
Một bệnh nhân ung thư khác, chị Nguyễn Thị Muộn cũng từng là nông dân tiêu biểu của thôn bởi hoàn cảnh chồng đau yếu luôn luôn mà vẫn một mình cáng đáng tới 1 mẫu rau. Phát hiện bệnh năm 2011, trải qua 6 đợt truyền hóa chất liên miên, chị giờ đây đành bỏ nghề để ở nhà trông cháu. Xóm chị đợt đó có hơn 10 bệnh nhân ung thư, giờ chết vãn gần hết, chỉ còn lay lắt sống 3 người ở cụm dân cư nhìn ra khu nghĩa địa. “Nếu trồng rau, bắt buộc phải đi phun thuốc, mà làm như thế thì giờ tôi đã nằm ở nghĩa địa kia rồi”. Chị bảo.
Số liệu thống kê bệnh ung thư của 3 thôn rất chênh lệch |
Cặp vợ chồng Nguyễn Thanh Thiên - Nguyễn Thị Thủy trồng 3 sào rau kể trước đây cứ 5-7 ngày họ lại phun thuốc 1 lần, có những vụ rau bị bệnh nhiều phải phun tới 10 lần, toàn thuốc hóa học. Biết là sẽ bị ảnh hưởng bởi hóa chất nhưng họ vẫn phải làm vì tuổi xế chiều, đi công nhân thì không ai nhận, đi xây thì không đủ sức khỏe dãi nắng, dầm mưa. Không chỉ ảnh hưởng bởi thuốc BVTV trong quá trình sản xuất, nhà của họ lại ở sát cánh đồng, cứ sáng sáng, chiều chiều nườm nườm người đi đánh thuốc, khói mịt mù, mùi sực nức. Không thể bê cái nhà đi đâu được mà trốn tránh nên họ đành phải trần mình ra mà chịu trận. Năm 2012 chị phát hiện bị ung thư phổi, không lâu sau đó anh cũng phát hiện mắc viêm tụy mãn.
Vì sợ bệnh tật, mấy năm gần đây, dân làng đã bắt đầu áp dụng VietGAP vào sản xuất, trong thôn đã có nhiều hộ dùng thuốc sinh học thay vì hóa học. Nhưng chẳng biết có phải thuốc độc tồn dư trong môi trường vẫn còn rất sẵn hay thế sao mà số bệnh nhân ung thư hoặc nghi ung thư của Ô Mễ vẫn còn khoảng 17-20 người.
Tỷ lệ ung thư của làng lúa
Có lần rảnh rỗi, mấy ông Bí thư của ba thôn trong xã Hưng Đạo ngồi hàn huyên, tâm sự. Khi nghe đến đoạn ông Thắng - Bí thư thôn Ô Mễ (giờ là cựu Bí thư) thông tin rằng làng ông đang có khoảng 20 người ung thư hay nghi ung thư thì ông Tại - Bí thư kiêm trưởng thôn Lạc Dục bỗng cảm thấy rợn trong người bởi so với con số 1-2 bệnh nhân của làng mình (khi đó) thì quá chênh lệch. Ông Thắng còn đề nghị thôn phải trồng thêm cây xanh để con người có thêm không khí sạch mà thở. Sống ở làng mà thiếu không khí sạch để thở thì còn gì đau bằng?
Mỗi lần sang đến thôn bên, ông Tại đều cảm thấy khó chịu vì mùi thuốc. Cấy lúa như làng ông cùng lắm đánh thuốc theo tháng còn trồng rau như Ô Mễ, Xuân Nẻo phải đánh thuốc theo tuần.
Lạc Dục có 4.112 khẩu, có 200ha đất nông nghiệp, những thông số đều xấp xỉ bằng thôn Ô Mễ, Xuân Nẻo chỉ có điều khác là họ cấy lúa thay vì trồng rau. Chẳng biết có phải vì cấy lúa ít dùng đến thuốc BVTV hay không mà tỷ lệ bệnh ung thư ở Lạc Dục ít hơn hẳn so với hai thôn trồng rau. Ba bốn năm gần đây mới lác đác có người chết vì ung thư, mỗi năm 1-2 trường hợp và hiện có 4 trường hợp đang phải chạy chữa.
Tuy trồng lúa sử dụng ít thuốc sâu, thuốc bệnh hơn hẳn mấy làng bên trồng rau nhưng theo Trưởng thôn Lạc Dục, xu thế dùng thuốc trừ cỏ trong dân lại đang tăng mạnh, rất đáng lo ngại vì nhiều người dùng không đúng cách, phun bừa bãi cả hai bên đường. |
“Khoảng 85% dân chúng tôi chết già từ 70 tuổi trở lên còn khoảng 15% là chết dưới 60 tuổi. Xưa 50 tuổi đã lão, 60 tuổi đã thành ra thiên cổ, giờ 70 tuổi dân làng mới tổ chức chúc thọ lần đầu, họ vẫn vác cuốc ra đồng như thường. Ngày 1/10 vừa rồi đoàn chúng tôi đi chúc thọ cho 35 cụ trong thôn, toàn người ở độ tuổi từ 90 trở lên mà có người vẫn còn lao động được đấy!”. Ông Tại nói với tôi bằng giọng đầy vẻ tự hào.
Chúng tôi đến thăm cặp vợ chồng Nguyễn Văn Nguýt và Nguyễn Thị The khi ông vừa chớm 90 tuổi còn bà 84 tuổi.
Ở tuổi đó con cái khuyên ông bà ở nhà dưỡng già nhưng vì tiếc 1 sào ruộng nên họ vẫn cứ cấy, vẫn cứ vác cuốc ra đồng, lúc thì rắc phân, lúc lại be bờ.
Ở riêng nên họ tự nấu ăn, mỗi bữa thổi một bò gạo, mỗi người ăn đủ hai lưng bát mới chịu buông đũa.
Đã 90 tuổi rồi mà từ trước đến nay ông Nguýt chưa phải dùng đến một viên thuốc tây nào.
Do chỉ còn có duy nhất một cái răng nên con cái mới sắm cho bộ răng giả nhưng thường ông chỉ chịu cắm vào lúc giữ chân đánh trống tế mở hội, mở cửa đình hay lúc giữ chân vỗ trống cơm trong đội chèo của thôn.
Niềm vui ngày gặt lúa |
Cặp vợ chồng ngoại ngũ tuần Nguyễn Văn Ấm và Ngô Thị Ngà thuộc vào dạng những nông dân chăm chỉ nhất thôn. Họ thường ra đồng trước khi mặt trời mọc và thường chỉ chịu về nhà khi trời đã tối. 1 mẫu ruộng, 5 sào ao, mấy con bò đủ làm họ xoay như chong chóng. Cấy cày xong thì đi làm vườn, làm vườn xong thì đi thả bò, thả bò xong thì đi phụ xây, không có ngày nào chịu ngơi nghỉ nên mỗi năm họ cũng để ra được khoảng 50 triệu đủ để xây một ngôi nhà mới trị giá hơn 400 triệu.
Hỏi về bệnh tật, chị Ngà bảo thỉnh thoảng cũng đau lưng, mỏi gối còn anh Ấm thì khẳng định mình vô bệnh: “Trời để cho sức khỏe đến lúc nào thì chúng tôi còn làm ruộng đến khi ấy”. Cái tính chăm chỉ của anh Ấm dường như di truyền từ người mẹ năm nay đã 88 tuổi vẫn không chịu nghỉ tay, từ người bố năm nay 86 tuổi vẫn ngày ngày đan rổ, vẫn đạp xe hơn 10 cây số từ làng ra tận thành phố Hải Dương.
“Thôn Ô Mễ và thôn Xuân Nẻo có tỷ lệ người mất qua ba năm lớn hơn so với thôn Lạc Dục, số người chết do mắc bệnh ung thư và một số nguyên nhân khác có tuổi thọ thấp hơn so với thôn Lạc Dục. Cụ thể, thôn Ô Mễ người dân có tuổi thọ trung bình là 70, 76 tuổi, thôn Xuân Nẻo là 73,1 tuổi, thôn Lạc Dục là 74,53 tuổi”. Trích đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc BVTV đến sức khỏe người nông dân tại xã Hưng Đạo” do GS.TS Nguyễn Văn Song, cử nhân Vũ Thị Thanh Thủy (Học viện Nông nghiệp VN) và các cộng sự thực hiện. |