Tiếng kèn, tiếng trống vừa thôi nỉ non, ai oán, giọng ông trưởng ban tang lễ đã vang lên rõng rạc: “Kính thưa hương hồn anh Nguyễn Văn Bờ (đã đổi tên). Kính thưa gia đình tang quyến. Kính thưa các cụ ông, các cụ bà, các ông, các bà cùng toàn thể nhân dân trong thôn… Anh Nguyễn Văn Bờ sau thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc nhưng do bệnh quá hiểm nghèo, đã lìa trần vào hồi…”. Đó là cảnh thường thấy tại đám tang của những bệnh nhân ung thư ở một thôn chuyên trồng rau tại xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).
Tâm sự của một người chuyên viết điếu văn
Hưng Đạo có 3 thôn, dân số khá tương đồng, đều khoảng trên dưới 4.000 người, điều kiện địa lý, xã hội tương đối giống nhau, đều không gần nhà máy, xí nghiệp hóa chất hay ô nhiễm nào, đều dùng chung một nguồn nước máy nên rất thích hợp cho cuộc điều tra nhanh của tôi.
Cặp vợ chồng U90 của làng lúa vẫn còn vác cuốc ra đồng làm ruộng |
Ông Nguyễn Thanh Tâm - trưởng thôn Ô Mễ thống kê trung bình mỗi năm làng có khoảng 30 - 32 người chết với 3 nguyên nhân chính: Chết già, chết bệnh hiểm nghèo và chết do tai nạn. Là người chuyên viết điếu văn nên ông nhận thấy gần đây số người chết vì bệnh hiểm nghèo mà đặc biệt là ung thư đang gia tăng nhanh chóng.
Như nhà trưởng thôn có 5 sào ruộng, nếu trước đây mỗi năm cấy 2 vụ lúa, mỗi vụ phun trung bình 2 lần thuốc BVTV, tính theo thời giá hiện nay hết khoảng 80.000 - 100.000 đồng/sào. Giờ chuyển sang trồng rau mỗi vụ 2 tháng phun 5 lần, mỗi vụ dưa hấu 2 tháng phun 5 - 6 lần, tổng hết khoảng 500.000 đồng/sào. Hàng ngàn hộ dân trong thôn cùng đổ thuốc xuống ruộng nên trên đồng, dưới mương cá, cua, tôm, ốc bản địa giờ đây gần như mất sạch chỉ còn sót lại mấy loài ngoại lai như rô phi, ốc bươu vàng.
Thế còn con người? 18 năm làm trưởng thôn là biết bao nhiêu lần ông Tâm ngồi viết và đọc điếu văn cho người đã khuất. Thôn không có quỹ hiếu mà đoàn cán bộ quân dân chính của ông đi viếng chỉ có 1 gói chè, 1 thẻ hương, 1 hộp nến trị giá khoảng 30.000 đồng nhưng số đó không là gì nếu so với giá trị ngày công của họ bỏ ra. Đoàn quân dân chính ấy gồm 25 người từ chi ủy, trưởng phó thôn, đại diện các ban ngành đi đưa đám gần trọn nửa buổi. 1 đám tính ra hết hơn 10 công. 1 năm thôn hơn 30 đám vị chi hết hơn 300 công.
Tuổi thọ của dân trong thôn theo ông Tâm tổng kết tuy có nâng lên nhưng xưa kia khỏe đến chết, giờ ốm oặt ẹo mãi mới “đi”: “Xưa trung bình người ta chỉ ốm khoảng 3 tháng rồi chết, giờ thời gian ốm trung bình phải hơn 1 năm rồi mới chết, nhiều người nằm 4 - 5 năm thậm chí hơn 10 năm đến thối da, thối thịt…”.
Trên giấy tờ và trong thực tế
Đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc BVTV đến sức khỏe người nông dân tại xã Hưng Đạo” do GS.TS Nguyễn Văn Song, cử nhân Vũ Thị Thanh Thủy và các cộng sự thực hiện vào giữa năm 2017 đã phần nào hé mở lý do bệnh tật và tuổi thọ của người dân nơi đây. Nhóm chọn 2 thôn Xuân Nẻo và Ô Mễ để tiến hành điều tra 100 hộ dân đồng thời thu thập số liệu tại Trạm y tế xã và thống kê của Trung tâm y tế huyện làm đối chứng.
Lượng thuốc BVTV sử dụng của làng rau gấp nhiều lần làng lúa |
Số người cảm thấy trong người khó chịu sau khi phun thuốc BVTV chiếm 48,9% với các triệu chứng thường gặp là ngứa ngoài da (33,3%), không muốn ăn (28,9%), đau đầu chóng mặt (24,4%). Tuy nhiên, những người được phỏng vấn cho rằng tình trạng ảnh hưởng sau khi phun thuốc trên là không đáng kể (92,2%), chỉ khi nào bị nhiễm thuốc BVTV tới mức phải đi viện hoặc uống thuốc kháng sinh mới được coi là mức độ nghiêm trọng. Trong đó có 48,9% số người trả lời phỏng vấn tự điều trị, nghỉ ngơi. 41,1% số người không quan tâm đến vẫn tiếp tục phun và 5,6% khi thật sự nặng họ mới đến trạm xá. Thông thường khi gặp rủi ro thì số người bị là cả gia đình. Xét về mức độ ảnh hưởng thì Ô Mễ là thôn có số người gặp rủi ro ở mức nghiêm trọng hơn thôn Xuân Nẻo. (Trích báo cáo của nhóm nghiên cứu) |
Tứ Kỳ có 27 xã, thị trấn trong đó Hưng Đạo là một trong số những trọng điểm về sản xuất nông nghiệp. Theo kết quả tổng hợp của Trung tâm y tế trong 2 năm 2015 - 2016 toàn huyện có tổng cộng 456 người mắc ung thư các loại, trong đó xã Hưng Đạo năm 2015 chiếm 3,8%, năm 2016 chiếm 6,91%/tổng số người mắc.
Nhìn chung tỷ lệ người dân của xã mắc bệnh ung thư ngày một tăng: “Số người tử vong và nguyên nhân tử vong do mắc bệnh ung thư của cả xã Hưng Đạo tập trung lớn vào thôn Ô Mễ với 80 người chết (chiếm 41, 7%), 40,32% trong số người chết đó là do mắc bệnh ung thư trong vòng ba năm 2014 - 2016.
Sau thôn Ô Mễ là thôn Xuân Nẻo, một thôn cũng có quy mô diện tích sản xuất rau chỉ ngay sau thôn Ô Mễ với 62 người chết (chiếm 32,3%), 26 trường hợp trong số 62 người chết đó là do ung thư trong vòng ba năm.
Thôn Lạc Dục với đặc điểm sản xuất nông nghiệp chủ yếu là lúa và kết hợp nuôi trồng thủy sản, trong ba năm gần đây thôn có tỷ lệ số người chết và tử vong do mắc bệnh ung thư thấp nhất.
Đặc biệt trong ba thôn tại xã, thôn Ô Mễ có tỷ lệ mắc bệnh ung thư và tử vong do ung thư nhiều nhất, đồng thời qua điều tra tại xã cho thấy nam giới thường mắc bệnh hơn nữ giới.
Giải thích nguyên nhân này là do đa số chủ hộ là nam giới thường tham gia sản xuất nông nghiệp là chính…”.
Cũng nhóm nghiên cứu, nhận định: “Con số thống kê (bệnh nhân ung thư) của toàn huyện trên ở mức tương đối vì còn có trường hợp muốn đạt thành tích mà xã tổng hợp báo cáo lên Trung tâm y tế huyện chưa thật sự đầy đủ”.
Nhưng Bác sĩ Nguyễn Văn Tố - Trạm trưởng Trạm y tế Hưng Đạo lại lý giải theo hướng khác mà tôi thấy hợp lý hơn: “Con số tử vong do ung thư của Trạm y tế xã thống kê là từ xin số liệu của xã do người nhà họ cung cấp khi ra làm giấy chứng tử.
Nếu bắt buộc họ trình bệnh án thì mới có con số chính xác được. Bệnh nhân ung thư nếu còn trẻ thường được đưa đi bệnh viện xạ trị, hóa trị còn già mà phát hiện ra bệnh thường là cho về nhà.
Bởi thế, nếu người chết dưới 60 tuổi hay được khai thật là chết vì ung thư còn trên đó người ta khai chết già để con cháu còn có tiếng là có cụ trường thọ”.
Năm 2017 xã Hưng Đạo có 12/75 ca tử vong là ung thư, 9 tháng năm 2018 có 12/64 ca tử vong là ung thư. Tỷ lệ trên giấy tờ chưa đến 20% nhưng tỷ lệ thật theo bác sĩ Tố phỏng đoán phải 20 - 30%.
Ngồi đối chiếu bảng danh sách tử vong và nguyên nhân tử vong của thôn mình do Trạm y tế cung cấp, ông Tâm - trưởng thôn Ô Mễ liên tục đặt dấu hỏi, nghi ngờ ông Văn Lờ (đã đổi tên) ghi trong sổ tử là già yếu nhưng thực tế dân làng đồn là ung thư, ông Hữu Chờ (đã đổi tên) ghi trong sổ tử là suy thận nhưng thực tế dân làng đồn là ung thư máu, ông Văn Vê (đã đổi tên) cũng tương tự…
Cứ theo tính toán của trưởng thôn Tâm, năm 2017 số người chết của thôn do ung thư và nghi ung thư (người nhà giấu) phải là 10/27 ca tử vong, 9 tháng đầu năm 2018 tỷ lệ đó là 9/22 ca tử vong, chiếm 37% và gần 40% - một tỷ lệ cao khủng khiếp.
Một cảnh khám bệnh ở nông thôn |
Dân giàu lên, thuốc BVTV trút xuống đồng cũng nhiều lên! Ô Mễ có khoảng 190ha đất nông nghiệp. Trước đây diện tích này chủ yếu cấy lúa nhưng khoảng 15 năm gần đây đã chuyển sang trồng rau màu theo công thức chung là 2 vụ rau 1 vụ dưa hấu. Nhờ trồng rau mà kinh tế của thôn đi lên thấy rõ. Theo ước tính của Trưởng thôn, hộ giàu có nhà xây từ 500 triệu trở lên, có thu nhập từ 150 triệu/năm trở lên chiếm khoảng 40%. Nhưng cũng từ hồi chuyển sang trồng màu, lượng thuốc BVTV trút xuống đồng ruộng của thôn đã gấp 4 - 5 lần xưa. |
Cách đây chừng 15 năm, tôi là nhà báo đầu tiên trong cả nước viết về làng ung thư Thạch Sơn, tỉnh Phú Thọ nơi gần một nhà máy hóa chất lớn. Lúc ấy, làng ung thư là một khái niệm hoàn toàn mới bởi trước đó người ta chỉ biết đến bệnh ung thư chứ không biết đến một cộng đồng làng xã nào gắn với căn bệnh quái ác đó. Thạch Sơn hồi ấy có khoảng trên 20% ca tử vong là do ung thư. Chỉ 13 - 14 năm sau, khi tôi thực hiện một cuộc điều tra nhanh ở mấy xã thuộc vùng sâu, vùng xa tại Hải Dương, Hưng Yên, những nơi không liền kề bất cứ nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm nào thì tỷ lệ chết do ung thư cũng đều khoảng trên 20% thậm chí 30%, vượt xa làng ung thư năm nào. |