| Hotline: 0983.970.780

Vũ khí độc đáo của người Việt: Cha đẻ lựu đạn vỏ gang kiểu đập

Thứ Ba 25/11/2014 , 08:42 (GMT+7)

Chỉ với vốn kiến thức ít ỏi học được từ trường kỹ nghệ, ông Nguyễn Văn Xuân đã mày mò chế tạo nên những thứ vũ khí ban đầu phục vụ cho ngành quân giới non trẻ nước ta./ Khẩu Bazoka 75 ly huyền thoại

Xưởng vũ khí làng Chè

Những năm trước cách mạng, dù bị quản thúc tại quê nhà, nhưng do có kiến thức về công nghiệp và hóa chất, ông Nguyễn Văn Xuân được tổ chức Đảng giao nhiệm vụ chế tạo một số vũ khí và lựu đạn.

Ngoài vốn kiến thức đã được học, ông không ngừng tự học để có thêm những hiểu biết về thuốc nổ và mày mò chế thử được thuốc đen và phuy-mi-nat thủy ngân - một loại thuốc gợi nổ rất cần trong SX vũ khí.

Mất vài tháng mày mò, ông Xuân chế ra được một loại thuốc đen. Chế xong, ông cùng những người bạn tụ tập nhau tìm cách nổ thử. Lúc đó chưa đúc được vỏ đạn, ông lấy một ống tuýp xe đạp, cưa thành từng đoạn dài cỡ một gang tay, một đầu bịt lại, một đầu nhồi thuốc đen vào rồi nút chặt.

Trong một đêm cuối tháng, trời tối chỉ có ánh sao le lói, họ đã mang ra cánh đồng để thử nghiệm. Sau khi châm ngòi độ mươi giây, đạn nổ thành công khiến ai nấy đều phấn khởi. Từ đây, chi bộ Đảng ra nghị quyết tiếp tục nghiên cứu, chế tạo vũ khí. Ông Nguyễn Văn Xuân được cử chuyên trách công việc này.

Năm 1944, lực lượng cách mạng đã có căn cứ ở Cao - Bắc - Lạng. Lực lượng vũ trang tập trung đã hình thành và phát triển, nhu cầu về vũ khí có những đòi hỏi mới: ngoài chiến lợi phẩm thu được của địch trong chiến đấu, cần phải tổ chức SX để phục vụ tổng khởi nghĩa. Xứ ủy Bắc Kỳ khẩn trương chỉ đạo xây dựng cơ sở SX, sửa chữa vũ khí bí mật ở làng Chè (Tiên Sơn, Bắc Ninh) để SX lựu đạn vỏ gang kiểu đập ra đời, phục vụ chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Nhờ có vốn kiến thức hồi học ở Trường Kỹ nghệ Hà Nội (1924-1925), ông Xuân không xa lạ với hoạt động công nghiệp. Tuy nhiên, đối với công nghệ làm vũ khí mới mẻ, ông cũng như bao anh em khác đều phải đi từ con số không.

Tự mày mò nghiên cứu, qua những thử nghiệm, có cả thất bại. Có lần, dùng gang đúc vỏ đạn. Đổ thử mẻ đầu tiên, gang ra, vỏ thì xù xì, có quả vỏ đạn khuyết từng mảng, lại có quả vỏ quá dày, thuốc nổ không đủ sức phá vỡ vỏ. Không thành công thì làm thử nghiệm lại. Rút kinh nghiệm qua từng bước, dần dần tìm cách cải tiến phương pháp.

Một lần khác, tự tay ông Xuân tháo quả lựu đạn của Pháp mà du kích làng Đình Bảng thu được để tìm hiểu cấu tạo bên trong của thứ vũ khí tân tiến này. Vụ tháo lựu đạn thành công, ông đã thiết kế mẫu mới để anh em dựa theo mẫu đúc ra những quả đạn hình dáng giống trái đào Vân Nam, vừa nhẹ vừa đẹp.

Cuối cùng, những quả “bom” được thử nghiệm thành công ở làng Chè. Ông Nguyễn Văn Xuân cùng các ông Ngô Gia Khảm, ông Tuấn ở Thuỷ Nguyên, ông Kim nông dân làng Chè đã cho SX hàng loạt…

Vũ khí từ xưởng làng Chè đã lan nhanh tới phủ Từ Sơn rồi tỏa đi khắp nơi, làm nức lòng nhân dân. Đồng bào đi chợ kháo nhau: Đêm qua Việt Minh kéo quân về đồng bằng họ thử bom nổ to lắm. Cách mạng sắp nổ ra đến nơi rồi!

Biết tin, phát xít Nhật cho 5 xe ca-mi-ông chở đầy lính đến bao vây. Nhưng chỉ 30 phút sau, trước thanh thế của xưởng vũ khí, chúng phải rút quân về.

Nhân dịp Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ (4/1945) xưởng làng Chè còn SX mẻ lựu đạn làm tặng phẩm hội nghị, ngoài vỏ đúc hai chữ VM. Đây là những đóng góp lớn của hai ông Nguyễn Văn Xuân và Ngô Gia Khảm chuẩn bị cho đêm trước tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945.

10-22-37_nguyen-vn-xun-1
Ông Nguyễn Văn Xuân (1902-1981)

Bộ trưởng không bộ

Ngày 20/8/1945, ông Nguyễn Văn Xuân mang vũ khí do mình chế tạo tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Bắc Ninh. Ngay sau đó, ông nhận được lệnh yêu cầu bàn giao xưởng vũ khí để về Hà Nội nhận công tác mới của Trung ương.

Về Hà Nội, ông Nguyễn Văn Xuân ngỡ ngàng khi biết mình được bầu vào Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữ chức Bộ trưởng không bộ. Ông giữ chức vụ này suốt 181 ngày cho đến khi Chính phủ Liên hiệp chính thức ra mắt ngày 2/3/1946.

Ông Nguyễn Văn Xuân (1902-1981) tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Xuân, sinh tại thôn Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Năm 1955, ông được cử làm Cục trưởng Cục Quân giới. Năm 1959, ông chuyển ngành, làm Phó ban chỉ huy công trường gang thép Thái Nguyên, Cục trưởng Cục Cơ khí - Bộ Công nghiệp nặng (1960), Trưởng ban Kiểm tra - Bộ Công nghiệp nặng (1962).

Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tổ chức lại cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó có Cục Quân giới do ông Nguyễn Văn Xuân làm Phó Cục trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy.

Khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, sau khi nghe ông Nguyễn Văn Xuân báo cáo về tình hình SX vũ khí ở cơ sở, Hồ Chủ tịch căn dặn: “Có thể giặc Pháp sắp tiến công mình… Về quân giới, phải gấp rút chuyển hết máy móc, nguyên liệu ra khỏi Hà Nội, mang lên rừng núi lập căn cứ chống lại nó…”.

Ông Nguyễn Văn Xuân cùng cán bộ và công nhân của ngành vận chuyển máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu ra khu căn cứ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ông cùng với các cán bộ - nhân viên ngành quân giới vừa di chuyển, vừa ổn định tổ chức, triển khai SX lại vừa sát cánh chiến đấu cùng chiến sĩ ngoài mặt trận.

Đại tá Trần Tiệu, năm 1950, khi lên Việt Bắc nhận công tác được gặp Phó cục trưởng Cục Quân giới Nguyễn Văn Xuân đã nhận thấy: “Tôi có cảm tình ngay buổi đầu làm việc với anh. Anh nói nhỏ nhẹ, dáng thư thả khoan thai, giống một thầy giáo huyện hơn là một quan nhà binh...”.

Năm 1981, ông Nguyễn Văn Xuân qua đời sau gần 20 năm chống chọi với di chứng tai biến mạch máu não.

Nhớ đến ông, các cán bộ cấp dưới luôn nhắc lại nỗi trăn trở thường nhật trong hoàn cảnh chiến tranh, đời sống của cán bộ, công nhân SX vũ khí rất gian khổ, thiếu thốn vì phải sống và làm việc ở những nơi “rừng thiêng nước độc”. Ông thường nói: “Con người là vốn quý, cuộc kháng chiến còn dài, ta phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân”.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Diêm dân buồn nhìn muối trắng trên đồng

Quảng Bình Năm nay, đầu vụ hè nắng nóng kéo dài cho bà con diêm dân được mùa nhưng không có lãi vì rớt giá…

Bình luận mới nhất