| Hotline: 0983.970.780

Vựa heo lớn nhất miền Trung ế ẩm, thua lỗ

Thứ Năm 26/08/2021 , 17:41 (GMT+7)

Huyện Hoài Ân, Bình Định, vựa heo lớn nhất miền Trung thời gian qua tiêu thụ rất chậm do TP. Đà Nẵng giãn cách xã hội khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ.

Với giá bán hiện nay, mỗi conheo người chăn nuôi lỗ gần 1 triệu đồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Với giá bán hiện nay, mỗi conheo người chăn nuôi lỗ gần 1 triệu đồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chị Ánh Thành, người chuyên thu mua heo thịt cung cấp cho thị trường Đà Nẵng ở xã Ân Đức cho biết, kể từ khi TP. Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 đến nay, heo nuôi ở huyện Hoài Ân bỗng ế thê thảm.

Do Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ chính heo nuôi ở Hoài Ân, thế nhưng khi địa phương này thực hiện giãn cách, các đại lý thu mua cũng dừng nhập heo, khiến heo ở Hoài Ân lâm cảnh ế ẩm.

“Trước đây, mỗi ngày tôi đi 1 chuyến heo, mỗi chuyến 100 con cung ứng cho thị trường Đà Nẵng, một tháng 30 ngày tôi đi kín không nghỉ ngày nào. Thế nhưng thời gian gần đây, cách 2-3 ngày tôi mới đi 1 chuyến khoảng 40 - 50 con gửi theo xe, nhưng chỉ ra đến thị trường Quảng Nam”, chị Ánh Thành cho hay.

Ngoài mua bán heo thịt, chị Ánh Thành còn nuôi cả trăm con heo thịt. Do đầu ra bị tắt nên giá heo hiện đã giảm rất thấp, heo nuôi trong nông hộ chỉ còn 50.000 đồng/kg hơi, còn heo siêu nạc nuôi theo hướng công nghiệp có giá 56.000 - 57.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi heo lỗ gần 1 triệu đồng/con.

“Lứa heo này tôi mua 1 con heo giống siêu nạc khoảng 10kg, giá 3,2 triệu đồng, nuôi 3 tháng rưỡi, mỗi con ăn hết 9 bao cám. Giá cám cho heo ăn trong thời gian qua liên tục tăng, hiện cám cho heo con có giá 450.000 đồng/bao (25kg), cám cho heo thịt 350.000 đồng/bao.

Tính chi li từ khi thả giống đến khi xuất chuồng mỗi con heo ăn hết 2,8 triệu tiền cám, cộng với vốn mua con giống 3,2 triệu, vị chi tổng chi phí của con heo đến khi xuất chuồng là 6 triệu đồng.

Nếu heo đạt 100kg/con, với giá hiện nay bán được chỉ 5,6 triệu đồng. Nếu tính thêm tiền công chăm sóc, chi phí tiêm 2-3 lần vacxin, tiền điện nước, tiền thuốc thú y, tôi bị lỗ gần 1 triệu đồng/con”, chị Ánh Thành chia sẻ.

Anh Bình cầu mong dịch Covid-19 chóng qua để thị trường ăn mạnh trở lại, để khi đàn heo của anh xuất bán tránh được chuyện lỗ vốn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Bình cầu mong dịch Covid-19 chóng qua để thị trường ăn mạnh trở lại, để khi đàn heo của anh xuất bán tránh được chuyện lỗ vốn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong thời điểm heo hạ giá, ế ẩm, trong chuồng của anh Nguyễn Văn Bình (40 tuổi) ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân) chỉ có hơn 10 con heo thịt mới đạt 60kg/con và gần 90 con mới đạt trọng lượng 20 - 30kg/con nên anh không lo lắm về chuyện tiêu thụ.

Thế nhưng, nhìn thấy cảnh thương lái cứ lắc đầu mỗi khi có người kêu bán heo anh cũng không khỏi lo. Anh cầu mong cho dịch Covid-19 chóng qua để thị trường ăn mạnh trở lại, có như vậy khi đàn heo của anh đến lứa xuất bán mới tránh được chuyện lỗ vốn.

“Tôi không nuôi theo hướng công nghiệp nên không mua heo giống siêu nạc, chỉ mua heo thường mà cũng đã có giá 1,4 triệu đồng/con (6kg). Nuôi cho đến khi đạt trọng lượng 80kg/con, chi phí tiền thức ăn cho mỗi con phải mất đến gần 3 triệu, bởi thời gian nuôi dài vì heo giống lúc thả nuôi chỉ có 6kg. Cộng tiền thức ăn và tiền con giống tổng chi phí là gần 4,4 triệu đồng/con.

Với giá 50.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi con heo 80kg bán được 4 triệu đồng, lỗ trắng 400.000 đồng, tính thêm chi phí công cán, thuốc thú y, điện nước, mỗi con lỗ gần 1 triệu đồng”, anh Bình tính toán.

Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, do thị trường Đà Nẵng dừng thu mua nên hiện mỗi ngày heo ở Hoài Ân xuất bán ra thị trường chỉ vài trăm con, trong khi trước đó mỗi ngày có đến 1.000 con heo thịt xuất chuồng.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội huyện và nội tỉnh vẫn bình thường nên người chăn nuôi vẫn còn bán heo được. Hiện trên địa bàn huyện Hoài Ân có xã Ân Tường Tây và thôn Phú Văn thuộc xã Ân Hữu đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Để tạo điều kiện cho người dân trong vùng giãn cách bán heo, chính quyền địa phương này đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiêu thụ khi chủ nuôi không thể trực tiếp giao dịch mua bán.

“UBND huyện Hoài Ân chỉ định những điểm tập kết ngay luồng xanh giao thông, hộ nào có nhu cầu bán heo thì liên lạc với thương lái bạn hàng qua điện thoại, khi đã thống nhất mua bán, lực lượng thanh niên xung kích và dân quân xã sẽ đến tận nhà cân heo, vận chuyển đến điểm tập kết giao cho thương lái rồi nhận tiền về giao lại cho hộ bán heo. Trong quá trình bắt heo cân, vận chuyển đến điểm tập kết, cả lực lượng hỗ trợ lẫn thương lái phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch Covid-19”, ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.