| Hotline: 0983.970.780

Lúa thu đông sớm đón tín hiệu vui

Thứ Tư 15/09/2021 , 17:09 (GMT+7)

Nhiều tỉnh ĐBSL đang còn lúa hè thu trên đồng nhưng có nơi đã bước vào vụ thu hoạch lúa thu đông sớm 2021. Dự báo lúa thu đông sớm trúng mùa.

Năng suất cao hơn cả lúa hè thu

Nằm về phía nam hạ lưu sông Hậu, TP Cần Thơ ít chịu tác động nước lũ đầu nguồn về sớm nên vùng lúa thu đông gieo sạ sớm từ cuối tháng 6. Đến nay, phần lớn diện tích lúa thu đông trên đồng ở Cần Thơ đang giai đoạn trỗ - chín. Hiện đã có một số cánh đồng xuống giống sớm ở huyện Thới Lai, quận Ô Môn bắt đầu thu hoạch. Dự kiến từ 15/9 đến 15/10 vùng lúa thu đông bước vào giai đoạn thu hoạch rộ.

Tại Cần Thơ, nông dân đã bắt đầu thu hoạch lúa vụ thu đông sớm, năng suất dự kiến 6 tấn/ha, cao hơn cả vụ hè thu 2021. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại Cần Thơ, nông dân đã bắt đầu thu hoạch lúa vụ thu đông sớm, năng suất dự kiến 6 tấn/ha, cao hơn cả vụ hè thu 2021. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy tình hình dịch bệnh đang diễn ra căng thẳng, nhưng điều bất ngờ là diện tích lúa thu đông năm 2021 tại Cần Thơ tăng lên 70.000 ha (vượt so với kế hoạch là 58.000 ha), cao nhất so với các vụ lúa cùng kỳ trong nhiều năm qua.

Theo nhiều nông dân, do từ tháng 6/2021, nhận thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 khởi phát ở các tỉnh lân cận, đường vận chuyển mua bán nông, thủy sản gặp khó khăn, trong khi lúa gạo luôn có thị trường ổn định hơn. Vì vậy, nhiều bà con nông dân ở vùng trồng màu luân canh cũng đã chuyển đổi sang trồng lúa thu đông gần 12.000 ha.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho hay: Qua chuyến đi thăm đồng đến nhiều địa phương, mặc dù giá vật tư nông nghiệp tăng vùn vụt, nhất là phân bón, nhưng nông dân vẫn chịu khó chăm sóc lúa tươi tốt.

Vụ lúa thu đông năm nay dự báo trúng mùa, năng suất có thể đạt 6 tấn/ha, cao hơn cả lúa vụ hè thu 2021 và vượt mức bình quân lúa thu đông mấy năm qua (5 tấn/ha). Ước sản lượng lúa thu đông TP Cần Thơ có thêm khoảng 400.000 tấn.

Tạo thuận lợi cho thu hoạch, tiêu thụ

Hiện nay, qua khảo sát trên địa bàn Cần Thơ có khoảng 240 máy gặt đập, công suất hoạt động trong một tháng cao điểm lúa chín rộ được khoảng 36.000 - 40.000 ha. Phần diện tích lúa còn lại thiếu máy gặt, cần tìm thêm các tổ máy gặt từ các tỉnh lân cận.

Hiện các thương lái đã tới đặt mua lúa thu đông ở Cần Thơ với giá trên 5.000 đồng/kg đối với các giống lúa chất lượng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện các thương lái đã tới đặt mua lúa thu đông ở Cần Thơ với giá trên 5.000 đồng/kg đối với các giống lúa chất lượng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để không bị động, Sở NN-PTNT Cần Thơ hiện có kế hoạch đề nghị UBND TP Cần Thơ và các địa phương kiểm soát phòng dịch tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ máy và nhân công đi vào địa bàn thu hoạch lúa kịp thời cho nông dân. Ngoài ra, các địa phương cần đề xuất ưu tiên tiêm vacxin phòng Covid-19 cũng như phương án test nhanh cho lực lượng lao động thu hoạch lúa thu đông...

Theo ông Nghiêm, về mặt tiêu thụ lúa thu đông, Cần Thơ duy trì diện tích lúa trên cánh đồng lớn 30.000 ha, có liên kết với gần 20 doanh nghiệp (DN) thu mua. Hiện lúa thu đông trên đồng của huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh đã có thương lái đến nhà nông dân đặt cọc trước từ 300 - 500 ngàn đồng/công (1.000 m2) khá nhiều.

Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đang phối hợp với sở ngành liên quan và các quận, huyện có biện pháp kiểm soát dịch linh hoạt, nhanh chóng để thương lái và DN đưa phương tiện vận tải về đồng thu mua lúa hỗ trợ nông dân.

Vụ thu đông 2021, anh Trương Thanh Phong, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lái, TP Cần Thơ chọn giống lúa chất lượng cao OM 5451 để gieo sạ cho 17 công đất ruộng của mình. Vụ lúa này, anh Phong đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng “ và “1 phải 5 giảm” vào sản xuất nên năng suất lúa đạt tới 850 kg lúa tươi/công.

Đặc biệt, vụ lúa này đang trong thời điểm dịch bệnh, nhưng nông dân các xã như Tân Thạnh, Thới Thạnh, Xuân Thắng (huyện Thới Lai) đều rất vui mừng vì được nhận tiền cọc trước 300 ngàn đồng/công của thương lái và cuối vụ thu mua 5.200 đồng/kg trở lên đối với các giống lúa chất lượng cao.

Các tỉnh ĐBSCL đang nỗ lực cao nhất nhằm tạo điều kiện cho việc lưu thông, vận chuyển lúa trong vụ thu đông 2021. Ảnh: LHV.

Các tỉnh ĐBSCL đang nỗ lực cao nhất nhằm tạo điều kiện cho việc lưu thông, vận chuyển lúa trong vụ thu đông 2021. Ảnh: LHV.

"Vụ lúa thu đông 2021, nhìn chung thời tiết khá thuận lợi, tuy có gặp khó khăn vật tư đầu vào tăng cao, nhưng nhờ năng suất lúa ổn định, có thương lái đến thu mua giống lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khá cao nên sau khi trừ hết chi phí, nông dân lãi khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng/công". Anh Phong nói.

Tại Đồng Tháp, hiện đang trong thời gian thu hoạch lúa hè thu muộn (còn lại rất ít) và bắt đầu bước vào thu hoạch lúa vụ thu đông sớm.

Vụ thu đông 2021, toàn tỉnh Đồng Tháp xuống giống gần 120.000 ha, đều nằm trong ô bao quản lý lũ, dự kiến bắt đầu thu hoạch từ tháng 9 và dứt điểm trong tháng 11/2021. Trong đó, huyện Cao Lãnh và Tháp Mười là những địa phương có diện tích thu hoạch lúa thu đông 2021 sớm nhất ở khu vực ĐBSCL.

Riêng đối với huyện Tháp Mười, ông Bùi Văn Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, tính đến thời điểm này, toàn huyện có khoảng 2.000/36.000 ha lúa vụ thu đông sớm đang vào vụ thu hoạch rộ với năng suất từ 5,2 - 5,5 tấn/ha, có khoảng 2.200 lao động phục vụ cho việc thu hoạch, vận chuyển lúa trên địa bàn huyện.

Để thuận lợi trong việc thu hoạch và tiêu thụ lúa, huyện Tháp Mười tạo điều kiện cho nông dân, chủ máy gặt lúa và thương lái thuận đi lại nhưng phải đảm bảo về công tác phòng chống dịch Covid-19.

UBND tỉnh Đồng Tháp đang tạo mọi điều kiện để DN đến địa bàn thu mua lúa gạo cho bà con nông dân trong vụ thu đông. Ảnh: HĐ. 

UBND tỉnh Đồng Tháp đang tạo mọi điều kiện để DN đến địa bàn thu mua lúa gạo cho bà con nông dân trong vụ thu đông. Ảnh: HĐ. 

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Để đảm bảo tiến độ thu hoạch lúa thu đông 2021 tránh thất thoát, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, các đơn vị thành viên và các doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện việc hỗ trợ thu mua lúa gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Đồng Tháp đề nghị UBND các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An, An Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ chỉ đạo Sở NN-PTNT làm đầu mối, phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ, tạo điều kiện, cho phép người lao động và các phương tiện vận chuyển nông sản, vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp lưu thông đến địa bàn tỉnh, thành phố để thu hoạch, thu mua lúa gạo một cách thuận lợi.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao Sở NN-PTNT làm đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, các phương tiện vận chuyển nông sản, vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tỉnh, thành phố khác khi lưu thông đến địa bàn Đồng Tháp. Bên cạnh đó phải đảm bảo thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp, các quy định hiện hành về phòng, chống dịch Covid-19...

Tập trung chăm sóc lúa thu đông

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết đến đầu tháng 9/2021, diện tích lúa thu đông 2021 đã xuống giống của tỉnh đạt 87.360 ha, sản lượng ước đạt gần 470.000 tấn. Như vậy, nếu tình hình thời tiết, dịch bệnh những tháng cuối năm không có diễn biến bắt thường, tổng sản lượng sản xuất lúa của tỉnh sẽ đạt 4,4 triệu tấn, tăng so với kế hoạch đề ra.  

Không chỉ tập trung cho phát triển sản xuất, Kiên Giang còn mời gọi các DN, tổ chức nông dân, tổ hợp tác và HTX thực hiện liên kết, ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân.

Nông dân huyện An Minh (Kiên Giang) đang cấy lúa vụ mùa 2021 - 2022 lấp vụ trên nền đất nuôi tôm. Ảnh: ĐTC.

Nông dân huyện An Minh (Kiên Giang) đang cấy lúa vụ mùa 2021 - 2022 lấp vụ trên nền đất nuôi tôm. Ảnh: ĐTC.

Ông Kim Dương Liễu, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Rạch Giá (Kiên Giang), cho biết: Hiện đơn vị đã liên kết với các địa phương trong tỉnh để phát triển vùng lúa nguyên liệu bền vững, chế biến gạo phục vụ người tiêu dùng. Cụ thể, trong vụ thu đông 2011, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa cho 2 hợp tác xã tại xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, với diện tích sản xuất 80 ha.

Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, hiện nay, ngoài tập trung thu hoạch diện tích lúa hè thu còn lại và chăm sóc lúa thu đông 2021, nông dân còn đang tập trung xuống giống lúa vụ mùa 2021 - 2022. Diện tích lúa vụ mùa năm nay toàn tỉnh gieo, cấy gần 61.000 ha, sản lượng theo kế hoạch 309.415 tấn. Trong đó, phần lớn là lúa lấp vụ trên nền đất nuôi tôm (lúa – tôm) và một phần diện tích lúa đông xuân sớm (đông xuân 2021-2022) tại các huyện vùng U Minh Thượng, sản xuất lệ thuộc chính vào nguồn nước mưa. Thời điểm thu hoạch lúa vụ mùa từ khoảng giữa tháng 12/2021 đến cuối tháng 1/2022 là dứt điểm.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.