| Hotline: 0983.970.780

Vực lại vựa cam Cao Phong: Giống sạch bệnh mở đường cho tái canh

Thứ Tư 18/10/2023 , 06:10 (GMT+7)

HÒA BÌNH Giống cam sạch bệnh được sản xuất trong hệ thống nhà lưới nhân giống 3 cấp sẽ là tiền đề quyết định thành công cho tái canh vùng cam Cao Phong.

Huyện Cao Phong là địa phương chiếm gần 30% tổng diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình, trong đó cây cam chiếm hơn 50% diện tích toàn tỉnh. Sau giai đoạn phát triển nóng, nhiều diện cam không đáp ứng được các yêu cầu về nguồn giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh… đã bộc lộ những "tử huyệt", nhanh chóng suy thoái, không đem lại hiệu quả kinh tế. Nguy hại hơn là thương hiệu cam Cao Phong dần bị phai mờ.

Hệ thống nhà lưới nhân giống 3 cấp của Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi và Thủy sản Hòa Bình đã sẵn sàng cung cấp nguồn giống sạch bệnh cho việc tái canh cây cam trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trung Quân.

Hệ thống nhà lưới nhân giống 3 cấp của Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi và Thủy sản Hòa Bình đã sẵn sàng cung cấp nguồn giống sạch bệnh cho việc tái canh cây cam trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Trước thực tế đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp cùng UBND huyện Cao Phong tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả đề án tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đưa cây cam Cao Phong trở lại vị thế vốn có.

Đề án đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc vùng cam Cao Phong bị suy thoái và các giải pháp khắc phục. Sở NN-PTNT cũng ban hành quy trình tạm thời hướng dẫn tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào tái canh cây cam Cao Phong.

Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hòa Bình chia sẻ, bên cạnh những giải pháp về kỹ thuật canh tác, cơ sở hạ tầng…, công tác giống đóng vai trò đặc biệt quan trọng làm tiền đề và quyết định trong việc “thay máu” cho vùng cam Cao Phong.

Sở NN-PTNT Hòa Bình đã chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi và Thủy sản Hòa Bình vận hành có hiệu quả hệ thống nhà lưới nhân giống 3 cấp để tuyển chọn những giống cam chất lượng, sạch bệnh phục vụ cho chương trình tái canh.

Bên cạnh đó, tiếp tục chọn lọc giống cam đảm bảo năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại tỉnh Hòa Bình, đáp ứng tỷ lệ nhóm cam giống chín sớm 30%, chính vụ 40%, chín muộn 30%. Đồng thời, ưu tiên lựa chọn giống cam đã khẳng định được năng suất, chất lượng tại địa phương như cam CS1, Xã Đoài (dòng lùn cây), V2, cam canh…

Trước khi xuất vườn, cây cam giống S2 được phân tích, xét nghiệm 2 bệnh nguy hiểm là greening, tristera và các đối tượng nấm, tuyến trùng hại rễ. Ảnh: Trung Quân.

Trước khi xuất vườn, cây cam giống S2 được phân tích, xét nghiệm 2 bệnh nguy hiểm là greening, tristera và các đối tượng nấm, tuyến trùng hại rễ. Ảnh: Trung Quân.

Ngoài ra, khảo nghiệm để đưa vào sản xuất giống cây ăn quả có múi mới có khả năng kháng bệnh greening, tristera; ít hạt hoặc không có hạt; rải vụ thu hoạch; thích ứng với biến đổi khí hậu; chống chịu sâu bệnh; hàm lượng chất xơ và độ brix cao; phù hợp cho công nghiệp chế biến.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi và Thủy sản Hòa Bình chia sẻ, Trung tâm là đơn vị có hệ thống nhà lưới nhân giống 3 cấp đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc gia, hiện đang lưu giữ 100 cây giống gốc (S0), gần 500 cây S1 và hàng vạn cây S2 (cây giống đưa ra sản xuất).

Quy trình tạo ra cây giống S2 được thực hiện toàn bộ trong hệ thống nhà lưới, nhà kính, cách ly nghiêm ngặt với môi trường bên ngoài và được giám sát chặt chẽ trong từng khâu.

Trước khi xuất vườn, cây S2 được phân tích, xét nghiệm hai bệnh nguy hiểm là greening và tristera cũng như các đối tượng nấm, tuyến trùng hại rễ, nếu đảm bảo các yếu tố trong ngưỡng cho phép mới được đưa tới tay người trồng.

Theo ông Hùng, Trung tâm hiện có 3 vạn cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn, đảm bảo cung cấp đủ cho chương trình tái canh cây ăn quả có múi của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, 5 vạn cây gốc ghép được Trung tâm ươm dưỡng đã đủ điều kiện tiến hành ghép. Do đó thời gian tới, số lượng cây S1, nguồn vật liệu để sản xuất cây giống S2 chắc chắn sẽ tăng lên, đảm bảo đủ lượng cung cho giai đoạn 2 của đề án tái canh cấy ăn quả có múi của tỉnh, xa hơn là có thể mở rộng sản xuất, phục vụ nhu cầu cây giống chất lượng cho các tỉnh lân cận nếu có nhu cầu.

Để tạo được cây giống đảm bảo chất lượng, nguồn giống gốc, cây gốc ghép phải được chọn tạo rất kỹ lưỡng. Ảnh: Trung Quân.

Để tạo được cây giống đảm bảo chất lượng, nguồn giống gốc, cây gốc ghép phải được chọn tạo rất kỹ lưỡng. Ảnh: Trung Quân.

Ông Hùng cũng trăn trở, trong phạm vi đề án tái canh cây ăn quả có múi, những hộ tham gia sẽ được hỗ trợ miễn phí cây giống lấy từ nhà nhân giống 3 cấp của Trung tâm. Tuy nhiên, để đưa những cây giống chất lượng nhân rộng ra toàn bộ các vườn trồng thì vẫn gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, toàn bộ quy trình sản xuất ra giống cam S2 đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng khá ngặt nghèo, chi phí cao, dẫn tới giá thành cây giống có phần nhỉnh hơn so với mặt bằng chung mà các nhà vườn đang tự sản xuất và bán trên thị trường.

Trong khi đó, tâm lý hám rẻ khiến nhiều hộ vẫn tìm mua cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, thậm chí tự sản xuất, trao đổi, cho tặng nhau giống chưa được kiểm định về mặt chất lượng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm. Do đó, để từng bước thay đổi nhận thức, thói quen canh tác của người dân, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn, bản trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tiếp cận các kênh thông tin chính thống, kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả.

"Trung tâm đang xây dựng phương án phát triển vườn cây cung cấp hạt làm cây gốc ghép tập trung. Từ đó, giảm chi phí thu gom, từng bước hạ giá thành cây giống để các hộ trồng trên địa bàn tỉnh thuận lợi tiếp cận với cây giống chất lượng", ông Nguyễn Văn Hùng cho hay.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.