| Hotline: 0983.970.780

Bạt ngàn những vùng chè cổ xứ Tuyên

Thứ Năm 23/06/2022 , 09:35 (GMT+7)

TUYÊN QUANG Tuyên Quang có những vùng chè shan tuyết cổ thụ bạt ngàn tới hàng nghìn ha, chất lượng tuyệt đỉnh, song vẫn chưa thể khai thác hết tiềm năng lợi thế này để vươn xa.

Chè Khuổi Phìn có từ thời Pháp

Bản Khuổi Phìn, xã Sinh Long (huyện Na Hang) là nơi có vùng chè cổ lâu đời nhất ở Tuyên Quang. Những cây chè nơi đây có hàng trăm năm tuổi, vỏ xù xì, thân cao vút.

Gia đình anh Triệu Văn Dấu có 3 thế hệ gắn bó với vùng chè cổ. Gia đình anh có 5 anh em, trước khi cha anh mất, ông dặn các nương chè shan tuyết rộng hơn 2ha là của chung 5 anh em, cùng chăm sóc, cùng hưởng, đó là tài sản không chỉ của riêng ông mà là tinh hoa của đất trời ban tặng.

Cây chè cổ thụ ở xã Sinh Long một người ôm không hết. Ảnh: Đào Thanh.

Cây chè cổ thụ ở xã Sinh Long một người ôm không hết. Ảnh: Đào Thanh.

Giờ đây, rừng chè không chỉ cho 5 anh em Dấu có nguồn thu ổn định mà còn trở thành sợi dây gắn kết tình cảm anh em. Đến vụ, các gia đình thường chia nhau ra hái. Trung bình mỗi vụ được mùa, vườn chè thu được khoảng 20 triệu đồng tiền bán chè búp tươi. Những ấm chè đầu mùa nhất định phải gọi đông đủ 5 anh em đến để cùng thưởng thức vị trà và cùng ôn lại những lời nhắc nhớ của người cha quá cố.

Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long, ông Hoàng Văn Hào là người con của đất Khuổi Phìn. Ông nội của ông Hào kể lại rằng, cây chè shan tuyết ở quê anh được người Pháp mang về đây trồng từ những năm trước cách mạng tháng 8. Diện tích chè cổ này là 30ha. Thế rồi dần dần cây chè trở thành thức uống không thể thiếu của người Dao đỏ ở Khuổi Phìn. Con gái, con trai người Dao đỏ ai cũng biết cách nhận biết chè ngon, biết chế biến cho chè được hương, được nước.

Hơn 20 năm về trước, khi đời sống còn nhiều khó khăn, cây chè shan tuyết là cứu cánh giúp người Khuổi Phìn có đồng ra, đồng vào để trang trải cuộc sống. Khi ấy tuy giá chè không cao, chỉ vài nghìn đồng/kg nhưng cũng đủ giúp người làng có thêm tiền mua rau, mua mắm. Còn những đứa trẻ đi học xa nhà như ông Hào thì mỗi lần về nhà vào mùa chè đều tranh thủ lên rừng giúp bố mẹ hái chè để có tiền mua rau, mua muối mang xuống trường nội trú những ngày xa bố mẹ.

Sau này khi học xong học đại học, ông Hào về quê làm việc, rồi sau đó được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã, ông luôn đau đáu ước mơ mong muốn cây chè của quê mình được nhiều người biết đến, để người dân bản ông bớt khó khăn. Bởi vậy, ông luôn vân động bà con quê mình phải giữ gìn và trân quý cây chè.

Vùng chè cổ thụ ở xã Sinh Long, huyện Na Hang có tuổi đời cả trăm năm. Ảnh: Đào Thanh.

Vùng chè cổ thụ ở xã Sinh Long, huyện Na Hang có tuổi đời cả trăm năm. Ảnh: Đào Thanh.

Trong những lần có kinh phí đầu tư tập huấn nâng cao kiến thức về cây chè, ông Hào thường hạn chế tối đa tiền in tài liệu phát cho hộ dân, vì theo ông vừa tốn kém lại chẳng mấy hiệu quả. Anh dùng số tiền đó chia cho các hộ dân để lấy công đi phát cỏ và chăm sóc chè. Dù 30 nghìn hay 50 nghìn đồng/người với người miền xuôi là nhỏ, nhưng với người Dao đỏ quê ông, có thể mua mắm muối, bột canh dự trữ cho gia đình ăn cả tháng không hết. Có thêm vài chục nghìn đó, người dân có thêm động lực để bảo vệ nhiều hơn diện tích vùng chè cổ thụ.

Khoảng 15 năm trở lại đây, đã có nhiều chương trình đầu tư của các doanh nghiệp, HTX về mở xưởng sản xuất, chế biến chè tại xã Sinh Long, nhưng vì đường đi lại khó khăn, nhiều dự án đành phải bỏ dở, doanh nghiệp chịu thua lỗ. Từ năm 2016, con đường vào xã Sinh Long được mở, rồi con đường bê tông vào từng làng bản được kiên cố, nhưng con đường lên Khuổi Phìn vẫn khó đi như ngày trước, bởi vậy hương chè shan tuyết cổ thụ ở Khuổi Phìn có thơm ngon nức tiếng thật nhưng cũng chỉ quanh quẩn ở bản.

Người dân bản Dao mong cây chè ấy còn được đi được nhiều hơn nữa để nhiều người biết đến, thưởng thức. Để nhiều cân chè của người dân đi khỏi bản và đổi về là cuộc sống no ấm cho vùng cao nghèo khó.

Dấu ấn đổi thay ở Sinh Long kể từ khi nhà nước triển khai trồng rừng theo Chương trình 327 và Dự án 661 vào những năm 2.000 với diện tích gần 1.000ha. Những công nhân lâm trường về ở cùng với bà con trong xã đem cây chè shan tuyết về trồng, vừa làm cây rừng phủ xanh đất trống đồi trọc vừa để tính kế sinh nhai. Cây chè shan tuyết được coi là loại cây thế mạnh của Sinh Long, trung bình mỗi nhà có tới trên 3 ha đất trồng chè.

Hiện nay, toàn xã Sinh Long có 4 doanh nghiệp, HTX thu mua, chế biến chè. Trung bình mỗi HTX thu mua khoảng 4 tạ chè tươi/ngày, giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập ổn định. Tuy nhiên, với công suất của các cơ sở chế biến chè tại Sinh Long như hiện nay, chưa đủ tiêu thụ hết diện tích chè cổ thụ rộng lớn hàng nghìn ha trên địa bàn xã.

Những vùng chè cổ trăm năm tuổi

Ở Tuyên Quang, chè shan nổi tiếng nhất phải kể đến là vùng chè cổ trên núi Kia Tăng, xã Hồng Thái, vùng chè Trung Phìn, Khuổi Phìn xã Sinh Long, vùng chè Phia Chang, xã Sơn Phú, huyện Na Hang; vùng chè Khau Mút, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình. Đây đều là những vùng chè có những cây chè cổ thụ có tuổi đời cả trăm năm.

Chè shan tuyết 1 tôm có giá lên đến vài triệu đồng/kg. Ảnh: Văn Hào.

Chè shan tuyết 1 tôm có giá lên đến vài triệu đồng/kg. Ảnh: Văn Hào.

Anh Đặng Văn Dấu, Giám đốc HTX Sơn Trang, xã Sơn Phú, huyện Na Hang là người gắn bó với cây chè từ thuở nhỏ. Nhiều năm liên tục, sáng nào Dấu cũng được bố giao nhiệm vụ đun nước pha cho cả nhà một ấm chè. Khi lớn lên đến tuổi biết nhóm lò, bắc chảo gang, bố mẹ Dấu dạy cho anh kỹ thuật, bí quyết làm ra mẻ chè ngon.

Dấu bảo rằng, chè ngon ngoài chất đất đặc biệt thì kỹ thuật sao chè cũng rất quan trọng. Nếu sao non lửa quá nước chè shan tuyết sẽ xanh hơn, nhưng lại có vị ngái vì chè chưa chín. Nhưng nếu sao quá lửa và không đều tay thì phần búp non của chè dễ bị cháy bởi so với lá chúng chín nhanh hơn. Vì vậy chè sẽ bị mất hương và độ đậm đà.

Theo anh Dấu, chè ngon nhất là hái vào buổi sáng sớm, khi trên những búp chè còn đọng những hạt sương mai. Sau khi vận chuyển chè xuống đến nơi, chè phải được sao ngay để giữ nguyên độ tươi. Chè được sao qua, sau đó hong dưới nắng và sương đêm một ngày một đêm cho thấm hết những tinh túy của trời đất rồi mới đem đi sao lần 2, sau đó được vò kỹ và sao lần 3 cho khô hẳn. Mỗi một đợt thu hoạch, các công đoạn đều được làm gối nhau, gia đình nào đông người thay nhau đi hái chè và chế biến sẽ làm được khoảng hơn 10kg chè khô, gia đình ít người làm được khoảng 4 - 5kg.

Hiện nay, trung bình mỗi năm vùng chè cổ ở thôn Phia Chang cung cấp cho thị trường khoảng 2,5 tấn chè khô các loại, trong đó chè loại 1 khoảng 1,2 tấn. Riêng HTX của anh Sơn Trang hiện nay có 3 máy sao chè công suất  2 - 3 tạ/máy nên toàn bộ chè của bà con thu hái đều được thu mua, sao sấy. Với giá thu mua từ 20 - 60 nghìn đồng/kg chè búp tươi (tùy loại), trung bình mỗi hộ cũng có nguồn thu khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm.

Cây chè shan tuyết còn rất nhiều dư địa để khai thác giá trị, góp phần cải thiện đời sống của người vùng cao ở Tuyên Quang. Ảnh: Văn Hào.

Cây chè shan tuyết còn rất nhiều dư địa để khai thác giá trị, góp phần cải thiện đời sống của người vùng cao ở Tuyên Quang. Ảnh: Văn Hào.

Vùng chè shan Khau Mút, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình có 257,2ha, tập trung ở các thôn Bản Phú và thôn Bản Pước, Vạt Áng, Nà Cọn với trên 210 hộ gia đình tham gia trồng chè. Cây chè đang trở thành cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế của bà con nơi đây.

Gia đình ông Trương Phúc Nam, thôn Bản Thu có 4ha chè trồng từ năm 2007. Đến nay nhiều cây đường vanh thân lên đến 20cm và đều đã cho thu hoạch. Mỗi vụ chè, rừng chè cho gia đình ông thu hoạch khoảng 2 tạ chè khô, riêng vụ chè xuân năng suất thấp hơn, khoảng gần 1 tạ.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, diện tích chè shan tuyết trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 1.600ha, chủ yếu nằm trên địa bàn 2 huyện Na Hang, Lâm Bình. Trong đó, riêng Na Hang có khoảng 1.400ha, tập trung tại một số xã như Sơn Phú, Sinh Long, Hồng Thái, Thượng Nông…

Ngoài việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng chè đặc sản, Tuyên Quang luôn tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư xưởng chế biến, thu mua chè búp tươi cho người dân; triển khai, sử dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để phát triển, khuyến khích nâng cao hiệu quả từ sản xuất, chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm chè.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.