| Hotline: 0983.970.780

Vùng hoa màu, cây ăn quả ngập trong bùn, sản xuất gặp khó khăn

Thứ Sáu 13/09/2024 , 20:11 (GMT+7)

Sau lũ, hàng chục hécta rau màu, cây ăn trái của huyện Bảo Thắng (Lào Cai) chìm dưới bùn đất. Việc khôi phục sản xuất của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn.

Nông dân 'khóc dòng' vì bùn đất lấp ruộng vườn sau lũ. Ảnh: H.Đ.

Nông dân "khóc dòng" vì bùn đất lấp ruộng vườn sau lũ. Ảnh: H.Đ.

Tại thôn Quyết Tâm của xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), từ nhiều năm nay, người dân đã canh tác hàng chục ha rau màu, cây ăn trái trong vườn nhà và ngoài đất bãi ven sông Hồng. Tuy nhiên, do lũ sông Hồng cùng với hoàn lưu bão số 3, toàn bộ diện tích canh tác này bị ngập nước. Sau lũ, nước sông Hồng gần trở lại mức bình thường, tuy nhiên để lại là lớp bùn đất, có nơi dày tới 1,5m.

Chỉ có thể nhận ra các cây na, bưởi, ngô, lúa... được người dân trồng nhờ phần lấp ló, nổi lên trên mặt bùn. Ông Bùi Đức Mạnh - thôn Quyết Tâm, xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) có 280 cây na trên 7 năm tuổi và 80 cây na khác trên 4 năm bắt đầu được thu hoạch. Hàng năm, ngoài diện tích hoa màu thì na là nguồn thu chính, gần 100 triệu đồng, giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định.

"Thiên tai không may xảy ra nên toàn bộ số na trong vườn đều chết sạch. Đặc tính của cây na, chỉ cần gốc ngập bùn khoảng 30cm đã không thể cứu được. Đằng này, bùn ngập gần tận ngọn. Để khôi phục sản xuất, gia đình tôi dự định thuê máy về san gạt rồi trồng lại", ông Bùi Đức Mạnh xót xa khi không nhận ra vườn na trĩu quả ngày nào.

Na của người dân xã Thái Niên ngập trong bùn cả mét. Ảnh: H.Đ.

Na của người dân xã Thái Niên ngập trong bùn cả mét. Ảnh: H.Đ.

Cũng như nhiều hộ dân khác xung quanh, lũ bùn, ngập úng đã phá hủy toàn bộ diện tích cây ăn trái, hoa màu. Với lượng bùn đất lớn trong vườn, ngoài bãi thì ngay cả việc sử dụng máy xúc để dọn dẹp, người dân ở đây sẽ phải mất nhiều tuần lễ mới có thể canh tác trở lại. Tuy nhiên, điều chắc chắn, sau khi trồng mới thì phải một vài năm nữa các cây này mới cho trái. Chưa biết, những tháng ngày tới đây, nông dân sẽ duy trì cuộc sống như thế nào?

4 sào cà chua, quả to bằng ngón tay, 6 sào bắp cải bắt đầu vào khuôn, 5 sào ngô... của ông Đỗ Hồng Chuyên bị xóa sổ sau lũ. Số hoa màu này giúp cho gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, nên xây được nhà, mua sắm vật dụng gia đình. Ông Chuyên lội ra cánh đồng bùn, ngập đến đầu gối để vớt vát lại mấy cây xào tre, nứa... dự kiến sẽ sử dụng khi trồng lại số rau màu này.

Nhiều diện tích ngô bị bùn đất vùi lấp sau lũ bão. Ảnh: H.Đ.

Nhiều diện tích ngô bị bùn đất vùi lấp sau lũ bão. Ảnh: H.Đ.

"Tự mình phải khắc phục thôi, nhưng vẫn mong được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cho bà con bớt khó khăn. Trước mắt thì trồng lại dần dần, may ra từ giờ đến cuối năm làm mới xong. Coi như vụ này mất trắng", ông Đỗ Hồng Chuyên nói.

Vườn, đất bãi trước của nhà bà Trần Thị Bình đều sử dụng để trồng mùng tơi, rau cải, rau ngót... Song sau lũ, hiện ra trước mắt chỉ còn là bãi bùn đất, không còn dấu vết những nơi này từng được canh tác.

Bà Bình chia sẻ, tôi tự tay trồng từng cây rau, mà lũ lấy đi toàn bộ công sức, nhìn xót xa cũng chỉ biết tự an ủi.

Cùng với khôi phục sản xuất, thôn Quyết Tâm vận động bà con dọn dẹp nhà cửa, phun khử độc tiêu trùng, dọn bùn đất bồi lấp trên đường để đảm bảo giao thông...

Người nông dân đứng trên lớp bùn đất cao gần bằng ngọn cây na. Ảnh: H.Đ.

Người nông dân đứng trên lớp bùn đất cao gần bằng ngọn cây na. Ảnh: H.Đ.

Ông Phạm Văn Xuân, Trưởng thôn Quyết Tâm cho hay, cơn bão số 3 vừa qua được dự báo từ trước. Và được sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, UBND xã cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương ứng phó với cơn bão nên không thiệt hại về người. Song tài sản, hoa màu của nhân dân bị thiệt hại nặng. Trong 50 hộ bị ngập nước thì có 12 hộ bị ngập sâu từ 2m trở lên, 8 hộ bị ngập sâu từ 1,3-2m, số còn lại ngập khoảng 50 phân. 3 xe máy phục vụ công tác cứu hộ, 3 máy xới đất bị chìm trong nước. Hoa màu của người dân trong thôn bị thiệt hại nặng gồm 7ha ngô, 4ha na, 2ha táo, 14ha lúa bị vùi lấp, mất trắng và một số ha rau màu các loại...

Khó khăn hiện nay là sau khi bị ngập, lũ khiến phù sa, bùn đất đổ vào ruộng vườn của người dân, nơi ít cũng dày tới 30-40cm. Do đó, để tái tạo diện tích rau màu tại vị trí đã trồng trước lũ thì cũng phải mất 1-2 tháng.

Theo ông Đỗ Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), cơn bão số 3 trên địa bàn xã gây thiệt hại trên 67ha rau màu, cây ăn trái, trên 7ha ao cá... Đây là diện tích trồng rau cung cấp cho huyện, tỉnh. Xã Thái Niên đã rà soát diện tích có thể canh tác lại ngay. Và Huyện ủy, UBND huyện Bảo Thắng rất quan tâm trong việc tái sản xuất vùng rau. Chiều nay, đoàn công tác của huyện trực tiếp về kiểm tra và hỗ trợ người dân các thôn phục hồi, tái tạo trồng mới lại các vùng rau, đảm bảo cung cấp ra thị trường huyện và thành phố Lào Cai.

Trước mắt, UBND xã khảo sát vị trí trồng ngô, phù sa bồi lấp ít, chỉ đạo người dân gieo sớm để cho thu hoạch sớm.

Theo UBND huyện Bảo Thắng (Lào Cai), mưa lũ đã làm 781ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện bị ngập nước, gồm 415,5ha lúa, 227,5ha ngô, 54,5ha rau màu, 39ha thủy sản, 30ha cây ăn quả, 14,5ha chuối... Đặc biệt, mưa lũ song huyện này không có thiệt hại về người.

Thường trực Huyện ủy Bảo Thắng (Lào Cai) đã thống nhất dành kinh phí từ "quỹ xây dựng nông thôn mới" và huy động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất rau an toàn tại vùng rau trọng điểm của huyện. Trước mắt, với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha để người dân mua giống rau, vật tư phục vụ sản xuất. Trong đó, đợt đầu huyện đã trao 110 triệu đồng cho 2 xã Gia Phú và Thái niên.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.