| Hotline: 0983.970.780

Yên Bái phục tráng cây ăn quả đặc sản

Thứ Hai 05/01/2009 , 10:00 (GMT+7)

Theo số liệu thống kê, đến nay toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 9.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó hơn 7.500 ha đang cho thu hoạch.

Quýt Sen Văn Chấn-Yên Bái
Theo số liệu thống kê, đến nay toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 9.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó hơn 7.500 ha đang cho thu hoạch với sản lượng hàng năm đạt trên 31.000 tấn đưa lại nguồn thu trên 150 tỷ đồng.

Tuy là một tỉnh miền núi nhưng Yên Bái có điều kiện khí hậu thời tiết, thổ nhưỡng đất đai phù hợp với việc phát triển nhiều loại cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới nhưng trong nhiều năm qua công tác chọn giống, phục tráng, bảo tồn và phát triển chưa được chú trọng nên nhiều giống cây ăn quả quí đang ngày càng bị mai một, thoái hóa về nguồn gen, giảm sút về diện tích, sản lượng và chất lượng. Đáp ứng nhu cầu về nguồn giống tốt, chất lượng cao, sạch bệnh của một số giống cây ăn quả đặc sản của nông dân để mở rộng diện tích đến năm 2010 toàn tỉnh sẽ có 10.000 ha cây ăn quả các loại, ngành nông nghiệp Yên Bái đang tập trung toàn lực vào công tác phục tráng, bảo tồn và nhân nhanh các giống cây ăn quả đặc sản của địa phương.

Nguyên tắc đề ra là bảo tồn, phục tráng tại nơi nguyên sản. Nhiều giống cây ăn quả bản địa quí của Yên Bái đã được phục tráng, nhân giống cung cấp cho bà con nông dân và các địa phương trong tỉnh trồng theo từng vùng sinh thái khác nhau như: hồng không hạt ở xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên; bưởi đặc sản Đại Minh ở làng Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình; các giống cam sành, cam sen tại 2 huyện Văn Chấn, Lục Yên và các giống xoài, nhãn, vải, chanh tứ thời… ở các xã Minh Xuân (Lục Yên), Văn Tiến (Trấn Yên), Tân Thịnh, Minh Bảo (TP. Yên Bái) v.v…

Nói về giống hồng không hạt Lục Yên, TS. Đỗ Đình Ca, trưởng bộ môn Sinh học, Viện Nghiên cứu Rau quả, đơn vị đang có nhiều công trình hợp tác nghiên cứu về cây ăn quả của Yên Bái nói chung, cây hồng nói riêng cho biết: Hồng không hạt Lục Yên là giống hồng ngon, dễ trồng, chỉ cần bấng rễ vào mùa xuân rồi ươm cho ra rễ, nẩy lộc, đem trồng xuống đất là cây lên xanh tốt, cho quả sau 5-6 năm và có thể thu hoạch liên tục tới vài chục năm nếu được chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tốt. Đây là cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao nên có đến gần nghìn hộ ở xã Vĩnh Lạc trồng hồng, người ít dăm bảy cây, nhà nhiều tới vài trăm cây, nhiều nhà còn tranh thủ nhân giống để bán.

Năm 1996 là thời điểm cây hồng ở Vĩnh Lạc phát triển mạnh nhất, tới trên 160 ha. Vào năm được mùa, mỗi cây cho tới trên 4 tạ quả, toàn xã đạt sản lượng hơn 160 tấn, có nhà thu lãi 40-50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên trong những năm gần đây tình trạng hồng không hạt Lục Yên có dấu hiệu suy thoái, sinh trưởng kém, năng suất giảm do không được đầu tư chăm sóc và phát sinh nhiều đối tượng sâu bệnh lạ gây hại dẫn đến rụng quả hàng loạt do đó diện tích đang bị giảm dần, hiện chỉ còn khoảng 100 ha. Viện đang phối hợp với ngành nông nghiệp Yên Bái tập trung nghiên cứu, tìm ra những giải pháp thâm canh, phòng trừ sâu bệnh tốt nhất để “giải cứu” cho giống hồng quí nhằm tiến tới bảo tồn và nhân rộng.

Ngoài ra, Viện cũng sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT Yên Bái tiến hành điều tra, khảo sát, tuyển chọn các cây đầu dòng của giống quýt ngon nổi tiếng Văn Chấn, bưởi đường Khả Lĩnh, Đại Minh; cam sành, cam sen Lục Yên, Văn Chấn; nhãn vải vùng phía bắc huyện Văn Yên và vùng trong của huyện Yên Chấn để bảo tồn, nhân rộng phục vụ cho chương trình phát triển cây ăn quả đặc sản của Yên Bái trong thời gian tới.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 2] Hỗ trợ tái đàn lợn sau dịch

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ người dân nhanh chóng tái đàn, sớm vực dậy ngành chăn nuôi vốn khánh kiệt khi dịch bệnh càn quét nhiều tháng qua.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.