| Hotline: 0983.970.780

Vườn quốc gia Bù Gia Mập sẽ là Khu dự trữ sinh quyển thứ 12 của Việt Nam

Thứ Ba 12/09/2023 , 12:17 (GMT+7)

Đây là khu rừng có diện tích lớn thứ 2 ở khu vực Đông Nam bộ, với quần thể sinh vật đa dạng, nhiều loài động, thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập đang từng bước hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, tức Khu dự trữ sinh quyển thứ 12 của Việt Nam.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập có diện tích gần 26.000ha, trong đó 99% diện tích là rừng tự nhiên. Vườn có 3 phân khu gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn với diện tích 15.000ha, phân khu phục hồi sinh thái hơn 8.000ha, còn lại là khu hành chính. Ngoài ra, Vườn còn có hơn 18.000ha vùng đệm. Hiện nay, Vườn quốc gia Bù Gia Mập là khu rừng có diện tích liền vùng, liền khoảnh lớn nhất của tỉnh Bình Phước và thứ 2 ở khu vực Đông Nam bộ, sau Vườn quốc gia Cát Tiên.

Đường QL14C xuyên qua Vườn quốc gia Bù Gia Mập sang tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hồng Thủy.

Đường QL14C xuyên qua Vườn quốc gia Bù Gia Mập sang tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo Giám đốc Vương Đức Hòa, Vườn quốc gia Bù Gia Mập có giá trị đa dạng sinh học rất cao và phong phú, với nhiều sinh cảnh rừng khác nhau như rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới. Kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học gần đây nhất đã ghi nhận 1.114 loài thực vật thuộc 480 chi và 126 họ. Trong đó có 88 loài nguy cấp quý hiếm, 11 loài nằm trong Sách đỏ thế giới (IUCN năm 2020), 14 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 76 loài được ghi trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ và 5 loài ghi trong danh lục CITES năm 2019.

Về động vật, tại Vườn đã ghi nhận có 835 loài, trong đó có 106 loài thú, 248 loài chim, 59 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư, 342 loài côn trùng và 49 loài cá. Trong 835 loài động vật được ghi nhận tại Vườn thì có 106 loài động vật nguy cấp quý hiếm, trong đó có 9 loài được ghi trong Sách đỏ thế giới (IUCN năm 2020); 15 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, 84 loài được ghi trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ và 40 loài được ghi trong danh lục của CITES năm 2019. Ngoài ra, còn có rất nhiều loài sinh vật khác chưa được nghiên cứu thống kê cụ thể.

Bên trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập có những con suối, thác nước đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Hồng Thủy. 

Bên trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập có những con suối, thác nước đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Hồng Thủy. 

Do khu rừng có nhiều loài động vật quý hiếm, nên công tác bảo vệ, chống săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã của tập thể cán bộ, nhân viên, kiểm lâm Vườn vô cùng gian nan. “Hàng năm, Vườn phối hợp với chính quyền 3 xã vùng đệm triển khai quyết liệt, liên tục trong công tác ngăn chặn các hành vi vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã đến người dân. Đến nay, chúng tôi đã xây dựng thành công mạng lưới quần chúng tham gia báo tin cho lực lượng kiểm lâm để triệt phá, tháo gỡ hàng vạn loại bẫy lớn nhỏ, xử lý hàng trăm đối tượng vi phạm, tịch thu và bàn giao gần 20 khẩu súng các loại cho cơ quan chức năng xử lý.

Năm 2016, Vườn quốc gia Bù Gia Mập chính thức thành lập Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật. Nhiệm vụ của Trung tâm là tiếp nhận, cứu hộ và tái thả các loài động vật hoang dã do các ngành chức năng chuyển đến. Ngoài ra, Trung tâm còn nuôi dưỡng, bảo tồn nguồn gen của một số loài động vật hoang dã thông thường nhằm nhân rộng mô hình nhân nuôi động vật rừng để phát triển kinh tế, giảm nạn săn bắn trái phép động vật hoang dã.

Sóc đen lớn, một trong 835 loài động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Phan Văn Biên.

Sóc đen lớn, một trong 835 loài động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Phan Văn Biên.

“Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của Vườn đã tiếp nhận, cứu hộ và tái thả 323 cá thể động vật hoang dã thuộc 30 loài khác nhau. Trong đó có nhiều loài nguy cấp như vượn đen má vàng, vọoc chà vá chân đen, culi nhỏ, rái cá, cầy mực… Số động vật này được tiếp nhận từ nhiều tỉnh ở khu vực miền Đông, Tây Nguyên...”, anh Khương Hữu Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm cứu hộ Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết.

Năm 2022, lãnh đạo tỉnh Bình Phước và đoàn chuyên gia của Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam, Vụ Đối ngoại Văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao đã có buổi làm việc để đánh giá sơ bộ khả năng đáp ứng các tiêu chí đề cử di sản thiên nhiên cấp quốc gia Vườn quốc gia Bù Gia Mập là khu Vườn di sản ASEAN (AHP) và Khu dự trữ sinh quyển thế giới tỉnh Bình Phước.

Tại cuộc họp, đoàn công tác nhận định việc đề nghị công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới tỉnh Bình Phước với Vườn quốc gia Bù Gia Mập là khả thi. Đồng thời, đề nghị các Sở, ban, ngành của tỉnh cung cấp chính xác các thông tin và nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.