| Hotline: 0983.970.780

Giữa cánh rừng vàng

'Viên kim cương xanh' Đông Nam bộ

Thứ Tư 03/05/2023 , 13:15 (GMT+7)

Không chỉ có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại động, thực vật quý hiếm, đây còn là khu rừng có nhiều 'tuyệt sắc cảnh quan thiên nhiên' làm mê đắm lòng người.

Cây bằng lăng di sản trong Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Kiều Tháp.

Cây bằng lăng di sản trong Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Kiều Tháp.

Trong một tương lai không xa, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập sẽ là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 12 của Việt Nam, và thứ 3 ở khu vực Đông Nam bộ.

Tuyệt tác thiên nhiên giữa rừng già

Bài liên quan

Một ngày nắng gắt giữa tháng 4, chúng tôi đến Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, để chiêm ngưỡng khu rừng “tuyệt tác thiên nhiên” quý giá còn lại của tỉnh Bình Phước được thiên nhiên ban tặng.

Do dọc đường đi gặp chút trục trặc, nên quá trưa chúng tôi mới có mặt tại trụ sở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Tại đây, chàng trai trẻ Lê Duy Thắng, cán bộ Phòng Kỹ thuật của Vườn đã chờ sẵn, anh chào khách bằng nụ cười tươi và cho biết: “Giám đốc hôm nay đi công tác, chắc các anh biết rồi, em được phân công đón và đưa các anh vào rừng”.

Sau khi nghe tôi nói mục đích chuyến đi, Thắng cười: “Vườn chỗ nào cũng có cảnh đẹp như phim Hollywood, nhưng nếu 1 - 2 ngày thì chỉ cưỡi “ngựa xem hoa” thôi”, ngừng giây lát suy nghĩ, Thắng đề nghị: “Trước mắt mình đi theo 2 tuyến đường chính của Vườn, đó là đường QL14C xuyên rừng và đường tuần tra nội bộ chạy dọc sông Đắk Huýt, trên đường đi có rất nhiều cảnh đẹp, cây, suối, thác. 2 tuyến đường này hình vòng cung và điểm giao nhau là ranh giới giữa Bình Phước, Đắk Nông và nước bạn Campuchia. Tụi em gọi vui khu vực này là ngã 3 biên giới”.

Ngay khi thống nhất lộ trình, chúng tôi lên 2 chiếc xe máy khởi hành vào rừng.

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập nằm ở điểm cuối dãy Trường Sơn Nam, trên địa phận hành chính huyện Bù Gia Mập, đây là cánh rừng nguyên sinh liền khoảnh lớn nhất của tỉnh Bình Phước với diện tích gần 26.000ha, độ che phủ trên 90%, phần lớn là rừng tự nhiên với hai kiểu rừng chính - rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới và rừng kín nửa thường xanh ẩm nhiệt đới.

Hai kiểu rừng này tạo nên tính đa dạng của các loài thực vật, từ đó tạo sinh cảnh thuận lợi cho nhiều loài động vật phát triển.

QL14C xuyên rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Phúc Lập.

QL14C xuyên rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Phúc Lập.

Mặc dù địa giới liền kề Đắk Nông, 1 tỉnh Tây Nguyên, nhưng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập không thuộc Tây Nguyên. “Địa giới Vườn Quốc gia Bù Gia Mập nếu thuộc khu vực Tây Nguyên có vẻ hợp lý hơn nhỉ?”, tôi thắc mắc. Thắng nói: “Đúng là nó “liền thổ” với Đắk Nông, nhưng không thuộc dãy Trường Sơn, đỉnh núi cao nhất nằm sát Đắk Nông chỉ 738m so với mực nước biển. Tức không thuộc địa hình Tây Nguyên là độ cao từ 1.000m trở lên. Nếu anh để ý sẽ thấy sự khác biệt rất rõ ràng về thời tiết, khí hậu. Sự khác nhau về thổ nhưỡng, thời tiết cũng tạo ra một khu rừng có hệ sinh thái mang những đặc trưng riêng của khu vực Đông Nam bộ, đặc tính sinh học khác hẳn với rừng khu vực Tây Nguyên”.

Khu vực ngã 3 biên giới, giáp ranh Bình Phước, Đắk Nông và đường biên giới với nước bạn Campuchia. Ảnh: Phúc Lập.

Khu vực ngã 3 biên giới, giáp ranh Bình Phước, Đắk Nông và đường biên giới với nước bạn Campuchia. Ảnh: Phúc Lập.

Sau chừng 15 phút chạy xe từ trụ sở Vườn Quốc gia, chúng tôi bắt đầu tiến vào rừng trên đường QL14C. Ngay đầu đường chuẩn bị vào rừng, có một chốt kiểm lâm với barie, khách đi vào con đường này phải dừng xe khai báo lộ trình, mục đích đi. Do được cán bộ Vườn dẫn đường nên vừa nhìn thấy chúng tôi, chiếc barie đã được nâng lên.

Khi xe vừa qua chốt gác tiến vào con đường 2 bên là những vạt lồ ô che gần kín ánh nắng mặt trời, tôi chợt cảm thấy dễ chịu bởi làn không khí dịu mát. “Anh có ngửi thấy mùi gì không?”, Thắng quay lại hỏi tôi. “Mùi ẩm ướt, mùi cây, lá mục”, tôi đáp. Thắng cười, gật đầu.

2 tầng Thác Đắk bô trong lõi rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Phúc Lập.
2 tầng Thác Đắk bô trong lõi rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Phúc Lập.

2 tầng Thác Đắk bô trong lõi rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Phúc Lập.

Sau khoảng 2 giờ vừa rong ruổi bằng xe máy, vừa đi bộ, tôi ngỡ ngàng khi trước mắt hiện ra một khung cảnh thiên nhiên đẹp hút hồn. Đó là môt thác nước, có chiều rộng ước chừng 20m, cao chừng 15m. Do phần bờ đá tầng suối trên khá bằng nên làn nước đổ xuống hồ phía dưới cũng đều, nhìn như dải lụa trắng tinh khôi, hoặc cũng có thể giống đám mây trắng trên trời. Nước đổ xuống dưới, tạo ra một làn hơi nước bốc lên, rồi lan toả vào không trung, khiến vạt rừng nguyên sinh quanh thác cũng chìm trong làn khói sương mờ ảo.

“Đây là thác Đắk bô em nói với các anh đấy. Thác có 3 tầng, mỗi tầng có 1 bãi tắm rộng, đủ cho cảtrăm người tắm. Do chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng nên địa hình của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập bị chia cắt mạnh, tạo ra những đồi núi, thung lũng, đan xen với khoảng 20 con suối lớn nhỏ và nhữngthác nước rất đẹp như thác Đắk Mai, Đắk Bô, Đắk Ca, Đắk Rốt, Lưu Ly, Đắk Sam... tổng thể cảnh quan của Vườn vô cùng đa dạng. Những nơi này, ai đã đến một lần, rất khó quên”, Thắng nói.

Giếng Trời, một trong những 'tuyệt tác cảnh quan' ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ành: Kiều Tháp.

Giếng Trời, một trong những "tuyệt tác cảnh quan" ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ành: Kiều Tháp.

“Rừng của mỗi vùng miền có đặc trưng riêng. Ví dụ ở miền Tây là rừng ngập mặn, không thể có những loài cây, con đặc trưng của miền cao nguyên, hay rừng ở Cát Bà, Hải Phòng, là rừng núi đá vôi, không có bò tót, voi, nhưng có những loài đặc trưng như voọc đầu trắng, sóc đen, sơn dương, khỉ lông vàng. Còn ở đây lại có những loại đặc hữu nơi khác không có, như gấu chó, báo gấm, báo hoa mai, sói lửa, bò tót, gà tiền mặt đỏ, voi. Ngoài ra, ở đây còn có những loài thuộc bộ linh trưởng như khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, khỉ mặt đỏ. Trong đó có những loài đặc hữu Đông Dương như vượn đen má vàng, voọc chà vá chân đen, culi lớn, cui li nhỏ…Hệ thực vật cũng thế, tuỳ vùng mà có những loài không giống nhau”, Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa.

Nơi bảo tồn nguồn gen động, thực vật tầm cỡ quốc tế

Kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học gần nhất tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho thấy, đây là nơi có hệsinh thái đặc hữu với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Chim Hồng hoàng, loài chim mỏ sừng, được mệnh danh 'Phượng hoàng đất', một trong những loài chim quý hiếm ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có tên trong Sách Đỏ IUCN và Sách Đỏ Việt Nam. Ảnh: Kiều Tháp.

Chim Hồng hoàng, loài chim mỏ sừng, được mệnh danh "Phượng hoàng đất", một trong những loài chim quý hiếm ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có tên trong Sách Đỏ IUCN và Sách Đỏ Việt Nam. Ảnh: Kiều Tháp.

Về hệ thực vật, Vườn Quốc gia có 1.114 loài thuộc 480 chi và 126 họ, với nhiều cây thuộc họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, trầm hương, kim giao. Trong đó có 88 loài nguy cấp quý hiếm, 11 loài nằm trong Sách Đỏ thế giới (IUCN năm 2020), 14 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007), 76 loài được ghi trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, có 5 loài được ghi trong Công ước Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES)…cùng với 278 giống cây dùng làm thuốc.

Về hệ động vật tại Vườn, có 835 loài, gồm 106 loài thú, 248 loài chim, 59 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư, 342 loài côn trùng và 49 loài cá. Có 106 loài nguy cấp quý hiếm, 9 loài trong Sách Đỏ thế giới (IUCN năm 2020), 15 loài trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, 84 loài được ghi trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và 40 loài được ghi trong danh lục của CITES năm 2019.

Voọc Chà và chân đen cũng là một trong những loài thú quý hiếm có mặt tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Văn Biên.

Voọc Chà và chân đen cũng là một trong những loài thú quý hiếm có mặt tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Văn Biên.

Không chỉ có hệ sinh thái đa dạng, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập còn là nơi bảo tồn chuẩn hệ sinh thái, các nguồn gen quý hiếm của hệ động - thực vật đặc hữu phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái, không chỉ trong nước mà mang tầm quốc tế.

“So với những khu rừng “hàng xóm” như Đồng Nai hay Đắk Nông, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có… đẹp hơn không?”, tôi hỏi giám đốc Hòa. Anh cười: “Không nên so sánh thế. Giờ tôi bảo rừng ở đây đẹp nhất, mấy ông chủ rừng khác cũng bảo rừng chỗ họ đẹp hơn thì sao. Tôi nghĩ, tất cả những khu rừng nguyên sinh đều đẹp, mỗi cái có nét đẹp riêng của nó”.

Tại VQG Bù Gia Mập có 2 loài Culi là Culi lớn và Culi nhỏ. Trong ảnh là Culi nhỏ. Ảnh: Kiều Tháp.

Tại VQG Bù Gia Mập có 2 loài Culi là Culi lớn và Culi nhỏ. Trong ảnh là Culi nhỏ. Ảnh: Kiều Tháp.

Tại VQG Bù Gia Mập, có 2 cộng đồng dân cư bản địa sống lâu đời và đóng góp cho Vườn một nét văn hóa bản địa đặc trưng, đó là cộng đồng người S’Tiêng và M’Nông. “Hiện nay, loại hình du lịch sinh thái đang dần khởi sắc, ngoài việc có hệ sinh thái đặc trưng với cảnh quan đẹp, di tích lịch sử, thì cộng đồng cư dân bản địa góp 1 phần không nhỏ. Họ có những “đặc sản” ẩm thực truyền thống như rượu cần, canh thụt, canh bồi, cơm lam, bên cạnh đó là nét văn hóa bản địa đặc trưng như lễ hội cồng chiêng, các lễ cúng như cúng thần rừng, cơm mới… Nếu có sự đầu tư bài bản, thì đây là những yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch tìm đến Vườn. Ngoài giúp Vườn tăng thu nhập, còn có tính tuyên truyền, giáo dục cao”, ông Hòa nói.

Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, đàn bò tót trong Vườn phát triển khá tốt, ước có khoảng hơn chục đàn, mỗi đàn từ 10 - 15 con. Ảnh: Bẫy ảnh Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.

Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, đàn bò tót trong Vườn phát triển khá tốt, ước có khoảng hơn chục đàn, mỗi đàn từ 10 - 15 con. Ảnh: Bẫy ảnh Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập còn là nơi ghi dấu nhiều chứng tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là tuyến đường huyết mạch QL14C hay còn gọi ĐT741 dài hơn 20km nối Tây Nguyên với khu vực Đông Nam bộ. Ít ai để ý, mặc dù con đường uốn lượn trên địa hình đồi núi bị chia cắt bởi nhiều sông suối, nhưng toàn tuyến không có cây cầu nào. Đó là bởi vì làm đường có cầu, nếu lỡ bị địch phá, thì xây lại khó gấp vạn lần lấp một hố bom giữa đường. Không chỉ mất nhiều thời gian, mà còn không có nguyên vật liệu.

Khỉ mặt đỏ đang được cứ hộ tại Trung tâm cứu hộ Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Phúc Lập.

Khỉ mặt đỏ đang được cứ hộ tại Trung tâm cứu hộ Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Phúc Lập.

Ngoài tuyến đường QL14C, trong lõi Vườn Quốc gia Bù Gia Mập còn có một Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Đó là Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96. Cùng với Di tích Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98 tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, là 2 di tích thuộc mạng lưới di tích Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh.

Ông Vương Đức Hòa (ảnh), Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập: 'Với những gì đang có và được bảo vệ nghiêm ngặt, VQG Bù Gia Mập hiện đã được công nhận là khu du lịch sinh thái Quốc gia, đạt tiêu chí đề cử di sản thiên nhiên cấp quốc gia và khu Vườn di sản ASEAN (AHP). Đặc biệt, hiện tỉnh Bình Phước và Ủy ban nhà nước đang khảo sát lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Vườn Quốc gia Bù Gia Mập là Khu dự trữ sinh quyển thế giới tỉnh Bình Phướcvới vùng lõi là toàn bộ VQG hiện hữu, vùng đệm bao gồm huyện Bù Đốp, Lộc Ninh và 1 phần huyện Tuy Đức của Đắk Nông. Kết quả khảo sát ban đầu rất khả thi, trong số 7 tiêu chí xét đề nghị, hầu hết đạt kết quả tốt như vấn đề đa dạng sinh học vùng lõi, văn hóa bản địa, diện tích, bộ máy vận hành… riêng tiêu chí về thổ nhưỡng, địa chất thì chưa khảo sát được'.

Ông Vương Đức Hòa (ảnh), Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập: “Với những gì đang có và được bảo vệ nghiêm ngặt, VQG Bù Gia Mập hiện đã được công nhận là khu du lịch sinh thái Quốc gia, đạt tiêu chí đề cử di sản thiên nhiên cấp quốc gia và khu Vườn di sản ASEAN (AHP). Đặc biệt, hiện tỉnh Bình Phước và Ủy ban nhà nước đang khảo sát lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Vườn Quốc gia Bù Gia Mập là Khu dự trữ sinh quyển thế giới tỉnh Bình Phướcvới vùng lõi là toàn bộ VQG hiện hữu, vùng đệm bao gồm huyện Bù Đốp, Lộc Ninh và 1 phần huyện Tuy Đức của Đắk Nông. Kết quả khảo sát ban đầu rất khả thi, trong số 7 tiêu chí xét đề nghị, hầu hết đạt kết quả tốt như vấn đề đa dạng sinh học vùng lõi, văn hóa bản địa, diện tích, bộ máy vận hành… riêng tiêu chí về thổ nhưỡng, địa chất thì chưa khảo sát được”.

Họ đã bảo vệ “viên kim cương xanh” thế nào?

Có thể nói, việc bảo vệ rừng ở VQG Bù Gia Mập không thể hiệu quả hơn. Ông Hòa cho biết, toàn bộ các tuyến đường ra vào rừng, đã được “phong tỏa” nghiêm ngặt bởi các chốt, trạm bảo vệ của cộng đồng dân nhận khoán phối hợp với kiểm lâm Vườn. “Bất kể lúc nào, người “không phận sự” vào rừng, sẽ bị phát hiện ngay”, ông Hòa khẳng định.

Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt 'Điểm cuối Đường ống xăng dầu VK96' trong lõi rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Phúc Lập.

Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt "Điểm cuối Đường ống xăng dầu VK96" trong lõi rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Hòa cho biết, từ năm 2003 đến nay, Vườn đã thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng và các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn, các đồn Biên phòng, diện tích năm sau tăng hơn năm trước. “Năm 2003 diện tích giao khoán chỉ 2.600ha với 2 đơn vị tham gia, còn hiện nay, hơn 90% diện tích rừng đã giao cho 15 đơn vị nhận khoán với gần 600 hộ dân tham gia”, ông Hoà nói.

Tôi tìm hiểu được biết, mỗi hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng nhận được khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể nhằm tăng thu nhập cho các hộ tham gia nhận khoán, giảm áp lực vào rừng, nâng cao ý thức của các cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Anh Điểu Như (trái), người dân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng cùng anh Lê Duy Thắng đang trao đổi về công tác bảo vệ rừng. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Điểu Như (trái), người dân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng cùng anh Lê Duy Thắng đang trao đổi về công tác bảo vệ rừng. Ảnh: Phúc Lập.

Theo chân Thắng đến chốt giữ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, anh Điểu Như, 54 tuổi, đangtrực. Anh Điểu Như cho biết, nhóm cộng đồng thôn Bù Dốt có 32 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ 2.100ha rừng. “Anh tham gia nhận khoán từ khi nào?”, tôi hỏi. “Mới được 7 năm thôi”, anh đáp. “Thu nhập có khá không?”, tôi hỏi tiếp. “Còn tùy mình đi tuần nhiều hay ít. Như tôi mỗi quý làm từ 30 - 40 ngày. Mỗi ngày được 250 ngàn. Bình quân mỗi quý được khoảng 8 triệu đồng”, anh Điểu Như đáp.

Từ nhiều năm nay, việc bảo vệ VQG được làm khá tốt nhờ giao khoán cho dân. Ảnh: Phúc Lập.

Từ nhiều năm nay, việc bảo vệ VQG được làm khá tốt nhờ giao khoán cho dân. Ảnh: Phúc Lập.

Còn tại cộng đồng thôn Bù Rên, anh Điểu Thiên, 37 tuổi, Tổ trưởng tổ cộng đồng nhận khoán cho biết, tổ có 30 hộ, nhận khoán gần 1.800ha. “Tôi nhận khoán bảo vệ rừng được 10 năm rồi. Mỗi tháng làm từ 10 - 15 ngày, bình quân mỗi tháng cũng được 3 triệu đồng”. Tôi hỏi: “Thu nhập vậy có tốt không, có muốn làm không?”. Anh đáp: “Có chứ. Làm tốt mà. Vừa có tiền vừa được đi rừng. Chứ nếu không tham gia nhận khoán thì sao vào rừng được. Nhờ nhận giao khoán bảo vệ rừng mà kinh tế gia đình ổn định, không còn khó khăn như ngày xưa nữa”. Tôi hỏi tiếp: “Thế ngày xưa chưa nhận khoán bảo vệ thì có hay hay xâm hại rừng không?”. Lúc này, anh Điểu K’lớ, 40 tuổi, ngồi cạnh, đáp: “Không đâu, người ở đây ít phá rừng lắm, toàn người vùng khác đến phá thôi. Nhưng giờ không còn ai phá rừng nữa đâu”.

Nói về cộng đồng người M’nông, S’tiêng ở quanh Vườn Quốc gia, ông Điểu Mun (ảnh), năm nay 72 tuổi, nguyên Thượng tá công an về hưu, ở thôn Bù Nga, người có công lớn trong việc cảm hoá những lâm tặc ở địa phương, góp phần bảo vệ rừng, chia sẻ: 'người dân bản địa từ bao đời nay vẫnsống nhờ nương rẫy, nhưng họ rất có ý thức bảo vệ rừng. Khi săn bắn, hái lượm, họ chỉ lấy đủdùng, không chặt cây nhỏ, không bắn thú nhỏ, thú mang thai…Đặc biệt, không phải khu rừng nào họ cũng phát nương làm rẫy. Tại mỗi Bon (làng) đều có 1 khu rừng được đồng bào bảo vệ rất cẩn thận, đó là rừng thiêng, rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý. Nhờ vậy, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập hôm nay mới còn những khu rừng với nhiều loại gỗ quý như thế. Với người M’nông, S’tiêng chúng tôi, rừng không chỉ đơn thuần là cây cỏ, là động vật, mà còn là cội nguồn văn hoá, là nơi mình sinh ra và trở về'.

Nói về cộng đồng người M’nông, S’tiêng ở quanh Vườn Quốc gia, ông Điểu Mun (ảnh), năm nay 72 tuổi, nguyên Thượng tá công an về hưu, ở thôn Bù Nga, người có công lớn trong việc cảm hoá những lâm tặc ở địa phương, góp phần bảo vệ rừng, chia sẻ: “người dân bản địa từ bao đời nay vẫnsống nhờ nương rẫy, nhưng họ rất có ý thức bảo vệ rừng. Khi săn bắn, hái lượm, họ chỉ lấy đủdùng, không chặt cây nhỏ, không bắn thú nhỏ, thú mang thai…Đặc biệt, không phải khu rừng nào họ cũng phát nương làm rẫy. Tại mỗi Bon (làng) đều có 1 khu rừng được đồng bào bảo vệ rất cẩn thận, đó là rừng thiêng, rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý. Nhờ vậy, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập hôm nay mới còn những khu rừng với nhiều loại gỗ quý như thế. Với người M’nông, S’tiêng chúng tôi, rừng không chỉ đơn thuần là cây cỏ, là động vật, mà còn là cội nguồn văn hoá, là nơi mình sinh ra và trở về”.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.