| Hotline: 0983.970.780

Xã làm giàu từ ươm quế giống

Thứ Năm 13/01/2022 , 11:00 (GMT+7)

Với nhu cầu phát triển cây quế ở các tỉnh Miền núi phía Bắc ngày càng lớn, người dân ở xã Báo Đáp (Trấn Yên, Yên Bái) đã làm giàu nhờ ươm quế giống.

Với nhu cầu về giống cây lâm nghiệp tăng cao, đặc biệt là cây quế giống, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nông dân xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp ở chân ruộng cao, vườn tạp hiệu quả kinh tế thấp sang làm vườn ươm cây giống.

Vườn ươm quế giống tại xã Báo Đáp. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Vườn ươm quế giống tại xã Báo Đáp. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Ông Trần Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Báo Đáp cho biết: Nghề làm vườn ươm cây giống trên địa bàn xã bắt đầu từ năm 2008. Khi đó chỉ một vài hộ gia đình với quy mô nhỏ lẻ gieo ươm các loại cây như keo, mỡ, quế…

Từ năm 2015 - 2016 trở lại đây, do nhu cầu về cây quế giống tăng cao, nhiều hộ nhờ làm vườn ươm mà kinh tế trở nên khá giả, có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang. Từ đó, diện tích vườm ươm trên địa bàn xã mở rộng ra các thôn như Đồng Sâm, Đình Sây, Đồng Gianh, Đồng Ghềnh…

Đến năm 2021, trên địa bàn xã Báo Đáp có 1 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giống cây lâm nghiệp và 256 hộ gia đình có vườn ươm. Số lượng cây giống được gieo ươm khoảng 9,72 triệu cây, giá trung bình 900 - 1.000 đồng/cây.

Nghề ươm quế giống phát triển không chỉ giúp đời sống của người dân xã Báo Đáp được nâng cao, hàng năm còn góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động với mức thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Đóng bầu quế giống. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Đóng bầu quế giống. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Đến gia đình ông Trần Đức Vượng ở thôn Đồng Sâm, ông Vượng nói: "Thấy mọi người trong thôn làm có hiệu quả kinh tế cao, nhà tôi ở gần đường giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển, lại có sẵn mặt bằng là vườn rau, vợ chồng tôi đã bàn nhau mua nguyên vật liệu về làm vườn ươm cây giống".

Với hơn một sào ruộng làm vườn ươm, năm đầu tiên ông Vượng ươm được 20 vạn cây. Lúc đó với giá bán 1.400 đồng/cây, gia đình thu về 280 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí còn lãi 150 triệu đồng. Với diện tích này, trước đây để trồng rau ông Vượng chỉ thu về từ 15 - 20 triệu/năm, trừ chi phí phân bón, giống…thì chả còn đáng là bao. Thấy lợi cao, ông đã bàn với vợ mở rộng làm nốt diện tích đất còn lại. Đến nay, gia đình ông có khoảng 60 vạn cây giống đến tuổi xuất bán và đang mở rộng thêm một vườn ươm mới.

Ông Nguyễn Tiến Ngân tại thôn Đồng Ghềnh, xã Báo Đáp cho biết: Thấy mọi người làm có hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2019, ông vay Ngân hàng NN-PTNT 150 triệu đồng đầu tư làm vườn ươm và mua vật liệu để gieo ươm. Sau một năm chăm sóc, đến nay ông có hơn 40 vạn cây giống, với giá hiện tại 1.000 đồng/cây, gia đình ông thu về khoảng 400 triệu đồng.

Thấy hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông đã đầu tư thêm diện tích vườn ươm mới khoảng 30 vạn cây giống.

Anh Đặng Văn Hải chuẩn bị cây giống bán cho khách hàng. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Anh Đặng Văn Hải chuẩn bị cây giống bán cho khách hàng. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Gặp anh Đặng Văn Hải đang vận chuyển quế giống ra đường cho thương lái, anh Hải chia sẻ: Vốn là diện tích đất nông nghiệp nhưng xung quanh mọi người làm vườm ươm hết nên gia đình anh cũng làm theo.

Với 2 sào đất nông nghiệp, anh làm khoảng 40 vạn cây quế giống, với giá bán như hiện tại, anh cũng thu về khoảng 400 triệu đồng.

Do cây giống người dân xã Báo Đáp chất lượng tốt, khách hàng ở các địa phương như Lào Cai, Phú Thọ, Lai Châu…đến mua ngày một đông.

Nhờ những vườn ươm giống cây lâm nghiệp đời sống của người dân xã Báo Đáp được nâng cao. Dọc theo các tuyến đường làng, những ngôi nhà mái lá khi xưa đã được xây dựng khang trang, con đường làng nối liền các thôn đã được bê tông hóa, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.