| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững

Thứ Sáu 17/12/2021 , 07:16 (GMT+7)

Trong năm 2022, tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Nhiều kết quả nổi bật 

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bình Thuận, năm 2021 dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, song tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện Chương trình đạt được những kết quả nhất định.

Nông thôn mới ở Bình Thuận ngày càng khởi sắc, người dân phấn khởi. Ảnh: KS.

Nông thôn mới ở Bình Thuận ngày càng khởi sắc, người dân phấn khởi. Ảnh: KS.

Hệ thống dân vận trong tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tích cực, chủ động triển khai các nội dung phối hợp tham gia xây dựng NTM. Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Phong trào "Chung sức chung lòng xây dựng NTM" tiếp tục được triển khai thực hiện gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã từng bước được nâng cao theo hướng thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo ước tính đến cuối năm 2021, bình quân tiêu chí xã toàn tỉnh đạt 17,58 tiêu chí/xã, đạt 102,2% kế hoạch. Còn bình quân tiêu chí toàn huyện đạt 6 tiêu chí/huyện, đạt 100% kế hoạch. Bên cạnh đó có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn của toàn tỉnh là 69/93 xã, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân

Về định hướng xây dựng NTM trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận kiêm Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, cho biết, sẽ tiếp tục triển khai chương trình này gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Cùng với đó thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, NTM cấp thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; đồng thời xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Dự kiến kế hoạch năm 2022, lũy kế toàn tỉnh có 71 xã đạt chuẩn NTM (vượt 2 xã so với kế hoạch) và có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Tỉnh Bình Thuận xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững. Ảnh: KS.

Tỉnh Bình Thuận xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững. Ảnh: KS.

Tuy nhiên để Chương trình xây dựng NTM thực sự đi vào chiều sâu trong giai tới, ông Phước cho rằng vấn đề xuyên suốt và quan trọng là tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để chung tay xây dựng NTM. Cùng với đó phải tìm cách huy động mọi nguồn lực để triển khai chương trình, trong đó, việc phát huy nội lực trong chính người dân, địa phương là yếu tố then chốt dẫn tới thành công. Do đó đây cũng là nhiệm vụ, giải pháp triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn trong năm 2022. 

“Chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu kỹ đến các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là Chương trình “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”. Từ đó chúng tôi sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thật tốt thông qua chương trình, kế hoạch thật cụ thể, đề ra chỉ tiêu và mốc thời gian hoàn thành”, ông Phước chia sẻ.

Không chỉ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, tỉnh Bình Thuận cũng sẽ củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình các cấp theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ và hiệu quả. Cũng như nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ các bộ, công chức làm công tác xây dựng NTM, ưu tiên bố trí đủ người có tâm huyết, năng lực cho bộ máy tham mưu về NTM.

Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông minh, cơ giới hóa vào sản xuất; quan tâm các dự án liên kết hình sản xuất theo chuỗi giá trị, các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Huy động và phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng NTM. Tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng văn minh đô thị; mỗi xã, mỗi ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị có hoạt động cụ thể để hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng NTM.

Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện cần tiếp tục tăng cường giám sát và phản biện xã hội đối với các chương trình, dự án và các công việc liên quan đến tổ chức triển khai xây dựng NTM tại địa phương.

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.