| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng quy trình sản xuất trái vụ rau hữu cơ, VietGAP

Thứ Năm 07/03/2024 , 06:17 (GMT+7)

HÒA BÌNH Xã vùng cao Vân Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình) áp dụng quy trình sản xuất rau hữu cơ và VietGAP trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao.

Vừa qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hoà Bình xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ và rau VietGAP trái vụ (vụ hè thu) cho xã vùng cao huyện Tân Lạc.

TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh (người ngồi) kiểm tra mô hình sản xuất cải củ hữu cơ trái vụ ở xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc). Ảnh: Hải Tiến.

TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh (người ngồi) kiểm tra mô hình sản xuất cải củ hữu cơ trái vụ ở xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc). Ảnh: Hải Tiến.

Mô hình triển khai trên diện tích 3.500m2 tại cánh đồng xóm Chiềng, xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc). Trong đó có 1.000m2 rau sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 2.500m2 tiêu chuẩn VietGAP.

Sau gần 1 năm tổ chức thực nghiệm, các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xác định được 2 quy trình sản xuất cà chua và cải củ hữu cơ trái vụ (vụ hè thu) và 2 quy trình sản xuất cà chua, cải củ VietGAP trái vụ (vụ hè thu). Các sản phẩm sản xuất theo 4 quy trình này đã được cấp chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (TCVN 11041-2:2017) và thực hành nông nghiệp tốt lĩnh vực trồng trọt (VietGAP) theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11892-1:2017). Đồng thời xây dựng được 1 tổ hợp tác (10 thành viên) sản xuất rau hữu cơ và rau VietGAP trái vụ. Sản lượng dự kiến đạt 3,8 tấn cà chua hoặc cải củ hữu cơ/năm và 4,9 tấn cà chua, cải củ VietGAP/năm. 

Bước đầu, vụ hè thu 2023, Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP xóm Chiềng (trong mô hình) đã cung ứng ra thị trường được 5 tấn cà chua, 2,5 tấn cải bắp và 3 tấn cải củ, tổng giá trị đạt 85 triệu đồng, lợi nhuận 72,5 triệu đồng, tương đương giá trị thu nhập đạt gần 300 triệu đồng/ha canh tác/vụ (chưa tính phần hỗ trợ từ thực hiện mô hình).

Cà chua hữu cơ sản xuất trái vụ trong mô hình ở xã Vân Sơn. Ảnh: Hải Tiến.

Cà chua hữu cơ sản xuất trái vụ trong mô hình ở xã Vân Sơn. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Hà Công Quyền, Tổ trưởng Tổ sản xuất rau hữu cơ và rau VietGAP xóm Chiềng tham gia thực hiện mô hình phấn khởi cho hay, trên diện tích 0,1ha canh tác rau vụ hè thu (trái vụ) năm 2023, ông lãi được gần 40 triệu đồng từ trồng cà chua và cải củ đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Tham gia mô hình, ông Quyền được Sở Khoa học và Công nghệ Hoà Bình hỗ trợ toàn bộ chi phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ và được cán bộ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu, bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, người tiêu dùng chỉ cần mở điện thoại thông minh, quét mã QR trên tem nhãn gói rau quả là biết cà chua và cải củ của ông Quyền có đạt chuẩn hữu cơ không.

"Nếu không có những sự hỗ trợ nói trên, rau hữu cơ sẽ khó bán được giá cao và đạt lợi nhuận gấp bội so với sản phẩm ngoài thị trường vì mẫu mã rau hữu cơ không đẹp, sản xuất tốn nhiều công lao động, năng suất rau đạt không cao", ông Quyền nói.

Ruộng sản xuất cải bắp VietGAP. Ảnh: Hải Tiến.

Ruộng sản xuất cải bắp VietGAP. Ảnh: Hải Tiến.

TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Trưởng Bộ môn Phương pháp thí nghiệm và Thống kê sinh học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chịu trách nhiệm xây dựng các quy trình sản xuất trong mô hình cho biết, các xã vùng cao huyện Tân Lạc nói chung, xã Vân Sơn nói riêng có tiềm năng lớn cho sản xuất các loại rau đạt chuẩn hữu cơ hoặc VietGAP nhờ địa hình khu vực có rừng núi đan xen, khí hậu quanh năm mát mẻ, đất canh tác màu mỡ, quần thể sinh học rất đa dạng, phong phú, có nhiều thiên địch sâu bệnh.

Bên cạnh đó, người dân rất có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Điển hình như rất nhiều thôn, xóm ở các xã khu vực vùng cao huyện Tân Lạc đã đưa vào hương ước thôn/bản cấm sử dụng thuốc trừ cỏ trong canh tác các loại cây trồng nông, lâm nghiệp, hộ nào vi phạm sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng trở lên, người phát hiện hoặc tố giác người vi phạm cũng được thưởng khoảng 1 triệu đồng. Đây là những tiền đề thuận lợi để xây dựng thành công các quy trình kỹ thuật sản xuất rau trái vụ hữu cơ, VietGAP.

Cải củ VietGAP trong mô hình sản xuất trái vụ . Ảnh: Hải Tiến.

Cải củ VietGAP trong mô hình sản xuất trái vụ . Ảnh: Hải Tiến.

"Theo dõi mô hình thực nghiệm ở đây gần 1 năm, chưa thấy bọ phấn, bọ trĩ và tuyến trùng phát sinh gây hại cây cà chua trái vụ và các cây rau khác, các sâu bệnh hại khác như sương mai, phấn trắng, nhện đỏ... cũng khá ít nên cho phép phòng trừ hiệu quả bằng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và đấu tranh sinh học. Năm 2024 này, Bộ môn vẫn tiếp tục tổ chức thực nghiệm các quy trình đã được công nhận để làm căn cứ vững chắc nhân mô hình ra diện rộng", TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh khẳng định.    

Bà Hà Thị Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Sơn đánh giá, hiệu quả sản xuất rau trái vụ của các mô hình cao hơn rất nhiều so với các ruộng sản xuất bên ngoài. Vì vậy thời gian tới, Hội sẽ tuyên truyền các hộ dân trong xã tận dụng những diện tích còn khả năng khai thác (khoảng 10ha) và từng bước chuyển đổi gần 100ha rau cùng các cây màu giá trị sản xuất thấp sang trồng rau hàng hoá theo tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGAP để nâng cao thu nhập.

4 quy trình sản xuất rau hữu cơ và rau VietGAP trái vụ thành công ở xã Vân Sơn cũng đã được Sở NN-PTNT Hoà Bình công nhận tạm thời. Sở cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn của Sở tổ chức triển khai áp dụng vào thực tế sản xuất.

Xem thêm
Hỗ trợ 14 tỷ đồng các cơ sở chăn nuôi hàng hóa

YÊN BÁI Năm 2024, các ngành chức năng của Yên Bái đã thực hiện 2 đợt hỗ trợ với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng cho các cơ sở chăn nuôi hàng hóa.

Thanh Hóa phấn đấu thanh toán bệnh dại

Tỉnh Thanh hóa phấn đấu năm 2025 tiếp tục khống chế tốt bệnh dại và năm 2030 bước đầu thanh toán bệnh dại.

Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh

Với sự chủ động đổi mới tư duy, nông dân Quảng Ninh ngày càng tự tin làm chủ công nghệ để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.