Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức hội nghị triển khai thực hiện dự án "Phát triển vùng nuôi cá dìa (Siganus guttatus) thương phẩm theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu “Cá dìa Tam Giang” tại tỉnh Thừa Thiên - Huế”.
Dự án nhằm phát triển vùng nuôi thương phẩm cá dìa, tạo chuỗi liên kết từ cung ứng giống cá, thức ăn, hoá chất phục vụ nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng tiền đề hướng đến việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Cá dìa Tam Giang”, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cá dìa tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thừa Thiên - Huế có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kéo dài từ cửa sông Ô Lâu đến chân núi Vĩnh Phong với chiều dài khoảng 68km, nơi rộng nhất đến 10km, tạo nên một thuỷ vực có diện tích mặt nước rộng gần 22.000ha.
Với đặc điểm vị trí địa lý, tự nhiên rất thuận lợi cho nhiều loại thuỷ sinh vật phát triển, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã hình thành hệ sinh thái đầm phá nước lợ pha sông biển hết sức phong phú và đặc sắc.
Trong số các đối tượng cá đang được nuôi hiện nay thì cá dìa là đối tượng đặc hữu của vùng đầm phá tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao nhưng chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất lẫn tiêu thụ hiện nay chưa hình thành rõ rệt, chủ yếu được tiêu thụ qua thu mua nhỏ lẻ, qua nhiều khâu trung gian và chưa xây dựng được thương hiệu để người tiêu dùng có thể nhận diện.
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc xây dựng và áp dụng thành công mô hình sản xuất, tổ chức quản lý, phát triển và khai thác nhãn hiệu tập thể “Cá dìa Tam Giang” đóng vai trò rất lớn trong việc tạo ra sản phẩm đặc trưng và mang thương hiệu của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Việc xây dựng thương hiệu Cá dìa Tam Giang giúp tăng cường tính nhận diện cá dìa, là sản phẩm thuỷ sản đặc sản của vùng đầm phá, từ đó nâng cao giá trị và uy tín của nhãn hiệu tập thể “Cá dìa Tam Giang”.
Bà Nguyễn Thị Thuỳ Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên – Huế nêu rõ về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu “Cá dìa Tam Giang” đến với bà con nông dân.
Bà Giang nhấn mạnh, dự án thành công sẽ trở thành mô hình điểm để nhân rộng việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể thuỷ đặc sản theo Đề án Phát triển thuỷ đặc sản vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai của tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2021 - 2025.
Việc tổ chức quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm có giá trị kinh tế - xã hội cao có tác động trực tiếp đến thu nhập và cuộc sống của bộ phận dân cư, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai được xem là “vựa cá tôm” của Việt Nam. Phần lớn, các huyện, thị xã ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đều có vùng nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá này. Trong đó, huyện Phú Vang có diện tích nuôi lớn nhất, chiếm hơn 57%; huyện Phú Lộc chiếm hơn 21%; còn lại là Thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền và Quảng Điền.
Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế đó, những năm gần đây, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã có nhiều bước phát triển về nghề nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nuôi cá dìa là một trong những nghề thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân sống ven đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.