| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn để chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc

Thứ Sáu 29/11/2019 , 20:28 (GMT+7)

Tiêu thụ sữa tại Trung Quốc hiện xếp thứ 2 thế giới, với tổng giá trị 60 tỷ USD. Thế nhưng, nguồn cung nội địa mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại lễ ký thỏa thuận hợp tác “Xây dựng chuỗi sản xuất sữa và vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu, giai đoạn 2019 – 2022”. Ảnh: Lê Tấn.

Việc Nghị định thư về “Các yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc” được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký ngày 26/4/2019 có một ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành chăn nuôi của Việt Nam nói chung, đặc biệt là ngành nuôi bò sữa, sản xuất, chế biến sữa.

Điều này mang đến những vận hội mới cho các doanh nghiệp sản xuất sữa, chế biến các sản phẩm từ sữa trong nước có cơ hội để đưa các sản phẩm của mình tiếp cận thị trường tiêu thụ “khổng lồ” với dân số hơn 1,4 tỷ dân của Trung Quốc. 

Thị trường lớn đã rộng mở

Là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới với quy mô dân số chiếm hơn 18,4% dân số toàn thế giới, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng hóa đầy tiềm năng, là đích nhắm đến đối với bất kỳ quốc gia nào không chỉ riêng Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc luôn là thị trường lớn, rất quan trọng đối với việc tiêu thụ các sản phẩm nông thủy, hải sản của Việt Nam.

Đặc biệt với việc Trung Quốc chính thức mở cửa thị trường với sản phẩm sữa của Việt Nam thực sự là một bước ngoặt lớn đối với ngành nông nghiệp nước ta, cụ thể là các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, sản xuất, chế biến sữa.

Cần xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn để chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Ảnh: Lê Tấn.

Bởi mỗi năm, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ các sản phẩm sữa ước tính có giá trị lên đến 30 tỷ USD. Theo số liệu thống kê, năm 2018 quốc gia này đã phải nhập khẩu các sản phẩm sữa lên tới 10 tỷ USD.

Gần đây, phát biểu tại sự kiện lô sữa đầu tiên của Tập đoàn TH True Milk được xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường không giấu được niềm vui.

Ông cho rằng: “Đây chính là “trái ngọt” của ngành nông nghiệp Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là nghi thức xuất khẩu một lô hàng của một doanh nghiệp ra thị trường nước ngoài, mà là sự kiện hết sức quan trọng đánh dấu bước ngoặt của nền nông nghiệp Việt Nam”.

Trước đó, xác định Trung Quốc là một thị trường tiềm năng cho nông sản Việt Nam nói chung, trong đó có sản phẩm sữa, Bộ NN-PTNT cùng một số doanh nghiệp đã thành lập nhiều đoàn công tác sang Trung Quốc nhằm xúc tiến thương mại.

Tổng đàn bò sữa Việt Nam hiện vào khoảng 300.000 con. Ảnh: Lê Tấn.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, từ năm 2016, Cục Thú y đã phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị, cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc các tài liệu, chương trình, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc quản lý, kiểm tra, giám sát việc sản xuất sữa và sản phẩm sữa tại Việt Nam để phục vụ việc đánh giá, mở cửa thị trường sản phẩm sữa từ Việt Nam. 

Không còn dễ dãi

Cơ hội để đưa các mặt hàng sữa của Việt Nam vào thị trường có dân số chiếm gần 1/5 dân số thế giới đã mở ra. Trước đây, Trung Quốc là thị trường truyền thống, chủ yếu, dễ dãi của các mặt hàng nông sản Việt Nam, thậm chí là “bán gì cũng mua”.

Tuy nhiên, gần đây, Trung Quốc đã đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Theo đó, Trung Quốc thực hiện siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, đưa các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, phát biểu tại lễ ký thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Lê Tấn.

Cụ thể đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam, Hải quan Trung Quốc yêu cầu phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kiểm nghiệm liên quan theo Luật An toàn thực phẩm và Luật kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc; Nghị định thư giữa hai nước cũng như các quy định về giám sát, quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch...

Ngoài ra các cơ quan chức năng của trung Quốc cũng đưa ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp sữa của Việt Nam phải tiến hành các thủ tục đăng ký với Hải quan Trung Quốc và phải được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý của Việt Nam; phải thẩm định về kiểm dịch để được cấp Giấy phép kiểm dịch động thực vật của trong nước, sau đó mới có thể chính thức xuất khẩu được sữa sang thị trường Trung Quốc...

Thêm một khó khăn nữa là, các doanh nghiệp sữa Việt Nam phải cạnh tranh với hàng trăm thương hiệu sữa nổi tiếng của các quốc gia khác trên thế giới đang hiện diện Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc ngày càng yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn sữa và các sản phẩm từ sữa. Ảnh: Lê Tấn.
Hiện tại, ở Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người đạt 10.000 USD/năm; nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản lên tới 160 tỷ USD/năm, tập trung vào nhóm các sản phẩm rau quả tươi từ 9-10 tỷ USD, thủy sản và sản phẩm thủy sản 8-10 tỷ USD, thịt và sữa 9-10 tỷ USD và gạo 2-2,5 tỷ USD.
Theo dự báo của Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa của Trung Quốc tiếp sẽ tục tăng cao.
Đến năm 2025, dự kiến tăng trưởng nhập khẩu khoảng 45%. Đây rõ ràng là cơ hội lớn đối với ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam.


Đảm bảo đủ điều kiện an toàn để xuất khẩu

Để hiện thực hóa Nghị định thư, Bộ NN-PTNN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư hướng dẫn. Các cơ quan chức năng của Bộ đã chỉ đạo, phối hợp các địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện nghiêm theo các nội dung đã được ký kết.

Theo Nghị định thư, sữa Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc phải đến từ các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Đây là một thách thức không nhỏ vì gần 1/2 trong tổng đàn khoảng 300 nghìn con bò sữa của nước ta được nuôi ở quy mô nông hộ. Và các doanh nghiệp sữa đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Phát biểu tại Lễ ký thỏa thuận hợp tác “Xây dựng chuỗi sản xuất sữa và vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu, giai đoạn 2019 – 2022” vừa qua giữa Cục Thú y, Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La và Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, Thứ trưởng Bộ NN – PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo Cục Thú y tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo cũng như phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Đây vừa là để chủ động phòng chống dịch bệnh, vừa tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo các điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu.  

“Mặc dù ngành sữa của nước ta hiện nay là ngành đang đi tiên phong khi có trình độ công nghệ và trang thiết bị như các nước tiên tiến khác, với mức tăng trưởng liên tục nhiều năm (có năm tăng tới 21%, đạt 960 nghìn tấn sữa năm 2018); tuy nhiên, mục tiêu xây dựng thành công vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh rất quan trọng.

Bởi lẽ: Các sản phẩm sữa chỉ xuất khẩu được khi đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu theo quy định của Việt Nam, của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và yêu cầu của quốc gia nhập khẩu” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Xem thêm
Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...