| Hotline: 0983.970.780

Xây nhà máy không phép, bán chui nước cho hàng nghìn hộ dân

Thứ Hai 01/07/2024 , 06:15 (GMT+7)

Hàng loạt dấu hiệu vi phạm về xây dựng, tài chính… tại Nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch xã Thọ Ngọc cần được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Xây “chui” nhà máy nước

Công ty TNHH hai thành viên Thái Học được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án Nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch xã Thọ Ngọc theo Quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 9/1/2020.

Dự án có tổng vốn đầu tư 66 tỷ đồng; diện tích thực hiện dự án khoảng 2ha. Công suất thiết kế 5.000m3/ngày đêm. Dự án có mục tiêu cung cấp nước sạch cho 11 xã trên địa bàn huyện Triệu Sơn gồm xã Thọ Ngọc, Thọ Cường, Xuân Thọ, Thọ Tiến, Thọ Sơn, Bình Sơn, Hợp Lý, Hợp Tiến, Hợp Thành, Triệu Thành và Thọ Bình. Hiện nay, nhà máy nước cung cấp nước cho khoảng 1.000 hộ dân trên địa bàn các xã nói trên.

Theo quan sát của phóng viên, hiện nay dự án đã đi vào vận hành và cung cấp nước cho người dân. Hiện trạng công trình gồm các ao chứa, ao xử lý nước, hệ thống máy móc, đường ống phục vụ xử lý, cấp nước phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cơ bản đã hoàn thiện. 

Mặc dù nhà máy nước đã đi vào hoạt động, thế nhưng điều bất thường là, tháng 4 năm 2024, doanh nghiệp này mới gửi đơn xin thuê đất với diện tích gần 1,6ha để thực hiện dự án nêu trên. Tại thời điểm này, các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng để triển khai dự án vẫn chưa hoàn thiện. Cơ quan có thẩm quyền huyện Triệu Sơn cũng xác nhận, chưa cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp này.

Cổng Nhà máy sản xuất nước sạch xã Thọ Ngọc. Ảnh: An Nhiên.

Cổng Nhà máy sản xuất nước sạch xã Thọ Ngọc. Ảnh: An Nhiên.

Cũng liên quan tới những vi phạm về sử dụng đất của doanh nghiệp, ngày 20/4/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH hai thành viên Thái Học (thôn 3, xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn) số tiền 120 triệu đồng với hành vi chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa với diện tích gần 1,6ha tại khu vực nông thôn.

UBND huyện Triệu Sơn cũng buộc doanh nghiệp này phải lại số lợi bất hợp pháp số tiền hơn 7,1 triệu đồng từ hành vi nêu trên, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các hồ sơ thủ tục giao đất cho thuê đất theo quy định. 

Không xuất hóa đơn giá trị gia tăng

Theo tìm hiểu dự án nhà máy nước Thọ Ngọc xây dựng từ năm 2020, bắt đầu cấp nước vào tháng 8/2021. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, quá trình lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt (đồng hồ nước), doanh nghiệp đã thu mỗi người dân số tiền 3,5 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, khi thu tiền nước hằng tháng, doanh nghiệp không kèm theo hóa đơn giá trị gia tăng, thay vào đó nhân viên thu tiền chỉ giửi cho dân tờ "biên nhận thanh toán". 

Như vậy, ước tính với khoảng 1.000 khách hàng như hiện nay, mỗi khách hàng phải đóng 3,5 triệu đồng cho mỗi hợp đồng cung cấp nước, tổng số tiền mà doanh nghiệp thu về khoảng 3,5 tỷ đồng. Việc công ty này không thực hiện lập hóa đơn theo quy định đã đặt ra nghi vấn trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước. 

Thay vì xuất hóa đơn giá trị gia tăng, Công ty TNHH hai thành viên Thái Học chỉ làm biên nhận thanh toán và gửi cho các hộ dân để thu tiền nước. Ảnh: An Nhiên.

Thay vì xuất hóa đơn giá trị gia tăng, Công ty TNHH hai thành viên Thái Học chỉ làm biên nhận thanh toán và gửi cho các hộ dân để thu tiền nước. Ảnh: An Nhiên.

Chưa hết, mỗi tháng người dân phải thanh toán tiền nước theo đơn giá 9,5 nghìn đồng/m3 khối. Giá nước sinh hoạt được cho là cao hơn so với một số nhà máy khác với quy mô đầu tư tương đương (Công ty cấp nước Thanh Hóa và Công ty nước sạch Triệu Sơn hiện đang thu là 7,8 nghìn đồng/m3 nước sinh hoạt). Trong khi đó, theo Sở Tài chính Thanh Hóa, tính đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giá tiêu thụ nước sạch để làm căn cứ thu tiền của hộ dân, tổ chức sử dụng dịch vụ.

Ông L.T (thôn 6, xã Thọ Ngọc) cho biết: “Hằng tháng, nhân viên công ty nước đến đo đồng hồ và đưa giấy biên nhận thanh toán để người dân nộp tiền nước chứ họ không xuất hóa đơn. Về thủ tục, giấy tờ, chúng tôi không nắm rõ, chỉ thấy họ gửi phiếu thanh toán về thì dân nộp tiền. Riêng khoản tiền 3,5 triệu đồng lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt, công ty đưa cho người dân hợp đồng sử dụng nước và đề nghị chúng tôi ký vào chứ không có hóa đơn gì cả”.

Một số hộ dân khác cho biết, do giá nước cao, nên dù có lắp đặt đồng hồ và hệ thống sử dụng nước sạch nhưng người dân vẫn sử dụng nước máy (đã qua hệ thống lọc) để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. 

Trao đổi với phóng viên Báo NNVN, ông Nguyễn Văn Chiết - Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên Thái Học thừa nhận có việc không xuất hóa đơn nước hằng tháng cho dân và hóa đơn lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt (đồng hồ nước), nhưng khẳng định doanh nghiệp cáo thuế đầy đủ về việc này. Dù chủ doanh nghiệp luôn khẳng định chấp hành quy định về thuế, nhưng ông Chiết không xuất trình được các hồ sơ có liên quan.

Lý giải về giá nước sinh hoạt cao hơn so với mặt bằng chung nếu so sánh với một số đơn vị cấp nước khác, ông Chiết cho rằng: “Do người dân sử dụng ít, không bù đắp được khoản lỗ về điện và chi phí nhân công. Do vậy, tạm thời doanh nghiệp phải nâng giá thành lên (để bù lỗ)”. 

Không có mẫu xét nghiệm nước vẫn cấp cho dân

Theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt và quy chuẩn kỹ thuật địa phương (tỉnh Thanh Hóa), các đơn vị cấp nước phải thử nghiệm 3 năm 1 lần đối với tất cả 99 chỉ tiêu; các chỉ tiêu A là 1 lần/tháng và các chỉ tiêu B là 1 lần/6 tháng. Đây được xem là điều kiện quan trọng nhằm đảm bảo an toàn chất lượng nước trước khi cấp nước đến hộ dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2021 đến nay, Nhà máy xử lý nước sạch Thọ Ngọc đã cấp mẫu và thuê Công ty cổ phần công nghệ và kỹ thuật HATICO Việt Nam, Phòng thử nghiệm Vilas 1349 phân tích mẫu đối với 99 chỉ tiêu. Căn cứ phiếu kết quả thử nghiệm 99 chỉ tiêu theo Quy chuẩn Việt Nam và các phiếu kết quả xét nghiệm nước nhóm A định kỳ hằng tháng (tháng 1,2,3/2024) của Trung tâm kiểm nghiệm và tư vấn UDKH AVATEK (Công ty cổ phần khoa học công nghệ AVATEK cho thấy các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. 

Tại buổi làm việc với phóng viên, đại diện doanh nghiệp không cung cấp được bất cứ kết quả xét nghiệm mẫu nước đối với các chỉ tiêu A là 1 lần/tháng và các chỉ tiêu B là 1 lần/6 tháng trong các năm 2021, 2022 và 2023. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn tiến hành cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. 

Lý giải về việc này, ông Nguyễn Văn Chiết - Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên Thái Học cho biết: "Có thời điểm, doanh nghiệp đang lắp đặt đường ống, thau rửa đường ống và cấp cho người dân dùng thử (không kiểm nghiệm mẫu nước - PV). Tuy nhiên chất lượng nước qua kiểm tra của nhà máy vẫn đảm bảo". 

Ông Chiết cũng cho biết, sẽ cung cấp thêm hồ sơ các mẫu kiểm nghiệm nước định kỳ hằng tháng, 6 tháng của năm 2021, 2022 và 2023 sau khi kiểm tra hồ sơ tại cơ quan. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất