| Hotline: 0983.970.780

Xóm website

Thứ Ba 06/08/2013 , 09:48 (GMT+7)

Một làng quê thuần nông bỏ ra cả chục tỉ đồng xây nhà văn hóa và lập trang web riêng để cập nhật thông tin lớn, nhỏ trong làng, ngoài xã.

Một làng quê thuần nông của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định bỗng nổi như cồn, đi đâu người dân cũng bàn tán râm ran về chuyện một xóm bỏ ra gần chục tỉ đồng để xây nhà văn hóa. Sau đó, người dân còn lập hẳn một trang web chuyên để cập nhật thông tin lớn, nhỏ từ trong làng, ngoài xã.

Từ ý tưởng... viển vông

Từ thị trấn Yên Định của huyện Hải Hậu, theo con đường nhựa phẳng lì, chúng tôi tìm về nơi người dân trong vùng gọi với cái tên là lạ “xóm website”. Đó là vùng đất xóm 4 xã Hải Bắc (Hải Hậu). Biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về thông tin này, ông Lê Duy Dương, Phó Chủ tịch UBND xã, tươi cười: “Đúng đấy chú ạ, có thật đấy”.


Nhà văn hóa xóm 4 

Ông Đỗ Văn Quý, 73 tuổi, người được bà con trong xóm bầu làm bảo vệ nhà văn hóa, cho hay, ông đã gắn bó với mảnh đất này gần trọn cuộc đời, chuyện người dân gây dựng lên khu nhà văn hóa “khủng” như thế nào ông đều nắm rõ trong lòng bàn tay.

Đứng từ trên cây cầu Hải Bắc vắt ngang con kênh trồng đầy sen, súng, chúng tôi đã thấy mái của nhà văn hóa xóm 4 lấp ló. Lại gần, không tin nổi vào mắt mình, bởi tôi đi rất nhiều vùng quê nhưng chưa nơi nào có nhà văn hóa “khủng” như ở đây.

Trên khu đất rộng gần 1.000 m2, gian nhà chính của nhà văn hóa lấn át những ngôi nhà của người dân xung quanh. Mái của ngôi nhà toàn bộ được lợp bằng ngói “mũi hài”, một loại ngói rất phổ biến trong kiến trúc đình chùa thời xưa. Trên đỉnh mái, một đôi rồng làm bằng sứ đang nhe răng, múa vuốt nhìn nhau trong tư thế “song long tranh châu”.

Anh Phạm Văn Hào, Phó trưởng xóm, dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng khu nhà văn hóa. Anh Hào cho biết, cả thôn có 389 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, kinh tế của người dân chủ yếu vẫn phụ thuộc vào đồng ruộng.

 "Mảnh đất đang đứng đây trước là nhà văn hóa cũ, đã bị xuống cấp, bỏ hoang nên người dân đã nảy ra ý định xây dựng một nhà văn hóa mới”, anh Hào cho biết. Tuy nhiên, theo thiết kế ban đầu, nhà văn hóa mới chỉ rộng khoảng 200 - 300 m2.

Một hôm, ông Đỗ Ngọc Phương, một cán bộ hưu trí trong xóm (từng công tác tại Quảng Ninh) đưa ra ý tưởng xây dựng một nhà văn hóa thật hoành tráng. Khi ông Phương đưa ra ý tưởng, nhiều người cười và cho rằng viển vông, tiền đâu mà xây.

Nói là làm, ông Phương liền bỏ ra 3 tỉ đồng lấy vốn ban đầu làm quỹ xây dựng nhà văn hóa. Anh Hào bảo, cái giỏi của ông Phương còn nằm ở chỗ có khả năng đi vận động được rất nhiều người đóng góp vào quỹ.

Được báo tin, con em làm ăn xa của xóm, xã, rộng hơn là trong huyện, rồi cả tỉnh bạn cũng tham gia đóng góp. Từ thiết kế cấu trúc ngôi nhà đến thuê thợ đều do một tay ông Phương cáng đáng.

40 thợ lành nghề trong vùng được thuê về xây dựng khu nhà văn hóa “khủng”. Trong vòng hơn một năm, từ ngày 25/1/2010 đến 3/4/2011, khu nhà văn hóa đồ sộ mọc lên trước sự ngỡ ngàng của tất cả người dân trong vòng.

Theo thống kê của thôn, riêng ngôi nhà chính đã “ngốn” đến 5,4 tỉ đồng. “Nếu cộng cả số tiền xây dựng các khu nhà phụ, tiền mua sắm đồ đạc thì chắc phải mất gần chục tỉ”, anh Hào cho biết.


Tủ sách trong nhà văn hóa

Phóng viên xóm

Ngày nhà văn hóa khánh thành, cả xóm, cả làng vui như mở hội. Bạn bè người thân rủ nhau kéo về cả nghìn người, làm cơm rượu thết đãi nhau linh đình.

Lúc này, người con trai của ông Phương là anh Đỗ Ngọc Nam (đang công tác tại Quảng Ninh) bỗng nảy ra ý tưởng, sao không lập cho xóm mình một website. Sau một thời gian, website của xóm 4 chính thức đi vào hoạt động với địa chỉ www.xom4.vn.


“Phóng viên” xóm Đỗ Văn Trường 

Lại một lần nữa, dân xóm 4 khiến bao người ngỡ ngàng. Cũng từ đó, cái tên “xóm website” ra đời. Thật “choáng”, chỉ cần vào mạng và “gõ” địa chỉ xom4.vn, một website hoành tráng hiện ra, giao diện bắt mắt, thông tin cập nhật nhanh chóng.

Trên giao diện của trang điện tử có rất nhiều chuyên mục như: “Tin xóm”, “Hình ảnh”, “Lịch sử”, “Các dòng họ”, “Người xóm 4” và có cả mục “Cáo phó”.

Kích “chuột” vào mục “Tin xóm”, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự chuyên nghiệp, chi tiết đến khó tin. Từ những mẩu tin như: “Kéo co xóm 4”, “Thông báo hội xóm”, “Mời gặp mặt giỗ tổ chi họ Đỗ Phúc Mai” đến những tin có tiêu đề đầy tính chuyên nghiệp như: “Giải bóng bàn các cây vợt mạnh xóm 4 năm 2013”.

Mục “Cáo phó”, thông tin về nhân thân người quá cố cũng được cập nhật kịp thời giúp bà con, anh em xa quê biết tin chia buồn cùng gia quyến.

Nhiều tin, bài trên website đôi khi được kí bằng một bút danh nghe vô cùng dung dị, đậm chất làng quê: “phóng viên xóm”. Rất may mắn, chúng tôi đã có dịp được gặp mặt một “phóng viên xóm” kì cựu.

“Phóng viên xóm” Đỗ Văn Hiệu cho biết, khi website đi vào hoạt động, xóm bầu ra một nhóm những người chuyên trách cập nhập thông tin gọi là “tổ biên tập web”. Tổ này có 5 người gồm anh Hiệu, anh Cần, anh Nhã và hai phụ nữ phụ trách mảng văn, thơ.


Giao diện website của xóm 4 xã Hải Bắc

Với một chiếc máy ảnh kĩ thuật số loại nhỏ, một quyển sổ, một cây bút, những phóng viên này bủa đi… khắp xóm để lấy thông tin mặc dù chưa một ngày được học cách chụp ảnh hay viết tin, bài.

Từ chuyện ma chay, hiếu, hỉ, giỗ chạp cũng được các anh ghi lại chi tiết. Sau khi viết tin, bài xong, những “phóng viên xóm” này gửi qua thư điện tử cho anh Nam, người phụ trách biên tập và trực tiếp đẩy trên website. Anh Hiệu cho biết, với một sự kiện bình thường, diễn ra vào buổi sáng thì tầm chiều tối là có trên website.

"Với những sự kiện lớn như hội xóm, chúng tôi sẽ chụp ảnh, viết tin và anh Nam sẽ trực tiếp biên tập. Chỉ khoảng 2 tiếng sau là tin đã có trên trang web rồi”, anh Hiệu hồ hởi chia sẻ.

Ngoài các mục về tin tức, nhiều chuyện mục như: “Tùy bút”, “Trang thơ” cũng nhận được sự tham gia nhiệt tình của bà con trong xóm. Rất nhiều bài thơ khá hay, chân chất, chứa đựng tâm tư, nguyện vọng rất đỗi mộc mạc của người dân nơi đây. Nỗi nhớ làng của những “nhà thơ” Vương Đình Tứ thật giản dị:

“Ta đi ta nhớ quê nhà

Nhớ cầu Hải Bắc, nhớ chùa Anh Quang”

Hay, đó là những khúc reo ca rộn ràng của những người phụ nữ thôn quê:

“Chị em xóm 4 quê tôi

Hăng say sản xuất, yêu đời yêu quê

Giáo, lương đoàn kết mọi bề

Chung tay xây dựng thôn quê đẹp giàu”

Tâm và Đức

Ngoài gian nhà chính rộng 800 m2, rất nhiều công trình phụ trợ cũng được xây dựng phục vụ mục đích vui chơi, giải trí của người dân. Ông Lê Duy Dương bảo rằng, gọi đó là khu văn hóa liên hợp cũng được. Nhà văn hóa gần như mở cửa cả ngày nên lượng người vào tham quan, vui chơi rất đông.

Sáng sớm, các cụ già trong thôn xóm quây quần tập dưỡng sinh, trò chuyện bên ấm trà nóng. Chiều tối, thanh niên trẻ nhỏ kéo đến đánh cầu lông, chơi bóng bàn, đá bóng. Ngay tại gian bên trái nhà văn hóa, thư viện thu nhỏ với cả chục đầu sách từ thiếu nhi, văn hóa xã hội, báo tạp chí…được sắp xếp ngay ngắn dành cho những ai thích đọc sách.

Ông Đỗ Văn Quý cười móm mém, có những đứa trẻ đến đây ngồi đọc cả buổi, quên cả về ăn cơm. Không chỉ đọc, ai có nhu cầu thì đăng kí rồi mượn về nhà đọc trong tuần rồi trả cho thư viện. Một dàn máy vi tính 5 chiếc có kết nối internet sẵn sàng phục vụ nhu cầu đọc báo, tìm kiếm thông tin cho người dân trong xóm.

Chỉ tay vào hai chữ “Tâm” và “Đức” được khắc trên tường, ông Quý bảo, chỉ mong sao con cháu mình luôn giữ được cái tâm luôn, cái đức, hăng say làm ăn xây dựng quê hương đất nước.

Mỗi tháng, xóm 4 trung bình đón 2 đoàn khách đến tham quan từ các tỉnh. Nhân Ngày hội Đoàn kết toàn dân, ngày 11/11/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm người dân xóm 4. Trò chuyện với người dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong rằng bà con xóm 4 sẽ tiếp tục làm được nhiều điều hơn nữa để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm