| Hotline: 0983.970.780

Xuân tươi của người dân tái định cư hồ Đồng Mít

Thứ Hai 22/02/2021 , 09:27 (GMT+7)

Về nơi ở mới với điều kiện sống hoàn toàn mới, người dân tái định cư hồ Đồng Mít ngập tràn niềm tin về tương lai ổn định phía trước.

Hừng hực sức xuân

Về khu tái định cư hồ chứa nước Đồng Mít được xây dựng tại xã An Trung (huyện An Lão, Bình Định) vào những ngày đầu năm, chúng tôi nhận ra không khí xuân hừng hực trên vùng đất mới.

Một góc núi rừng trước đây giờ trông như phố thị với cơ sở hạ tầng khang trang. Những con đường nội bộ rộng thênh thang được tráng bê tông phẳng lì với hệ thống điện hoàn chỉnh. Trường học, trạm y tế, cơ quan xã mới được xây dựng tinh tươm, bề thế. Đặc biệt, khi về nơi ở mới, người dân đã xây dựng những căn nhà hiện đại, khang trang. Nhìn từ xa, những mái ngói đỏ rực của khu tái định cư hồ Đồng Mít nổi bật lên màu xanh của núi rừng trông như một bức tranh.

Cơ sở hạ tầng tại khu tái định cư hồ Đồng Mít được xây dựng kiên cố, khang trang. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cơ sở hạ tầng tại khu tái định cư hồ Đồng Mít được xây dựng kiên cố, khang trang. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đang tất bật với công đoạn cuối để hoàn tất căn nhà mới trước Tết Nguyên đán, chàng thanh niên người Hrê Đinh Văn Kiên vẫn vui vẻ chia sẻ với chúng tôi tâm trạng háo hức khi đón nhận cuộc sống mới.

Gia đình Kiên có 5 nhân khẩu gồm ông nội, ba mẹ và vợ chồng Kiên. Chia tay nơi ở cũ với căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, về khu tái định cư gia đình Kiên xây dựng căn nhà rất kiên cố, khang trang. Hỏi căn nhà xây hết bao nhiêu tiền, Kiên lắc đầu vừa cười vừa bộc bạch: “Xây nhà bao nhiêu tiền chỉ có ông ba biết chứ mình không có biết, mà chắc tốn nhiều tiền lắm, nhà đẹp mà”.

Anh Đinh Văn Lộc (33 tuổi) khi về nơi ở mới thì nghề cơ khí của anh “có đất dụng võ” hơn nơi ở cũ. Căn nhà anh Lộc đang xây dựng với khoản kinh phí 300 triệu đồng chưa thật sự hoàn chỉnh, nhưng anh đã làm nghề bên hông nhà để phục vụ cho những công trình xây dựng tại khu tái định cư.

“Gia đình mình có 5 nhân khẩu, 1 bà mẹ, 2 vợ chồng và 1 đứa con nhỏ. Khi về khu tái định cư gia đình mình được Nhà nước cấp 420m2 đất, mình xây dựng căn nhà mới hết 300 triệu đồng, phần đất còn lại để bày biện máy móc làm nghề. Về nơi ở mới cuộc sống thấy khác liền, con mình năm nay học lớp 5 đi mấy bước là tới trường, mùa mưa con mình đi học không phải lo lắng như hồi còn ở làng cũ”, Lộc chia sẻ.

Những ngôi nhà xây dựng dang dở ở khu tái định cư hồ Đồng Mít được nỗ lực hoàn thành để đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những ngôi nhà xây dựng dang dở ở khu tái định cư hồ Đồng Mít được nỗ lực hoàn thành để đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đi ngang qua căn nhà mới toanh vừa xây dựng hoàn chỉnh có tường rào cổng ngõ rất bề thế, nhìn vào thấy chiếc ô tô bán tải đậu bên hông nhà, phía bên kia là gian hàng tạp hóa nho nhỏ với cô gái người Hrê xinh đẹp. Ghé vào, chúng tôi được cô gái đón chào bằng nụ cười tươi như mùa xuân.

Qua câu chuyện thân mật, chúng tôi được Đinh Thị Phương (20 tuổi), cô gái Hrê, cho biết khi còn ở làng cũ, gia đình Phương ở trong căn nhà sàn nho nhỏ. Khi về khu tái định cư gia đình của Phương được Nhà nước cấp 450m2 đất, tiền hỗ trợ nhận được 270 triệu đồng, căn nhà vừa xây dựng xong mấy tháng nay tiêu tốn hết 450 triệu đồng. Nhờ ba mẹ của Phương vừa làm rẫy trồng keo vừa mua bán gỗ rừng trồng nên có tích lũy, về nơi ở mới xây được nhà to và việc làm ăn thuận lợi hơn.

Về nơi ở mới, nghề cơ khí giúp anh Đinh Văn Lộc làm ăn thuận lợi hơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Về nơi ở mới, nghề cơ khí giúp anh Đinh Văn Lộc làm ăn thuận lợi hơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Về khu tái định cư cuộc sống có những đổi thay tốt hơn nơi ở cũ. Cơ quan Nhà nước, trường học, trạm y tế chỉ đi mấy bước là tới, ai đau nặng đường đến bệnh viện huyện cũng rất gần, điện thì sáng cả ngày cả đêm. Hồi còn ở trên làng cũ, ai đau yếu chỉ biết cúng để chữa bệnh chứ bệnh viện xa quá ai cũng ngại đi. Ở làng cũ muốn đi bệnh viện bằng xe máy mất khoảng gần 1 giờ đồng hồ, giờ đi một lát là tới, mừng nhất là chuyện ấy”, Phương bày tỏ.

Dồn sức vì cuộc sống tốt hơn

Điểm nhấn độc đáo tại khu tái định cư hồ Đồng Mít là xen lẫn giữa những ngôi nhà được xây dựng khá “hiện đại” là những căn nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo truyền thống của đồng bào Hrê ở An Lão, người dân chỉ sinh hoạt trong nhà sàn. Thế nên bây giờ về nơi ở mới dẫu họ có xây dựng được nhà kiên cố đi nữa thì phía sau căn nhà mới họ vẫn dựng gian nhà sàn để gia đình làm chỗ sinh hoạt, gỗ làm nhà sàn được họ tận dụng từ căn nhà sàn cũ trước đây.

Chị Đinh Thị Phương đang trò chuyện với tác giả. Ảnh: PV.

Chị Đinh Thị Phương đang trò chuyện với tác giả. Ảnh: PV.

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, để triển khai thi công hồ chứa nước Đồng Mít, có 478 hộ dân ở xã An Dũng phải di dời đến khu tái định cư, bình quân mỗi hộ nhận được khoản tiền đền bù từ 400 - 450 triệu đồng. Những năm qua nhờ trồng rừng nên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều đó của ăn của để. Tuy có tiền, nhưng vì điều kiện địa lý nên họ không tiếp cận được với nhịp sống của xã hội, do đó chưa biết đầu tư làm ăn mở mang kinh tế, cứ tích lũy để đó. Bây giờ về nơi ở mới, có nhu cầu làm nhà là họ bung ra làm.

“Khu tái định cư hồ Đồng Mít được xây dựng trên địa bàn xã An Trung, nhưng theo nguyện vọng của người dân, chính quyền huyện An Lão vẫn lấy địa danh hành chính của khu tái định cư là xã An Dũng như trước đây. Nơi ở mới của người dân tái định cư xã An Dũng được chia làm 3 phân khu, trong đó có 4 làng nằm khá gần nhau”, ông Lâm cho biết.

Khu tái định cư hồ Đồng Mít đã mọc dày những căn nhà khang trang. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khu tái định cư hồ Đồng Mít đã mọc dày những căn nhà khang trang. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người dân tái định cư hồ Đồng Mít hiện chỉ còn vài mối lo là vào mùa mưa nước sinh hoạt không thiếu, nhưng đến mùa khô hạn là hụt nước và họ còn đau đáu mối lo khác là về đất sản xuất.

Trao đổi với ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, về những vấn đề trên, chúng tôi được ông Lâm giải thích là năm 2020 vừa qua trên địa bàn Bình Định mùa khô kéo dài, hạn hán xảy ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, An Lão không ngoại lệ nên người dân ở khu tái định cư hồ Đồng Mít bị thiếu hụt nước sinh hoạt. Khu tái định cư hồ Đồng Mít đang sử dụng hệ thống nước tự chảy được dẫn về từ núi nên khi hạn hán xảy ra đường nước bị đứt.

“Để khắc phục tình trạng trên, trong năm 2020 UBND huyện An Lão đã trích ngân sách khoan 4 cái giếng, giếng phải khoan đến độ sâu 100m mới có nước. Nước được bơm lên bồn chứa chung để bà con đến lấy về sử dụng. Những giếng đóng này chỉ sử dụng vào mùa khô hạn, mùa mưa bà con vẫn sử dụng hệ thống nước tự chảy”, ông Lâm cho hay.

Trẻ em có cuộc sống thoải mái hơn ở khu tái định cư hồ Đồng Mít. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trẻ em có cuộc sống thoải mái hơn ở khu tái định cư hồ Đồng Mít. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng theo ông Lâm, huyện An Lão đã quy hoạch 700ha đất nằm cách khu tái định cư khoảng 6km để cấp cho bà con sản xuất. Đợt 1 huyện sẽ giao đất cho những hộ dân có đất bị thu hồi từ 2.000m2 trở lên, đến nay cơ quan chức năng đã giao đất đợt 1 đạt khoảng 70% khối lượng, 30% còn lại An Lão sẽ phấn đấu hoàn thành trong tháng 2 này, những hộ có đất sản xuất bị thu hồi sẽ được cấp trong đợt 2.

“Con đường từ khu tái định cư dẫn đến nơi quy hoạch vùng đất sản xuất dài khoảng 6km, hiện vẫn là đường đất rộng 10m. Trong năm 2021 huyện An Lão sẽ trải thảm bê tông mặt đường rộng 5,5m để bà con thuận lợi đi sản xuất và vận chuyển nông sản về nơi tiêu thụ. Hệ thống điện, nước sinh hoạt tại khu tái định cư đã được các cơ quan chuyên môn xây dựng, lắp đặt hoàn thành. Điện, nước được kéo về tận nhà dân với chi phí thấp nhất. Huyện An Lão định hướng cho người dân tái định cư xã An Dũng trồng cây xanh tại nơi ở để hình thành các khu dân cư kiểu mẫu, tạo điều kiện thuận lợi để xã An Dũng sớm ổn định, hoàn thành xây dựng nông thôn mới”, ông Đỗ Tùng Lâm.

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nâng tầm thủy lợi Hải Phòng [Bài 1]: 'Biến' kênh trục chính thành hồ chứa nước

HẢI PHÒNG Tiên Lãng là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của Hải Phòng, tuy nhiên việc tiêu thoát nước khó khăn và xâm nhập mặn đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống thủy lợi.

Bình luận mới nhất