Theo VASEP, 8 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sanng Trung Quốc đạt 3,6 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, Trung Quốc đang là một trong số ít những thị trường có sự tăng trưởng tốt của cá ngừ Việt Nam, dù xuất khẩu sang nước này cũng gặp không ít khó khăn vì dịch bệnh.
Cụ thể, từ cuối tháng 5/2021, Trạm Giang - một trong những trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước sản xuất thủy sản lớn bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, cùng với 8 quốc gia châu Á khác từ 20/6 đến 15/7/2021 bởi lý do nhiều thành phố như Quảng Châu, Phật Sơn, Thâm Quyến, Trạm Giang, Maoming… có dấu hiệu nhiễm và lây lan Covid-19.
Bên cạnh đó, sự bùng phát làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam từ cuối tháng 7 đã làm xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng trưởng chậm lại từ đầu quý 3.heo Hải quan Việt Nam, Trung Quốc đang tăng nhập khẩu thịt/philê cá ngừ đông lạnh và cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, thịt/philê cá ngừ đông lạnh chiếm tới 66% tổng giá trị XK, tiếp đến là cá ngừ đóng hộp chiếm 19%.
Trung Quốc nhập khẩu rất nhiều loài cá ngừ, trong đó cá ngừ vằn nguyên con đông lạnh bao gồm cả cá thu ngừ, được các nhà máy sản xuất loin cá ngừ thu mua, chiếm tỷ trọng lớn nhất. Phần lớn loin cá ngừ này được xuất khẩu sang các nhà máy sản xuất đồ hộp của EU theo hạn ngạch thuế quan tự trị (0%) hàng năm.
Các sản phẩm cá ngừ vằn hoặc các loài cá ngừ khác đóng hộp đứng vị trí thứ 2, tiếp đến là cá ngừ vằn cắt miếng (steaks) đông lạnh, bao gồm cả cá thu ngừ.