| Hotline: 0983.970.780

Ba đời lái đò không công và mối lương duyên kỳ lạ

Thứ Hai 26/09/2016 , 13:40 (GMT+7)

Khi thắc mắc về biệt danh biệt danh “anh hùng lái đò”, ông Mẹo bật cười nói: “Tôi có anh hùng gì đâu". Sở dĩ có tên này là từ nhỏ ông được các sư thầy đặt cho pháp danh Chúc Hùng...

Gia đình họ Phạm sống ở thôn Tân Thành, xã Ninh Ích, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã có hơn nửa thế kỷ cùng 3 thế hệ thay nhau đưa đò, chở khách ra chùa Từ Tôn nằm trên đảo Hòn Đỏ, thuộc TP Nha Trang nhưng không hề lấy một đồng tiền công nào.

 

“Lái đò chùa”

Dừng chân ở bến đò, chúng tôi đang loay hoay chưa biết phải làm sao để ra được đảo Hòn Đỏ viếng ngôi chùa nổi tiếng Từ Tôn (thuộc phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang, Khánh Hòa) thì bỗng dưng từ phía xa vang lên tiếng máy nổ xè xè, một chiếc canô loại nhỏ lướt sóng tiến lại gần chúng tôi.

Gần tới bờ, người lái hạ tốc rồi ngoặt mái chèo điêu luyện đưa mũi canô tấp ngay vào vị trí cầu tàu. Chưa kịp hỏi chuyện, người lái đò đã nở nụ cười thân thiện mời chúng tôi lên thuyền. Chờ cho người khách cuối cùng ổn định vị trí, người lái đò tháo dây neo cho tàu rẽ sóng ra đảo. Lúc này, chúng tôi mới thấy được khuôn mặt người lái đò đã cháy sạm vì nắng gió, tóc điểm bạc, da nhiều nếp nhăn khắc khổ.

Hỏi chuyện được biết, ông tên là Phạm Công Mẹo, SN 1960, trú tại thôn Tân Thành, xã Ninh Ích, người mà người dân quanh vùng vẫn thường gọi bằng cái tên trìu mến “anh hùng lái đò”.

Từ sáng tinh mơ cho đến khi mặt trời khuất dạng, ông Mẹo vẫn nhẫn nại bám trụ ở bến đò, chỉ khi người khách cuối cùng rời đảo Hòn Đỏ, ông mới thả neo, về nhà đoàn tụ bên mâm cơm gia đình. Có hôm, ông về đến nhà đã quá nửa đêm.  

Vậy nhưng, ít ai biết được, công việc ấy đã gắn bó với gia đình ông hơn nửa thế kỷ nay, với 3 thế hệ thay nhau đưa đò, chở khách ra chùa Từ Tôn nằm cách bờ khoảng 500m.

Tôi tò mò hỏi tại sao 3 thế hệ gia đình ông lại làm công việc không công như vậy? Ông Mẹo bảo, cũng đã nhiều người hỏi ông câu tương tự. Nhưng, chỉ biết đó như cái nghiệp vậy thôi.

Ông Mẹo kể: Bắt đầu việc lái đò cho chùa Từ Tôn là cha tôi. Ông ấy người gốc Bình Định, một lão ngư đánh cá rất giỏi. Tuy nhiên, sau đó ông không đi biển nữa mà tình nguyện bám trụ ven bờ, làm người lái đò chở khách ra đảo Hòn Đỏ miễn phí.

15-03-45_nh-2
Gia đình ông Phạm Công Mẹo 3 đời “lái đò chùa”

 

Hồi trước ra đảo chỉ dùng thuyền thúng. Thúng thì nhỏ, chỉ chở mỗi chuyến tối đa được 3-4 người, cha ông Mẹo phải chèo tay nên khi chèo ngược gió mất cả nửa tiếng đồng hồ mới ra được đảo. Lúc lên 5 tuổi, ông Mẹo đi theo cha ra đảo chơi rồi chứng kiến cảnh cha chèo thúng đưa khách ra đảo, người ướt đẫm mồ hôi nên thấy thương cha lắm.

Thế nhưng chở được khách lên bờ, khi cha ông Mẹo nhận những cái bắt tay, lời cảm ơn chân thành của người dân và du khách thì mọi mệt mỏi trong người dường như đều tan biến. Cũng từ đó mà ông Mẹo bắt đầu yêu thích cái nghề đưa đò và hay theo cha lái đò đưa khách ra đảo Hòn Đỏ.

Tuy nhiên, ông Mẹo chỉ thực sự bắt đầu công việc này khi cha sức khỏe yếu dần rồi qua đời. Thấm thoát mấy chục năm trôi qua, bây giờ ông Mẹo cũng đã ở ngưỡng lục tuần, sức khỏe cũng không còn được như xưa. Những ngày nắng ráo còn bám bến, bám tàu chở khách ra đảo nhưng khi trái gió trở trời đành nhờ cậy nhờ các con làm thay. May mắn là các con ông đứa nào cũng hiểu công việc của cha nên tận tình tiếp nối công việc âm thầm ấy.

“Khi cha tôi còn sống hay nói với tôi về công việc đưa đò này là xuất phát từ tâm, là cái duyên, cũng là nghiệp gắn với gia đình mình. Những người đến đảo đều vì lòng mến mộ Phật pháp, không thể để phật tử đến đất Phật linh thiêng chiêm bái mà lại tốn tiền “đò phí” được. Vì vậy, suốt hơn 50 năm qua, lời cha dặn lại chúng tôi không bao giờ quên”, ông Mẹo tâm sự.

 

Mối lương duyên kỳ lạ

Đặt chân lên Hòn Đảo, chúng tôi cảm nhận sự bình yên đến lạ thường nơi đất Phật. Đặc biệt, có dịp đàm đạo với nhà sư Huệ Đạt, trụ trì chùa Từ Tôn, chúng tôi càng thấm đạo lý nhà Phật.

15-03-45_nh-4
Nhà sư Huệ Đạt rất quý mến ông Mẹo

 

Hỏi về mối lương duyên 3 đời của dòng họ Phạm với nghề “lái đò chùa”, nhà sư Huệ Đạt cho hay, nói “lái đò chùa” mới đầy đủ tất cả khía cạnh của công việc này. Bởi họ đều là những phật tử có lòng mến mộ Phật pháp, tình nguyện làm công quả cho chùa, nhưng mặt khác từ “chùa” cũng được người dân hiểu với nghĩa là miễn phí, chở khách từ đất liền ra đảo mà không lấy tiền công. Thế nhưng đối với dòng họ Phạm với chùa Từ Tôn còn có một mối lương duyên khá kỳ lạ.

Xưa kia nhà sư Viên Mãn vốn tu luyện Phật pháp ở một ngôi chùa trên đỉnh Sinh Trung, nhìn thấy Hòn Đỏ là vùng đất Phật nên tìm đến. Nhà sư đã vượt qua 2 làng chài để đến được trước mặt hòn đảo nơi đây. Song lúc đó, nơi đây hoang vắng, không một bóng người. Trong lúc nhà sư đang loay hoay không biết làm thế nào để ra được đảo thì bỗng nghe tiếng trẻ con khóc ở một căn nhà chồi ngay cạnh bãi tha ma. Lần theo tiếng khóc, nhà sư Viên Mãn liền đến hỏi thăm.

Khi ấy, nhà sư thấy người mẹ dỗ mãi nhưng đứa trẻ vẫn khóc. Nhưng sau đó, nhà sư vừa bước vào trong nhà thì đứa trẻ không khóc nữa, trở nên ngoan ngoãn nằm yên trong vòng tay mẹ. Và, đứa trẻ ấy chính là Phạm Công Mẹo.

Cha của ông Mẹo hôm ấy cũng hiếm hoi ở nhà không ra biển. Ông cho đó là duyên phận nên đã tình nguyện chèo thúng chở sư Viên Mãn ra đảo. Công việc này ở thời điểm đó không ai dám làm bởi họ cho rằng Hòn Đỏ là vùng đất dữ.

Sau khi chùa Từ Tôn được xây dựng trên đảo Hòn Đỏ cũng là lúc cha ông Mẹo không đi biển nữa mà tình nguyện ở gần bờ biển, làm nghề lái đò đưa khách ra đảo miễn phí. Kể từ đó, công việc này đã được gia đình ông Mẹo nối nghiệp cho đến nay.

15-03-45_nh-6
Đây là chiếc thúng năm xưa cha ông Mẹo đưa người dân và du khách ra chùa

 

Khi thắc mắc về biệt danh biệt danh “anh hùng lái đò”, ông Mẹo bật cười nói: “Tôi có anh hùng gì đâu". Sở dĩ có tên này là từ nhỏ ông được các sư thầy đặt cho pháp danh Chúc Hùng, làm nghề lái đò đưa người dân và du khách ra viếng chùa Từ Tôn nên khi người dân cần ra đảo hay gọi “anh Hùng”. Cứ thế, tên thật của ông cũng ít người còn nhớ, chỉ quen gọi bằng cái tên “anh hùng lái đò” mà thôi.

Trả ơn Đức Phật

Ông Mẹo tâm sự: “Lái đò là duyên và cũng là ơn giữa gia đình tôi với chùa. Chùa đã giúp tôi thoát cơn nạn lớn. Trước kia, trong một lần đi biển, tôi bị tai biến nằm liệt giường nhưng nhờ các sư trong chùa giới thiệu với các bác sĩ từ bệnh viện tỉnh ra viếng chùa, tôi mới được nhập viện cấp cứu ngay trong đêm nên mới khỏi bệnh. Vì vậy, hiện nay tôi và con tôi tiếp tục tình nguyện lái đò để trả ơn Đức Phật từ bi”.

 

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Diêm dân buồn nhìn muối trắng trên đồng

Quảng Bình Năm nay, đầu vụ hè nắng nóng kéo dài cho bà con diêm dân được mùa nhưng không có lãi vì rớt giá…

Bình luận mới nhất