| Hotline: 0983.970.780

Bài hát về những chiếc đèn đã mất

Thứ Bảy 21/10/2017 , 08:30 (GMT+7)

Mấy thanh tre nhỏ, mấy tờ giấy bóng mờ, những hình người hình thú cắt bằng giấy, một chiếc chong chóng giấy… 

Từng ấy thứ vật liệu đủ làm một chiếc đèn kéo quân. Đèn làm xong, thắp ngọn nến dưới đáy đèn, hơi nóng bốc lên làm chong chóng khẽ rung rinh rồi xoay tròn, bóng người bóng thú in lên mặt đèn bắt đầu cuộc diễu hành không ngừng nghỉ cho đến khi nào nến tắt.

09-42-52_trng_44
Ảnh minh họa

Đèn nhỏ thì chỉ có người xe đi trên đường. Đèn lớn còn mây bay chim lượn trên trời, cá bơi thuyền chạy dưới sông. Những hình bóng cứ theo nhau lặp đi lặp lại mà ngắm hoài không chán. Có lẽ vì xoay tròn, nên đèn kéo quân còn có tên gọi khác là đèn cù. “Khen ai khéo kết cái cây đèn cù/ Voi giấy (ối a) ngựa giấy, tít mù (nó lại) vòng quanh/ Bao giờ em bén (ối a) duyên anh/ Voi giấy (ối a) ngựa giấy, vòng quanh (nó lại) tít mù/ Khen ai…”. Những câu hát về chiếc đèn kéo quân cũng quanh đi quẩn lại một cách tài tình như thế.

Hồi còn nhỏ, rằm Trung thu năm nào anh Thùy cũng làm cho mình một chiếc đèn kéo quân. Anh Thuỳ là con bác mình bên quê ngoại. Anh vừa khéo tay vừa cẩn thận. Chiếc đèn anh làm mất đúng một ngày. Sau này khi mình lớn lên, đi nhiều nơi, biết nhiều loại đèn kéo quân to nhỏ khác nhau, nhưng vẫn chưa thấy có chiếc đèn nào xinh xắn duyên dáng như chiếc đèn anh Thùy làm. Cả tuổi thơ sống ở nhà quê, chiếc đèn kéo quân là món đồ chơi đáng giá nhất mà mình có.

Những năm chiến tranh, anh Thùy nhập ngũ rồi hy sinh ngoài chiến trường. Mình lớn lên, đi làm, lấy vợ, sinh con, sống xa quê. Cứ đến rằm Trung thu lại nhớ về cái sân kho hợp tác xã với những mâm cỗ quê toàn những bưởi, cam, chuối, mía, kẹo lạc, kẹo vừng cho lũ trẻ. Nhớ tiếng trống ếch luồn trong ngõ xóm. Nhớ những chùm đèn ông sao xanh đỏ lung linh. Và không thể quên giây phút anh Thùy châm ngọn nến cho chiếc đèn kéo quân sáng lên, những hình nhân bằng giấy nhập hồn, rùng mình chuyển động… Anh Thùy không còn, nhưng niềm vui tuổi thơ anh dành tặng cho mình vẫn nguyên vẹn qua năm tháng.

Khi thằng con đầu của mình lên sáu tuổi, lần đầu tiên tự tay mình làm cho con chiếc đèn kéo quân. Bộ đội hành quân. Trẻ con đi học. Bác nông dân dắt trâu ra đồng. Chó mèo gà vịt nối đuôi nhau. Lại có cả một ông gầy gò đội nón, đang gò lưng kéo chiếc xe bò lên dốc. Lũ trẻ trong khu tập thể nhà trường - nơi vợ mình dạy học - xúm quanh xem đèn. Mấy thầy giáo cô giáo cũng tò mò ghé sang. Một cô ôm bụng cười ngặt nghẽo, chỉ cái hình người đàn ông gò lưng kéo xe: “Bác này trông hoàn cảnh quá”! Mình cũng cười theo, nhưng lòng không khỏi ngậm ngùi. Chiến tranh. Bao cấp… Với thế hệ mình, đấy là những năm tháng gian nan nhất trong cuộc đời. Ai cũng đang phải ráng sức kéo cỗ xe gia đình vượt qua con dốc mệt nhoài của số phận.

Trẻ con bây giờ dường như chẳng còn biết đến những món đồ chơi thủ công ngày xưa nữa. Xe cộ, máy bay tàu bò, súng ống gươm giáo, rô bốt siêu nhân tự động bằng sắt, bằng nhựa, sản xuất hàng loạt, thi nhau chạy nhảy, khạc lửa, gào thét. Những món đồ chơi thời thượng, thừa sự hấp dẫn này đã đẩy những chiếc đèn ông sao, đèn quả bí quả bầu… và cả những chiếc đèn kéo quân bằng tre, bằng giấy mộc mạc, thật thà lùi mãi vào quá khứ. Đây đó trong những cửa hàng bán đồ chơi đêm trung thu ở Hà Nội, Sài Gòn cũng thấy treo đèn kéo quân, nhưng những chiếc đèn được dụng công trang trí hoa hoè hoa sói này có vẻ hào nhoáng, xa lạ thế nào.

Đồ vật có linh hồn của đồ vật, chẳng khác gì con người. Mỗi đêm Trung thu trăng sáng, nhớ về tuổi thơ năm xưa, mình lại thấy trong lòng nhói lên câu hát về những chiếc đèn đã mất.

(Kiến thức gia đình số 41)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm