| Hotline: 0983.970.780

Bản Khoang gượng dậy sau lũ

Chủ Nhật 08/09/2013 , 14:02 (GMT+7)

Những người Dao còn sống ở thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang đang gượng đứng lên với sự giúp đỡ của người dân cả nước...

Trận lũ quét đêm 4/9/2013 đã qua gần một tuần, nhưng người Dao thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang vẫn chưa hết kinh hoàng, họ không thể tin nổi tai nạn khủng khiếp lại đổ xuống đầu họ nhanh đến thế. Mười một người chết và mất tích, hơn hai chục ngôi nhà đổ sập và bị lũ cuốn trôi, nhiều gia đình sau trận lũ trở nên tay trắng. Những người còn sống đang gượng đứng lên với sự giúp đỡ của người dân cả nước... 



Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi đồng bào bị lũ

Đã mấy ngày nay Chảo Dần Chìu như người mất hồn không ăn không ngủ cứ đi hoang mang quanh ngôi nhà giờ chỉ còn là bãi đá khổng lồ. Anh sinh ra tại đây, lớn lên tại đây bên dòng suối Can Hồ nước trong vắt. Trận lũ đá nghiền nát ngôi nhà và cướp đi ba người thân trong gia đình, bao gồm bố Chảo Phù Ngan, mẹ Tẩn Lở Mẩy và đứa con gái Chảo San Mẩy.


Chị Tẩn Lở Mẩy Nhặt những hạt giống còn sót lại

Dân bản đã tiễn đưa họ về với ông bà tổ tiên, mộ họ nằm trên sườn đồi đất mới đắp còn đỏ au, hương vẫn chưa tàn. Nhưng Chìu thì vẫn chưa tin bố mẹ và con gái mình đã mất, bởi tai nạn ập xuống nhanh quá, lại giữa đêm khuya khiến anh chẳng nhìn rõ mặt ai. Anh đi quanh nền nhà vừa khóc vừa gọi tên từng người, như họ đang lẩn khuất đâu đây quanh những tảng đá này. Đã mấy ngày nay anh khóc gọi họ giọng đã khản, nước mắt đã cạn nhưng không thấy ai trả lời, chỉ có dòng suối đục ngầu đang rên xiết dưới chân.

Dòng suối Can Hồ quanh năm trong vắt chảy từ trên đỉnh núi cây rừng xanh thẫm, cả thôn Can Hồ A đều uống nước dòng suối này. Nước suối Can Hồ sạch đến nỗi đi làm về người ta có thể vục tay xuống nước mà uống, dòng nước mát lịm chảy đến đâu ruột gan mát đến đó. Vậy mà sau những ngày mưa dai dẳng bầu trời Bản Khoang mọng nước, núi rừng như vỡ ra từ cái bọng nước khổng lồ từ trên sườn núi đổ xuống, mấy chục ngàn khối đất đá đổ ầm ầm xuống nghiền nát mọi vật trên đường đi của chúng. Ngôi nhà của gia đình Chảo Dần Chìu cùng với thóc lúa, của cải mà cha mẹ và vợ chồng anh tích cóp bấy lâu bị lũ cuốn trôi chỉ trong chốc lát. Khi chúng tôi đến bên, Chảo Dần Chìu vẫn không hay biết, anh đứng chết lặng cạnh những tảng đá đổ ập xuống ngôi nhà, cướp đi tất cả cha mẹ và con gái anh...



Người dân thu dọn nhà cửa sau lũ

Chị Tẩn Lở Mẩy thì lúi húi và lặng lẽ nhặt nhạnh những bắp ngô và những bông lúa giống ướt mèn lẫn bùn đất xếp lên tảng đá rêu phong ẩm ướt. Trời vẫn đang mưa, nhà thì đã đổ sập và bị lũ cuốn trôi cùng với mẹ chồng chị, của cải chẳng cứu được thứ gì. Bây giờ chỉ còn sót lại những bông lúa giống này vướng vào những tảng đá, chị nhặt lên mà chẳng biết bao giờ trời nắng để phơi. Chị nhặt nhạnh những hạt giống mà trận lũ không thể cướp đi hết để cho mùa sau. Chị nhìn chúng tôi lặng câm, gương mặt nặng trĩu nỗi buồn, thóc lúa và của cải nhà chị đã mất hết, chỉ còn lại hai bàn tay trắng chị biết lấy gì nuôi những đứa con của mình đây? Đau đớn nhất là Chảo Dào Liềm, nhà anh có 3 người mất, vợ anh là Lý Lở Mẩy cùng hai con Chảo Tả Mẩy và Chảo Láo Tả. Người ta đã tìm thấy xác vợ anh và cô con gái Chảo Tả Mẩy, còn đứa con 2 tháng tuổi Chảo Láo Tả đến giờ vẫn chưa tìm thấy xác.

Thôn Can Hồ A nằm cạnh trụ sở UBND xã Bản Khoang, đây là bản người Dao khá giả nhất xã, ngoài làm ruộng họ lên rừng trồng thảo quả. Nhiều hộ mỗi năm thu cả tấn thảo quả, họ trồng thảo quả trong những cánh rừng trên núi kia. Đã bao đời nay người Dao nơi này đã gắn bó với rừng, rừng không chỉ cho họ củi đun để chống lại những mùa đông lạnh giá trên núi cao mà còn nuôi dưỡng những nương thảo quả để họ hái ra tiền, giúp họ mua sắm các vật dụng trong nhà. Bởi thế, tất cả mọi người ở đây từ trẻ đến già đều bảo vệ rừng. Trận lũ đá đã tàn phá tan hoang, biến thôn Can Hồ A thành bãi đá khổng lồ, dòng suối Can Hồ lúc này miệng hoác ra lởm chởm đá, đã nuốt chửng hơn hai chục ngôi nhà. Chúng tôi không thể hình dung nổi những ngôi nhà nằm ở đâu bên dòng suối kia.


Khoan đá nổ mìn giải toả đường đi cho người dân

Trận lũ đá xảy ra trước ngày khai giảng, mấy hôm trước Chảo Dần Chìu xuống chợ Sa Pa mua cặp sách và quần áo mới cho con gái Chảo San Mẩy. Nó mừng lắm, háo hức chờ ngày khai giảng. Trận lũ đá đã cướp mạng con Chảo San Mẩy cùng sách vở của nó đi rồi.

Cách đây 5 năm, ngày 4/9/ 2008 chuẩn bị cho ngày khai giảng cô Đoàn Thị Mười-hiệu trưởng Trường mầm non Can Hồ A và cô Nguyễn Thị Lý- giáo viên trường tiểu học Bản Khoang 1 vượt suối tới trường, lũ đổ xuống bất ngờ đã cuốn trôi hai cô. Năm nay, cũng ngày 4/9 các thầy cô giáo ở lại trường để chuẩn bị cho ngày khai giảng, trận lũ đã cuốn trôi ngôi nhà tập thể của giáo viên trường Trung học cơ sở Can Hồ A khiến 5 thầy cô giáo bị thương trong đó có thầy giáo Hà Thanh Sơn và vợ Đào Thị Thuý- cán bộ văn hoá xã Bản Khoang cùng hai thầy hiệu phó và hai cô giáo. Ngày khai giảng trở thành ngày đại tang của xã Bản Khoang.


Gạo cứu trợ đồng bào bị nạn

Ngay sau khi được tin lũ quét đổ xuống Bản Khoang, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận đã tới thăm hỏi, hỗ trợ và động viên các thầy cô giáo bị nạn và chỉ đạo: Dù khó khăn đến mấy vẫn phải duy trì việc dạy và học ở Trường mầm non và Trường THCS Can Hồ A... Phòng Giáo dục Sa Pa đã huy động các thầy cô giáo ở các trường xung quanh tới dọn dẹp trường học, sửa sang lại bàn ghế để ngày 9/9/2013 bước vào năm học mới.

Tỉnh Lào Cai dừng tất cả các cuộc họp và hội nghị để tập trung cho việc khắc phục trận lũ quét đêm 4/9, trong đó có Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc do Bộ NN-PTNT dự kiến tổ chức tại Lào Cai ngày 11/9/2013. Để giúp người dân gượng dậy sau lũ, huyện Sa Pa đã hỗ trợ 6 triệu /người chết, 2 triệu /người bị thương, UBMTTQ tỉnh Lào Cai hỗ trợ 3 triệu đồng/người chết, 1 triệu /người bị thương; Hội CTĐ Lào Cai hỗ trợ 2 triệu /người chết, 1 triệu đồng/người bị thương... Đại đội trinh sát C20 đã có mặt từ ngày đầu để giúp người dân dựng lại nhà cửa, huyện Sa Pa còn huy động hơn 200 đoàn viên thanh niên tình nguyện sửa sang trường học, vệ sinh thôn bản...


Bộ đội giúp dân sửa chữa lại trường học

Chiều 7/9 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Uỷ ban dân tộc & Miền núi đã lên tận nơi thị sát trận lũ quét đêm 4/9 thăm hỏi động viên và chia sẻ những đau thương mất mát của đồng bào. Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Lào Cai và các Bộ có liên quan, nhanh chóng khắc phục hậu quả của trận lũ quét, di dân ra ở nơi an toàn, củng cố và xây dựng lại trường học, trạm y tế... nhất là không để một người dân nào bị đói, rét và không có nhà ở.


Vệ sinh trường học cho năm học mới

Mặc dù quá đau thương vì mất mát, nhưng với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, sự cố gắng của các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai cùng sự giúp đỡ sẻ chia của cộng đồng, nhân dân cả nước người dân Bản Khoang sẽ gượng dậy đứng lên xây dựng cuộc sống mới sau lũ.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.