| Hotline: 0983.970.780

Cháu cần cầm trịch thêm nữa

Thứ Năm 09/07/2015 , 11:03 (GMT+7)

Cô nhắc cháu sự khoan hòa, bởi đứa em ruột rà còn đang ăn học kia. Làm sao thiên hạ nhìn vào phải nể, nhất là cháu, cầm trịch thêm nữa đi, trật tự và trên dưới một lòng đi. 

Cô Dạ Hương kính mến!

Con là người đã được cô tư vấn ở số báo ngày 29/3/2012. Liệu cô có nhớ con với những lời tâm sự thấm đậm nỗi buồn. Khi ngồi viết cho cô những dòng tâm sự này, cuộc sống của con lại phải trải qua một nỗi đau quá lớn: Con đã mất cha!

Nỗi đau buồn nào rồi cũng nguôi ngoai, người mất thì cũng đã mất, người ở lại phải tự mình đứng dậy phải không cô? 23 năm trước con mất mẹ, bố còn trẻ quá, phải tái hôn. Con không đành lòng dứt áo về làm vợ ai cả khi những đứa em đang rất cần con.

Thời gian qua đi, các em dần khôn lớn để rồi cuối cùng con trở thành bà mẹ đơn thân 40 tuổi với đứa con gái, 21 năm mẹ con bỏ chị em con thì bố cũng ra đi. Gần 2 tháng trời, mấy chị em con thay nhau túc trực bên bố, phải nuốt nước mắt vào trong mà không có cách gì cứu được bố.

Từ khi bố con đi viện cho tới khi về nhà và qua đời, mẹ kế của con không ở quá được 10 ngày để chăm chồng, trong đó có 4 ngày con rất muốn bà ở hẳn bệnh viện để sau này bà khỏi phải ân hận. Đến tận bây giờ, khi bố con qua đời đã hơn 2 năm con vẫn không lý giải được là tại sao có với nhau 21 năm chung sống và 1 đứa con mà mẹ kế không thể nấu được một bữa cơm hay bữa cháo cho bố con vừa miệng?

May mắn của bố là tất cả các em trai gái dâu rể chúng con đều là người sống trọng tình cảm. Chi phí tất cả hàng trăm triệu, cô ơi với gia đình chúng con thì đó là một khoản tiền không nhỏ, 3 chị lớn nhất trong nhà chia đỡ cho nhau trong khi mẹ kế coi như chuyện của hàng xóm.

Sau bố mất, các con thay nhau về đấy hương khói, được 11 ngày thì thu xếp để vợ chồng con cái đứa em thứ 3 về ở cùng sau khi đã hỏi ý kiến bà và bà đồng ý. Con nghĩ sau bất hạnh mọi người sẽ nương tựa nhau mà sống.

Một kế hoạch làm ăn được thiết kế. Trong 6 chị em thì 4 chị em con phải đứng ra vay nợ ngân hàng gần 1 tỉ đồng để làm trang trại chăn nuôi tại mảnh đất mà mẹ kế con và vợ chồng đứa em thứ 3 đang ở.

Thửa đất ấy gần 1 ha, còn nguyên cho bà 2 thửa đất ở bên ngoài tổng cộng hơn 800 m2 mang tên bố và bà (có một thửa 300 m2 của bố và dì mua khi sống với nhau, thửa kia bố con đứng mua nhưng là tiền của cậu em thứ 2 cho). Cứ dăm bữa nửa tháng con lại phải chạy qua để giải quyết những chuyện về đất đai và những xích mích khác.

Rồi mẹ đi làm người giúp việc ngoài thành phố, tình cảm của mấy chị em con với cậu út cùng cha khác mẹ phần nào bị ảnh hưởng, cũng tại mẹ kế suốt ngày nói xấu mấy đám con này và vì cậu ấy đang ở xa nên hiểu lầm.

Con cũng động viên các em cứ thay bố lo cho cậu ấy học xong, khi có vợ con rồi tùy cậu ấy quyết định mọi chuyện. Con vẫn buồn lòng, mọi chuyện đổ vỡ nhanh quá sau khi bố ra đi.

--------------------

Cháu thân mến!

Lá thư dài tới 9 trang có 2 phần riêng biệt. Kỳ này cô cho in phần về gia đình lớn và kỳ thứ 6 tới đây, sẽ in phần riêng tư của cháu. Đó là ân tình đặc biệt của cô và của tòa báo với một người phụ nữ bất hạnh và rất biết hy sinh.

Cô nhớ chứ, thư lưu cho cô nhớ một người chị có tới một bầy em mồ côi mẹ, khi ấy em út của cháu mới 7 tuổi. Bố cháu tái hôn, đương nhiên rồi, lúc đó ông còn tráng niên lắm.

Xem cơ ngơi cháu mô tả thì bố rất biết làm ăn, có hàng hec-ta để ở và còn mua chung với vợ sau được 300 m2 nữa, ấy là chưa kể mảnh đất tới 500 m2 đứng tên giúp cho con trai.

Như mọi người bị nan y thời nay, bố cháu đã ra đi sớm trong vật vã. Đúng như cháu nói, may mắn của bố là 6 đứa con với mẹ của cháu đoàn kết, hiếu thảo, bên nhau, cho đến giây phút cuối cùng của bố.

Việc thu xếp của các cháu sau đó đều thiện ý cả với mẹ kế dù những ngày bố nằm bệnh, bà ấy không như các cháu mong đợi, thậm chí không được như một người vợ bình thường.

So với bố, bà ấy khá trẻ. Trẻ người thì non dạ mà con riêng của bố lại đông, chúng hùng mạnh lên nhờ biết gắn bó, chăm lo cho nhau. Như cháu đã hy sinh cả tuổi xuân của mình để lo cho các em và khi bố bệnh, tốn kém nhiều, các cháu đã cho thấy các cháu là một bức tường thành.

Việc đi làm giúp việc của bà ấy cũng không có gì quá nghiêm trọng. Thông thường, chất keo là bố đã không còn thì sự kết dính của các cháu và bà ấy sẽ bời rời ngay. Nhưng giữa các cháu là bà ấy là đứa em cùng cha khác mẹ ấy. Đừng quá lo buồn, lá rụng về cội, rồi cậu ta sẽ hướng về các anh chị khi cậu ấy lập gia đình và hiểu thêm sự phức tạp trong quan hệ giữa những con người với nhau.

Cô nhắc cháu sự khoan hòa, bởi đứa em ruột rà còn đang ăn học kia. Nên chủ động hỏi han mẹ kế, giỗ chạp tư tết nên mời bà về để cùng sum họp quanh bàn thờ của bố.

Nên có chính sách rõ ràng về những gì mà bà ấy và đứa em được thừa kế kẻo mang tiếng mình ỷ đông, ỷ mạnh, ỷ tài. Làm sao thiên hạ nhìn vào phải nể, nhất là cháu, cầm trịch thêm nữa đi, trật tự và trên dưới một lòng đi. Chỉ nghĩ đấy là người bố mình tường yêu thương, cháu sẽ thấy mềm lòng, mọi việc sẽ trôi đi, yên ả.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm