| Hotline: 0983.970.780

Cháu trai nghiện game

Thứ Ba 22/02/2011 , 10:36 (GMT+7)

Có phòng riêng, nó đóng cửa ngồi lì trong phòng, cơm tới bữa nước không màng. Tôi đã vô tình rước họa vào nhà...

Chị Dạ Hương quý mến!

Tôi là một nhà giáo góa bụa, vừa nghỉ hưu được vài năm và đang sống ở thị xã với đứa cháu nội từ quê lên ăn học. Chắc chị hình dung được cảnh nhà đơn chiếc của bà cháu tôi. Đồng lương giáo viên khiêm tốn, cháu trai tuổi ăn tuổi học, tôi hết sức cố gắng mới thu xếp được cho cháu ăn ngon mặc lành để không phải thua kém con người ta nhiều quá. Vì tôi là giáo viển nên cháu tôi đỡ phải đi học thêm, đỡ vất mà cũng đỡ tốn. Nhưng như vậy cũng chưa cầm chắc mình sẽ có đứa cháu như ý mình kỳ vọng.

Năm nay cháu nó 13 tuổi, học lớp 7. Ở gần nhà tôi là một cái chợ, rất nhiều cửa hàng game. Nếu máy vi tính nhà tôi do cậu nó ở gần đến lắp đặt và chăm sóc không có trò chơi điện tử vì không có Internet thì nó cũng trốn đi ra chợ để chơi. Rốt cục cậu mợ nó bảo thôi thì cứ lắp Internet để cho bà cháu đọc tin mạng và thằng nhỏ có nhiều thứ để học và chơi như nghe nhạc, học thêm tiếng Anh và thao tác vi tính.

Không ngờ khi tôi khống chế được cháu bằng tiền để nó không lẻn đi ra tiệm và khi có Internet tại nhà thì nó cũng không hết nghiện chơi game. Có phòng riêng, nó đóng cửa ngồi lì trong phòng, cơm tới bữa nước không màng. Tôi đã vô tình rước họa vào nhà. Nếu nó là con chắc tôi sáng suốt hơn, mạnh dạn hơn trong việc rèn nó. Nhưng cháu ở với bà thương yêu chiều chuộng quen rồi, giờ ra roi hay có những biện pháp cứng rắn quá e nó gãy.

Tôi là nhà giáo, tôi biết lứa tuổi cấp II là vô cùng quan trọng. Tôi nuôi cháu mà không tin vào bản thân mình, không tin nó sẽ có tương lai tốt đẹp. Đúng là bỏ thì thương vương thì tội. Con trai và con dâu tôi ở quê đang nuôi em gái nhỏ của nó, việc học bây giờ tạm ổn, không bao lâu nữa thì nó cũng phải theo anh nó lên thị xã với tôi. Đầu xuôi thì đuôi lọt, tôi không dám chắc cả hai đứa sẽ ngoan ngoãn, thành đạt. Khổ thân tôi. Không hiểu sao bây giờ sự học của một con người lại nhiều nỗi lo như vậy? Chẳng lẽ để cháu mình dốt ở quê mà đưa nó ra thành thì có làm cho nó tốt không, có lành không hay là nuôi rồi “trâu lành thành trâu què” hở chị?

Một nỗi niềm của một nhà giáo không biết diễn tả sao cho nó rõ hơn. Mong chị dành chút thời giờ lắng nghe và chia sẻ.

Xin chị đừng in email của tôi lên báo

Chị thân mến!

Đúng như chị mô tả, hễ có phố là có cửa hàng Internet, nhìn vào lúc nào cũng thấy bọn trẻ ngồi đơ lưng chơi game hay chát chít. Lợi bất cập hại. Nó là một hoàn cảnh kinh tế từ nghèo khó đi lên. Ở các nước giàu chẳng thấy có kiểu tiệm net như mình, cũng không thấy trẻ vị thành niên lang thang với trò chơi kiểu đó. Họ chỉ chơi trong siêu thị, cùng lắm là ở nhà, không có tiệm net sáng đèn câu nhử trẻ con đâu.

Khi đứa trẻ biết ngồi vào vi tính là chị phải để ý từ sớm. Không đợi lên cấp II đâu, học sinh lớp 3 lớp 4 đều thạo game rồi. Người lập trình cứ sản xuất chương trình để hốt bạc, nhà mạng cứ hoạt động để sinh lợi, chỉ có trẻ con thì rỗng như rô bốt và khó điều khiển như rô bốt. Phàm thứ gì nghiện cũng phải cai mới xong. Ở Trung Quốc có rất nhiều khu điều dưỡng dành cho trẻ nghiện game. Nước ta chưa thấy nhưng tỷ lệ trẻ nghiện game cao lắm chị ơi. Rất cao, rất đáng báo động.

 Một đứa học sinh lớp 6 hay lớp 7 đã rất thạo vi tính nhờ chơi game, gọi là “game thủ”. Mắt kém, lưng còng, vai rút và học sa sút, đó là những triệu chứng làm cho người ta xấu xí đi, trì trệ đi và rồi… Sẽ ăn cắp tiền để trốn đi chơi, sẽ đánh bạn vô tội vạ vì chát chít, con gái sẽ thành đàn bà sớm còn con trai thì sẽ dễ bị ma túy lân la mê hoặc.

Chị nên có nhiều giải pháp cho cháu hơn. Ví như phòng không có chốt để bà kiểm tra, ví như hai bà cháu cũng làm lụng việc nhà và bà trò chuyện nhiều hơn với cháu, ví như cho cháu thư giãn bằng tivi. Nói chung nhà thiếu đàn ông mà cháu thì ngày mỗi lớn, nó dễ bị lệch tâm sinh lý và rồi nó sẽ không ngoan. Hãy dùng mọi kinh nghiệm nhà giáo để “cai “ game cho nó, dùng ẩm thực, dùng đi chơi cùng nó, dùng những việc khiến nó kiếm ra tiền như dạy kèm các em nhỏ trong phố, hay phát huy và ưu ái những gì nó làm được từ năng khiếu. Nhất định cháu phải có năng khiếu gì chứ; toán giỏi, văn hay hoặc là vẽ đẹp.

Sao cho nó dành nhiều thì giờ cho những việc khác để giãn giờ ngồi bên vi tính ra. Vừa nghiêm vừa khoan hòa, mà cũng vừa “kín miếng” với lứa tuổi ấy để dần dà đưa nó trở lại quỹ đạo con ngoan cháu hiền. Ngày lễ tết hay ngày hè hãy để nó về quê làm lụng để nó biết thương cha mẹ và gần với thiên nhiên tốt lành ở quê. Nhất định phải kiểm soát quan hệ bạn bè của nó, ai không ngoan không cho chơi, muốn vậy phải có đôi ba đứa tử tế đến nhà để chơi với nó.

Những điều tư vấn chắc chị không lạ. Mong chị vững tin, yêu đời và may mắn với cháu nội của mình.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm