| Hotline: 0983.970.780

Chị gái em "mắc nợ" chồng

Thứ Năm 22/03/2012 , 10:51 (GMT+7)

Chị gái em chắc mắc nợ anh rể của em nên ở vậy để đến đứng tuổi mà trả nợ. Cái nợ thì không biết bao nhiêu cho đủ, có cái người ngoài nhìn thấy, có cái người ngoài không nhìn thấy.

Ảnh minh họa
Chị Dạ Hương kính mến!

Em đọc chị đã nhiều năm trên NNVN và em rất thích. Nay em mạo muội viết lá thư này không xin ý kiến chuyện của em mà là của chị ruột mình.

Chị ơi, chị gái em là một người muộn chồng, mãi tới năm gần bốn mươi tuổi chị mới gặp anh rể em. Anh ấy góa vợ, gà trống nuôi ba đứa con. Vợ của anh không may bị tai nạn mất lúc đứa con nhỏ nhất của anh mới năm tuổi. Trong hoàn cảnh đó anh rất cần một phụ nữ cùng anh chia sẻ và chị em đã đến với anh ấy sau khi anh mãn tang vợ. Anh là người có một chức vị nhỏ ở thị trấn, có đất và có nhà cửa khang trang. Nhưng ba đứa con của anh không được ngoan cho lắm. Má em thương con son rỗi bỗng dưng nặng gánh, thương đến lúc má em mất mà vẫn con buồn đau cho chị em.

Anh rể em là người rất chân tình hiếu đạo. Anh ấy có trách nhiệm với gia tộc, ai nghèo anh ấy giúp, ai đau ốm anh đi thăm, ai gửi con lên thị trấn ở để học trường tốt, anh cũng nhận hết. Nhà anh chị em như một nhà từ thiện, lúc nào cũng có hàng chục người trong bữa cơm. Ngay như bên vợ cũ của anh, anh cũng hay đi về, còn rủ chị em về cùng trong những dịp lễ tết hay giỗ chạp. Khi má của vợ cũ, tức bà ngoại của mấy đứa nhỏ bệnh thì chị em đưa lên thị trấn nuôi như thể mình là con gái ruột.

Một người hiếu nghĩa thì sẽ được khen, em thấy chị của em thật bận rộn, bao la mà cũng lớn thuyền lớn sóng. Và bất hạnh lớn nhất là chị ấy không có con với chồng được, chắc do nhiều tuổi rồi. Đứa con riêng của anh rể em, đứa con trai lớn ấy lấy vợ, chưa được bao lâu, đứa con của nó mới hai tuổi thì chúng nó bỏ nhau. Vợ nó đi Đài Loan làm mướn, nó ở riêng một mình, chưa bao lâu thì có con với cô khác, anh rể em không vừa ý nhưng vẫn phải cưới. Thế là ông bà nuôi cháu nội, chị em không có con nhỏ mà như thể có con nhỏ từ đó.

Đáng buồn là bên ngoại của chúng nó có người rất giàu mà ít khi dòm ngó đến chúng. Một tay chị em gánh vác hết. Nếu má em còn sống chắc má em cũng hết nước mắt vì đám con riêng không ngoan của con rể. Gần đây, má vợ cũ của anh bệnh già, mấy người con của bà ở quê sanh nạnh nhau, họ có ý gửi bà lên thị trấn cho chị em chăm sóc. Chao ơi, sao lại có chuyện lo bao đồng và tréo ngoe như vậy hở chị? Em rất muốn ý kiến nhưng khó nói quá. Sức người có hạn, anh rể em đã về hưu, tiền bạc cũng có hạn, lại cháu nhỏ, lại hai đứa con không ngoan kia chưa có gia đình nữa, làm sao chị của em chịu nổi?

Mong chị cho em vài ý kiến và em nghĩ, sẽ dùng kỳ thư này trò chuyện với anh chị em điều khó nói.

Em xin chị giấu email.

Em thân mến!

Trước hết nói về phúc phận, cái số của chị em vậy mà long đong. Ở đến đứng tuổi, tưởng sẽ rãnh rỗi, không ngờ tình yêu đến, lấy chồng. Không có con được, ôm một đống con chồng nuôi, còn cả cháu của chồng và gì gì nữa. Rồi đến đứa cháu nội nhỏ ấy, xem như một đứa con trong vòng tay rồi còn gì. Thật là nặng nợ, thế mới biết nợ trần ai ai cũng phải qua, nghiệp chướng cũng phải chịu, không ai gánh thay cho ai được.

Nhưng chị của em là người có đức. Đó là may mắn của anh rể em. Trong mọi cuộc hôn nhân, nói theo người phương Đông mình, phải có một người nợ một người. Chị gái em chắc mắc nợ anh rể của em nên ở vậy để đến đứng tuổi mà trả nợ. Cái nợ thì không biết bao nhiêu cho đủ, có cái người ngoài nhìn thấy, có cái người ngoài không nhìn thấy. Bà cụ kia, là bà ngoại của những đứa nhỏ, chị của em quan niệm mình thế chỗ con gái người ta, mình có bổn phận cũng phải. Người hiền hay nghĩ vậy và người hiền cũng rất dễ bị lợi dụng.

Đó là chuyện nhà của chị ấy. Mình ruột thịt mình đau xót, thế thôi. Má của em cũng vì tình mẫu tử mà xót con, nhưng làm sao được. Hãy để mọi việc tự nhiên, gánh lâu thì sẽ mỏi, khi mỏi thì chính người đó sẽ có thái độ, em đừng quá xót chị mà ý kiến rồi anh rể em biết được anh sẽ buồn, sẽ làm anh chị tổn thương, mất vui, mất hạnh phúc.

Nếu tiện, lúc nào đó em nên tỉ tê với chị, xem cái gánh vợ cũ kia có lợi dụng chị của em, lợi dụng lòng tốt của người ta không. Nuôi một người già lão suy, con ruột đâu mà đẩy cho con rể cũ và cho chị gái của em? Mình tốt nhưng phải sáng suốt, phải biết hình dung, một người đau lâu ốm dài, trong nhà như vậy thì có tới bốn thế hệ, tứ đại đồng đường một cách lộn xộn thì ai sẽ lập ra trật tự, công xá và tiền nong? Nói chị của em hãy lượng sức mình, ôm thì được khen, nhả ra sẽ bị kêu ca, thói thường là vậy, đừng có dại.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm