Bể nuôi cá hương |
Chúng tôi thật sự choáng ngợp trước sự đầu tư quy mô, bài bản của Trại Sản xuất cá giống tư nhân Dung Quất ở thôn Bằng Bộ. Chủ trại Phạm Văn Quất cho biết, tổng diện tích mặt nước nhân nuôi cá giống ở đây là 7,5ha, bao gồm 39 ao nuôi chuyên biệt, trong đó có 10 ao nuôi cá bố mẹ các loại, 10 lồng máy ấp trứng cá.
Toàn bộ bờ ao, thành ao đều được kè cứng bằng bê tông tới sát đáy. Nhiều loại máy bơm nước, máy phát điện dự phòng, lưới cụ và xe ô tô vận tải… Sẵn sàng cho chuyên chở cá giống đến mọi nơi, mọi lúc theo yêu cầu khách hàng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Quất ước tính: Theo giá trị hiện thời, tổng vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm vật tư thiết bị, khoảng hơn 17 tỷ đồng. Tất cả đều bằng nguồn vốn tích luỹ từ sản xuất cá giống nhiều năm trước đó. Đây được coi là một trong những trại sản xuất cá giống tư nhân lớn nhất miền Bắc. Sản xuất được tất cả các giống cá nước ngọt, kể cả các con giống khó sinh sản như trê đồng, lăng, nheo...
Trung bình mỗi năm trại sản xuất và cung ứng ra thị trường được hơn 700 triệu con cá giống các loại. Doanh thu trên 12 tỷ đồng. Lãi ròng 1,5 tỷ đồng. Tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại chỗ. Lương cho người lao động 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, mỗi năm trại cá giống Dung Quất còn dành gần trăm triệu đồng ủng hộ các quĩ bảo trợ xã hội của địa phương như quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, quỹ trẻ em khuyết tật...
Được biết, hiện cá giống của trại Dung Quất đã phủ kín thị trường nuôi cá ở các tỉnh thành ở miền Bắc và miền Trung.
Các lồng máy ấp trứng cá |
Bí quyết sản xuất cá giống luôn có lãi cao của ông Quất là: Chỉ dùng nước giếng khoan cho nhân nuôi cá giống. Nắm vững thị trường và dự báo đúng thị trường, để xây dựng kế hoạch sản xuất từng chủng loại con giống. Cập nhật kịp thời các tiến bộ kỹ thuật nhân nuôi cá giống mới. Chỉ dùng các chế phẩm sinh học và thức ăn công nghiệp cho cá từ các nhà sản xuất có uy tín như: Chế phẩm xử lý nước ao Clorine Ấn Độ, cám cá Cargill (Mỹ), cám cá De Heus (Hà Lan), cám cá Kinh Bắc (Việt Nam).
Sở dĩ ông Quất chỉ sử dụng nước giếng khoan trong sản xuất cá giống, là do địa phương sẵn có nguồn nước ngầm rất trong, không bị kết váng ô xít sắt và một số độc tố khác. Ngoài ra, nước giếng khoan rất mát về mùa hè, khá ấm về mùa đông, dùng cho nhân nuôi cá giống không cần sử dụng thêm biện pháp chống nóng hoặc rét cho cá. Có thể với một số con giống kém chịu rét như cá lăng, nheo, chim trắng cần thả thêm bèo tây lên mặt ao tránh rét cho cá nuôi.
Mặt khác, nước sông trong một số năm gần đây đã bị ô nhiễm. Trong khi cá giống rất mẫn cảm với môi trường nước. Vì vậy, nếu sử dụng nước sông cho sản xuất cá giống, sẽ khó tránh được rủi ro.
Theo ông Quất, do ảnh hưởng của giá thịt lợn, nên giá các loại thuỷ sản cũng giảm theo khá sâu so với cùng kỳ năm trước. Trong đó cá rô phi giảm sâu nhất, người nuôi đang lỗ 7 - 10 nghìn đồng/kg. Nhưng các loại cá trắm, chim, mè, chép… vẫn có lãi 20%. Riêng cá rô đầu vuông đang được lãi cao ngất ngưởng.
Hệ thống lồng ấp cá giống |
Khái lược về quá trình hành nghề nhân nuôi cá giống của mình, ông Quất tâm sự: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người lính sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ 1979 - 1982, ông được chuyển ngành về làm công nhân ở trại cá Lê Hồng - Thanh Miện. Tới năm 1987, hưởng ứng kế hoạch tinh giảm biên chế của nhà nước, ông Quất đã tình nguyện xin nghỉ hưởng chế độ một lần, rồi về quê mở nghề sản xuất cá giống.
Với kinh nghiệm tích lũy được ở trại cá Lê Hồng và bằng cách lấy ngắn nuôi dài, ông Quất đã chuyển 0,5ha ruộng trũng của gia đình thành các ao nhân nuôi cá giống từ đó đến nay. Sau 30 năm căn cơ lập nghiệp, ông Quất đã có được trại sản xuất cá giống quy mô lớn như bây giờ.
Ông Bùi Hữu Tiếp, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện nhận xét: "Ông Phạm Văn Quất đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận là hộ nông dân điển hình tiên tiến về sản xuất, kinh doanh hiệu quả của cả nước. Ngoài góp phần quan trọng đẩy nhanh sự phát triển ngành chăn nuôi thủy sản nước ta, ông Quất còn có nhiều đóng góp đáng kể cho đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Có thể coi là ông một nhà nông vừa tâm vừa tài”. |