| Hotline: 0983.970.780

Chồng đòi lập "quỹ đen"

Thứ Sáu 05/08/2011 , 14:34 (GMT+7)

Đến lúc chồng cháu làm có tiền, anh ấy lại giấu diếm cháu để cất riêng không đưa cho cháu giữ để cùng lo toan cuộc sống.

Ảnh minh họa
Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu luôn đọc những lời chia sẻ của cô với các bạn trên báo NNVN. Hôm nay cháu tìm đến cô để xin cô cho cháu lời khuyên.

Hiện tại cháu rất buồn cô ạ. Vợ chồng cháu lấy nhau đã được hơn 1 năm, anh ấy đã từng có vợ và một con gái nhưng đã ly hôn lâu. Còn cháu thì lầm lỡ sớm nên cũng có một cô con gái riêng. Chúng cháu lấy nhau và đến nay đã sắp sinh em bé.

Cuộc sống một năm qua dù chật vật nhưng hạnh phúc. Công việc bọn cháu ổn định và có thu nhập nhưng vì vợ trước của anh ấy gây ra nợ nần rồi bỏ theo người khác nên khi lấy anh, chúng cháu phải trả nợ dẫn đến hơi vất vả về tiền nong. Cháu thương anh ấy nên một mình gánh vác chi tiêu gia đình để nguyên tiền lương của anh trả nợ do vợ cũ để lại.

Cháu sống trải lòng. Trước kia cháu dành dụm được ít tiền, cháu đem ra mua sắm nội thất trong nhà, nào là tivi xịn, bàn ghế xịn, không tính toán chút gì. Chồng cháu thời gian trước đi xe cơ quan cấp, đến khi có quyết định chuyển công tác đến cơ quan khác nên không có xe, cháu chẳng cần suy nghĩ mà mua luôn cả chiếc xe hơn 30 triệu để chồng cháu có xe đi làm không thua kém đồng nghiệp. Chỉ có cháu biết tiền mua xe còn thiếu 7 triệu nên cháu xin trả góp hàng tháng.

Cháu vừa lo tài chính sinh hoạt, vừa phải trả tiền góp xe hàng tháng, vô cùng vất vả. Cháu phải tính toán chi li, thắt chặt nhiều khoản chi tiêu khác để có tiền trang trải. Thế nhưng đến lúc anh ấy làm có tiền, anh ấy lại giấu diếm cháu để cất riêng không đưa cho cháu giữ để cùng lo toan cuộc sống.

Lúc cháu biết được số tiền này, anh ấy nói vừa tạm ứng để chuẩn bị đi công tác. Cháu biết là anh ấy không tạm ứng gì cả mà tiền người ta cho. Cháu đã nói chuyện nghiêm túc với anh, rằng vợ chồng thì phải tin tưởng nhau, anh đưa tiền cho em thì em tiết kiệm để dành lúc đau ốm, rồi lo cho con nhưng anh ấy chỉ trả lời rằng: Anh chẳng tin ai cả, chỉ khi nào cháu sinh cho anh ấy đứa con trai thì anh mới tin được.

Cháu vô cùng bị tổn thương khi anh ấy nói ra như thế. Chỉ nghĩ đến thôi cháu đã mất ngủ và nước mắt không ngừng tuôn. Tại sao cháu sống như vậy mà anh ấy lại đối xử với cháu như vậy hả cô? Giờ đây cháu nên sống và xử sự thế nào đây cô?

Xin cô cho cháu lời khuyên thật sớm cô nhé.

Mong cô đừng in email của cháu lên báo

Cháu thân mến!

Những đôi như vợ chồng cháu sẽ có cảnh “con anh con em và con chúng ta”. Ngoài tình yêu lớn, còn phải có nghệ thuật sống nữa mới mong vững bền. Ai chẳng muốn một lần này thôi, cháu cần một bến đỗ, cậu ấy cần một mái ấm. Nhưng mà không phải ai cũng làm được điều mình mong ước. Cầm chắc là gian nan hơn hẳn các đôi suôn sẻ từ đầu.

Nghe cháu tả cô biết các cháu thuộc loại có tiền, có chức phận, có nhà riêng và có nhiều thứ mà người khác chưa có. Hai đứa con gái riêng cũng là tài sản của hai người đó thôi. Thông thường, phụ nữ mình khi đã yêu thì không tiếc, y như cháu vậy. Nhưng khi đã chạnh lòng thì lập tức tủi thân và kể lể. Cháu cũng đâu có ngoại lệ.

Cháu có xấu không? Không, cháu cũng nhi nữ thường tình, lầm lỡ rồi ôm hận ôm con, khi bập vào người đàn ông này thì ôi thôi, lo từ đồng tiền ăn xài hàng tháng đến chiếc xe cho chồng đi lại. Nhưng cậu ấy thì sao? Cậu ấy như con chim bị thương, thấy cành cong là sợ. Cậu ấy bị một bà vợ theo trai để lại cho một đống nợ, cậu ấy có cơ sở để nói rằng không dám tin ai. Tâm trạng bị tổn thương, vẫn chưa thoát khỏi phập phồng, nay vợ mới lại đem chuyện tiền nong ra cật vấn sớm, quá khổ đi thôi.

Cần cảnh giác vấn đề tài chính như những con mối làm xoáy lở đê điều. Vợ chồng một cột một kèo còn bị chuyện đó ám, huống chi là các cháu. Theo thăm dò của chính cô, đa số các gia đình đều có tài khoản riêng của vợ chồng. Người thì mật mã thẻ ATM chung, người thì vợ biết được tổng số nhưng vẫn để cho chồng chừng đó chừng đó cho ngoại giao, gia tộc, tiêu xài lặt vặt. Phải dám “mích lòng trước được lòng sau”, nghĩa là cháu phải thảo luận với chồng về thu nhập, chi tiêu, cân đối và dành dụm.

Lương bao nhiêu nhất thiết vợ phải biết về chồng và ngược lại. Chồng đưa hết hay là chồng đảm trách những khoản nào, phải “góp gạo” thì mới có cơm chung được chứ. Rồi đứa con sinh ra, chồng phải làm thêm không, có tiền thì chồng giữ chừng nào và cố định hàng tháng cho vợ chừng nào. Cháu muốn giữ hết là không thể, nhất là cậu ấy có con riêng. Nhưng khi đã xong nợ thì không biết đến đóng góp cũng là tệ, là lợi dụng, là ỷ lại.

Như đã nói, nghệ thuật là tâm sự, thảo luận, đường hoàng, chi tiết nhưng thấu hiểu.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm