| Hotline: 0983.970.780

Con cái có quyền xem mẹ già như giúp việc?

Chủ Nhật 24/09/2017 , 14:33 (GMT+7)

Duy là con trai út của bà Thân. Trước Duy còn có hai người chị. Tuy gia đình ở nông thôn không khá giả, nhưng hai chị đều nghỉ học sớm, cùng bố mẹ dồn sức đầu tư cho cậu Út học hành đến nơi đến chốn.

08-06-48_trng_10-2
Ảnh minh họa

Sau khi tốt nghiệp, Duy xin được việc làm rồi lấy vợ, có hộ khẩu luôn ở thành phố. Mới rồi, Thảo, vợ Duy sinh con. Do ông bà sui vẫn đang đi làm, không thể giúp Thảo nên Duy nài nỉ mẹ lên thành phố ở cùng.

Vừa đặt chân vào nhà, bà Thân ân cần nói Thảo mới sinh phải kiêng cữ. Cứ việc nghỉ ngơi, khoan động chân động tay vội. Mọi việc trong nhà cứ để bà lo. “Được lời như cởi tấm lòng”, từ đó, Thảo chỉ việc chăm con, cho con bú rồi ăn với ngủ. Do được mẹ chồng chiều, sung sướng quá nên Thảo sinh ỉ lại. Nhất nhất mọi việc trong nhà đều giao hết cho bà Thân. Ngay cả khi thằng cu đã ngủ say, cô cũng thản nhiên nằm xem ti vi hay bấm điện thoại, lướt web, mặc kệ mẹ chồng tất bật với cả núi công việc.

Hết kỳ nghỉ thai sản, Thảo giao cháu cho bà Thân rồi đi làm. Thế là trên vai bà Thân, ngoài một đống việc nhà, giờ phải gánh thêm thằng cháu nội. Tuy chỗ làm rất gần nhà nhưng chẳng mấy khi Thảo tranh thủ về sớm đỡ đần mẹ chồng.

Sáng sớm, trong khi cả nhà đang ngủ ngon giấc, bà Thân đã lích kích mò dậy nấu nước pha trà, cà phê cho người lớn, pha sữa cho thằng bé rồi chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Ăn xong, Thảo thong thả soi gương, trang điểm, chọn giày dép, quần áo… rồi đi làm. Nếu lúc đó thằng bé tỉnh giấc thì dù bà Thân đang rửa bát hay lau nhà cũng bị Thảo réo ơi hời vào bế cháu.

Vì biết có hàng lô việc đang chờ nên bữa sáng bà Thân vội vã ăn qua quýt cho xong rồi quay sang lo cho cháu, nào là thay tã, lau rửa, rồi pha sữa, cho bú bình… Khoảng 9 giờ sáng, khi may mắn dỗ được cháu ngủ, bà Thân lại tranh thủ ra rửa bát đĩa, lau dọn nhà cửa, lặt rau, làm cá, xắt thịt… chuẩn bị bữa trưa.

Thằng cu chỉ ngủ một giấc ngắn đã dậy ọ ẹ. Thế là bà Thân đành gác các công việc khác để lo cho cháu vì không thể để nó chơi một mình vì sợ nhỡ xảy ra chuyện gì không hay. Nhiều hôm thời tiết thay đổi, hoặc vừa tiêm phòng, hoặc mọc răng, đi tướt... thằng bé quấy khóc, lúc nào cũng nhèo nhẽo đòi bà bế trên tay. Do vậy, dù biết đã đến giờ nhưng bà chẳng thể nào vào bếp chuẩn bị bữa trưa. Khi Thảo đi làm về, chẳng hề để ý đến vẻ mệt mỏi của mẹ chồng, thường sẵng giọng: “Đói muốn chết đây mà sao bà vẫn chưa nấu cơm?”. Bà Thân áy náy: “Thằng cu quấy quá nên mẹ chưa kịp làm gì cả. Thôi! Con trông cháu để mẹ vào bếp cho!”. Ôm con từ tay bà Thân, Thảo nghiêm nghị nhìn mẹ chồng: “Bà cho cháu ăn chưa? Trẻ con phải được ăn uống đúng giờ giấc đấy nhé!”. Bước vào phòng, thấy tã lót quần áo bày bừa bộn, Thảo nhăn nhó: “Bà làm gì mà mấy cái tã này cũng không chịu thu dọn? Ở nhà suốt ngày mà có một bữa cơm cũng không nấu được?”…

Mâm cơm dọn lên, bà Thân phải trông thằng cu cho mẹ nó ăn trước. Xong bữa, Thảo phải nghỉ ngơi để chiều còn đi làm nên bà nội vừa ôm cháu vừa và vội cho xong bữa. Bỏ chén bát vào bồn, bà Thân quay sang dỗ dành thằng bé. Nếu nó chịu ngủ thì bà có thể chợp mắt mươi mười lăm phút trước khi phải trở lại bếp rửa chén đĩa. Nếu không, bà phải ôm cháu đi dạo quanh nhà cho nó khỏi quấy mẹ.

Suốt buổi chiều, bà Thân lại quần quật đánh vật với thằng cháu cùng với đủ loại công việc khác như buổi sáng. Bà chỉ mong mau đến giờ tan sở để bố thằng bé về, bế con cho bà làm nốt công việc nhà. Kẻo con dâu về lại trách bà sao chưa dọn cơm tối, sao quần áo khô rồi mà chưa cất, sao đồ dơ vẫn chưa bỏ vào mấy giặt, sao sàn nhà đi nhám chân thế này?…

Nhìn hoàn cảnh bà Thân, hàng xóm hay chép miệng: “Đúng là một mẹ già bằng ba con ở”. Con ở, tức là Osin í, đã được hưởng lương cao, mà còn nay yêu sách này, mai đòi cái nọ… Còn bà Thân, chẳng có lương thì chớ mà còn bận rộn hơn cả Osin. Nghe vậy, bà Thân chỉ cười, nói là tuy cũng mệt thật. Nhưng chẳng là gì so với công việc đồng áng ở quê. Với lại, mình thương con thương cháu nên cố thôi. Nói vậy nhưng trong bụng bà nghĩ, nếu Thảo cứ cư xử kiểu này, có lẽ chỉ vài bữa nữa, có thương cháu cách mấy, bà cũng phải “xin thôi việc”.

(Kiến thức gia đình số 37)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm