| Hotline: 0983.970.780

Đau khổ khi chồng cặp bồ

Thứ Ba 05/04/2011 , 10:47 (GMT+7)

Anh ấy không bạo lực nhưng hành hạ tâm hồn con bằng hành động. Gia đình con đang trong tình trạng hiểm nghèo...

Cô Dạ Hương thân mến!

Con lập gia đình khi 21 tuổi, bây giờ con đã 29. Thật sự con chưa thấy được hạnh phúc bao giờ, con khổ tâm lắm.

Anh ấy là lính của ba con trong cơ quan. Gia đình anh cũng là đồng nghiệp của ba con, đạo đức lắm. Nhưng anh bây giờ thì không được tốt như trước nữa. Khi người ta có chút danh phận trong xã hội thì người ta cũng thay đổi bản tính, đúng không cô?

Người ta nói “xa mặt thì cách lòng”, nhưng con thiết nghĩ, lòng hay dạ là do mình chứ. Danh dự là nguyên tắc đứng đầu trong quan niệm của con. Con đã thông qua ba mẹ chồng để phân giải cho hai đứa. Người thứ ba mà con muốn nói còn độc thân. Nhiều người khuyên con còn trẻ, đừng buồn làm gì nhưng bạn bè con nhiều đứa cũng than “biết vậy tao không lấy chồng đâu”. Họ còn bảo “ông chả bà nem” nhưng con không làm được việc đó.

Chồng con là bầu show nhỏ, còn người thứ ba là cô giáo dạy nhạc và có đi hát. Anh hay lén lút nhắn tin với người đó, để đối phó với vợ, anh đã xóa hết tin đến và đi. Họ hay đi hát, gặp nhau, ở ngoài đường thì đầy nhà trọ trong khi hai mẹ con của con ôm nhau nằm nhà. Nhiều lúc con muốn buông xuôi, có câu “quạ tha thì mất, chó liếm thì còn”, chỉ vì người ta không nằm trong hoàn cảnh nên mới nói vậy. Con đã mất niềm tin ở đàn ông, mất đi cảm giác người vợ và sống chỉ vì con thơ mà thôi.

Anh ấy không bạo lực nhưng hành hạ tâm hồn con bằng hành động. “Trống không ai dám đánh thùng, bậu không ai dám giở mùng chun vô”, nếu như người nữ có học kia biết điểm dừng thì gia đình con đâu có sụp đổ. Gia đình con đang trong tình trạng hiểm nghèo nhưng ba mẹ con bảo ly hôn rồi cha dượng và dì ghẻ, thằng nhỏ con của con sẽ ra sao?

Con đi làm mà lòng nhiều nỗi. Chuyện riêng đã vậy, chuyện cơ quan cũng đâu có vui vẻ gì. Cô biết con sợ nhất chuyện gì không? Là chuyện “tiếp khách” đó cô. Hai từ ấy sao mà ghê quá. Nữ mà ngồi nhậu sao thấy không đẹp mắt gì. Có khách xa đến làm việc, xong thì lãnh đạo tổ chức nhậu và thế là tụi nữ tụi con phải ngồi lại tiếp khách. Việc nhà, con nhỏ đang chờ, từ chối thì bị bảo “lãnh đạo yêu cầu mà không nể à?”. Nếu mỗi năm có liên hoan thì còn được, đằng này…Bình đẳng giới sao còn hạn hẹp quá, ước gì phụ nữ chúng con nhiều tiếng nói hơn? Thật là một nỗi ám ảnh tâm lý nặng nhọc cô ơi. Ở các cơ quan khác có vậy không cô?

Con xin cô giấu tên và địa chỉ giúp

Cháu thân mến!

Thư cháu có hai tâm trạng, mặt nào cũng nghiêm trọng cả.

Thứ nhất, chuyện chồng cháu. Lá thư rất nhiều than phiền nhưng ít thông tin về cháu, về chồng và về người thứ ba kia. Cháu đi làm, hôn nhân đã được 8 năm và con trai còn nhỏ. Chồng cháu là bầu show và người kia là cô giáo nhạc kiêm ca sĩ (chắc còn vô danh?). Từ lá thư của cháu, như một giọt nước làm tràn cảm nhận của cô về đàn ông thời nay, rằng họ rất dễ tình ái linh tinh và chuyện ngoại tình như là đương nhiên, như cơm bữa.

 Cháu đã biết được gì về chồng và người kia ngoài chuyện họ hay đi hát ban đêm trong khi cháu nằm nhà, ngoài những tin nhắn gửi đi nhận về và đã bị xóa. Hình như mọi thứ còn mơ hồ, bầu show và thành viên nhóm, đêm hôm và nhà trọ, tin đến rồi tin đi bay trong gió thoảng. Chỉ có chừng ấy mà cháu đã muốn ly hôn, đã đánh động với nhà chồng sao? Có quá suy diễn và vội vàng không cháu? Giới văn nghệ là vậy đó, vợ cái con cột nhưng vẫn hay đong đưa ngẫu hứng. Ai lấy họ thì trước tiên phải chấp nhận hôn nhân của mình như cái chòi lá trên cây cột của dân làm đáy hàng khơi: mong manh và sóng gió, nó đòi hỏi con người những cung bậc khác thường, kiên nhẫn và thấu hiểu.

Thứ hai, chuyện tiếp khách ở công sở. Về mặt này cô thừa nhận là hiện nay nó đã thành tệ nạn. Lãnh đạo một cơ quan thì phải chạy vạy, ứng xử thậm chí phải nịnh nọt đễ giữ được chức, xin được tiền và tồn tại. Phụ nữ dưới quyền họ như vườn hoa, đẹp ít hoặc đẹp nhiều thì đều là hoa, phải được khoe khoang và được đãi khách. Họ coi các cháu như sở hữu, họ mời người khác thụ hưởng, để đổi chác. Ban đầu là vui, khi nó đã thành hiệu quả thì chuyện ấy thành qui trình của cơ quan khi vận hành cho việc xin – cho – đãi đằng.

Cháu dị ứng là phải. Cũng như cô từng dị ứng khi thấy sếp bây giờ như ông chủ, ăn xài xả láng và coi nhân viên như người nhà, con ở! Rồi cũng quen, đi đâu bây giờ, “chạy trời sao khỏi nắng?”. Cô đi từ chiến tranh và bao cấp ra, thời gian ngao ngán về những căn bệnh của công sở không dài, rồi về hưu là thoát. Nhưng các cháu mới bắt đầu, không tập làm ngơ sao sống nổi?

Hãy bình tâm, chuyện nhà nên khoan dung, chuyện cơ quan nên tùy cơ ứng biến. Không có cách nào khác nếu muốn thanh bình để nuôi con nhỏ. Mọi chuyện hãy hy vọng vào thời gian.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm