| Hotline: 0983.970.780

Đau xót trước cảnh tượng tàn phá những cánh rừng gỗ nghiến trăm tuổi

Thứ Năm 25/08/2016 , 15:10 (GMT+7)

Tại khu vực rừng xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên người dân ngang nhiên vào rừng đốn hạ những cây gỗ nghiến cổ thụ để làm thớt.  Những cánh rừng đang thưa dần những cây gỗ nghiến cổ thụ vài trăm năm tuổi. 

Ngang nhiên phá rừng

Chúng tôi có mặt tại trung tâm bản Hột, xã Mường Đun và dễ dàng nghe thấy tiếng máy cưa gầm rú bên trong những cánh rừng quanh bản. Ông Phương Chí Hoa, một người dân ở đây cho biết: Hằng ngày có rất nhiều xe máy chạy qua đây để vào rừng, đến chiều xe lại chở thớt ra khỏi rừng.

Theo con đường mòn từ nhà ông Hoa, chỉ băng qua một quả đồi, chúng tôi thấy hơn chục chiếc xe máy tập kết tại đây. Từ nơi tập kết xe, chúng tôi men theo dấu chân để tìm đến nơi xuất phát của tiếng máy cưa. Bắt đầu vào khu rừng rậm là một thân cây gỗ nghiến dài khoảng 30m, đường kính khoảng 50cm bị đốn hạ. Đi sâu vào khoảng 200m là một địa điểm khai thác khác của lâm tặc.

Tại đây, một thân cây gỗ nghiến với đường kính 1,3m đã bị đốn hạ. Lâm tặc chỉ bỏ lại phần gốc cây bị rỗng ruột và những mảnh vụn mỏng trong quá trình “chế tác” thớt nghiến, xung quanh mùn cưa vẫn còn rất mới.

Từ vị trí này, càng đi sâu vào khu rừng, chúng tôi càng chứng kiến nhiều điểm khai thác gỗ của lâm tặc. Những khúc gỗ còn sót lại trong rừng chúng tôi đo được với đường kính từ 0,8 - 1,3m. Càng đi sâu vào khu rừng này cảnh tưởng chặt phá những cây gỗ nghiến có đường kính lên đến gần 2m càng nhiều. Trong khu rừng có đến 4 - 5 chỗ vang lên tiếng máy cưa, tiếng gọi nhau í ới của lâm tặc.

Cuối cùng sau khoảng 30 phút vất vả vì phải leo trèo qua các vách đá, chúng tôi cũng đến sát được điểm lâm tặc đang khai thác gỗ. Tại đây, gần 10 người cả nam lẫn nữ đang hì hục với công cuộc phá rừng. Một cây gỗ nghiến với đường kính khoảng 2m đã bị nhóm người này đốn hạ. Hai người đàn ông thay nhau dùng máy cưa để xẻ ngang thân cây thành những lát dày khoảng 5cm. Những người khác, cặm cụi đẽo những lát gỗ kia thành những chiếc thớt tròn trịa có đường kính 50cm.

dsc-7781161221850
Cây nghiến có đường kính gần 1m đã bị lâm tặc xẻ thịt

 

Đám người này cho biết cây gỗ nghiến này có tuổi thọ vài trăm năm nhưng cây này không phải là cây to, nếu khai thác hết chắc được khoảng 300 cái thớt, có cây to, ruột không rỗng có khi khai thác được cả nghìn cái thớt. Trung bình mỗi ngày đám người này khai thác được khoảng 20 đến 30 cái thớt, với giá bán ngay tại rừng là 50.000 đồng/cái.

 

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời phóng viên về tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép tại khu vực rừng thuộc xã Mường Đun, ông Giàng A Lử, Kiểm lâm viên (thuộc Hạt Kiểm lâm Tủa Chùa) phụ trách địa bàn xã khẳng định: “Không có tình trạng phá rừng, nếu có thì  ở đây tôi sẽ nắm được hết. Tình trạng khai thác gỗ nghiến để làm thớt là thuộc địa phận của tỉnh Sơn La. Ở Mường Đun thì chỉ có vài cây bị đổ do gió bão nên người dân khai thác”.

Khi được phóng viên hỏi lại là vậy những cây bị khai thác để lấy gỗ là do bị gió đổ chứ không phải do bị chặt phá thì ông Lử trả lời ấp úng rằng: “Do địa bàn rộng nên chúng tôi không thể đi hết được”.

Về phía lãnh đạo xã Mường Đun, ông Giàng A Páo, Chủ tịch HĐND xã Mường Đun lại khẳng định rằng, trước đây có tình trạng phá rừng nhưng hiện tại thì không có.

Để tìm được câu trả lời xác đáng, chúng tôi đã làm việc Hạt Kiểm lâm và lãnh đạo UBND huyện Tủa Chùa. Thế nhưng câu trả lời vẫn là không có tình trạng khai thác rừng trái phép trên địa bàn huyện, nếu có chỉ là địa phận giáp ranh với huyện Tuần Giáo (Điện Biên) hoặc huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La).

dsc-7790161222196
Lâm tặc xẻ cây nghiến có đường kính gần 2m làm thớt

 

Trả lời phóng viên, ông Lò Văn Sân, quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa khẳng định: Ở địa bàn xã Mường Đun, năm ngoái có hơn 100m3 gỗ do gió bão đổ, Hạt Kiểm lâm đã báo cáo với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm và Sở NN-PTNT, xin ý kiến chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có. Bởi vậy số gỗ đó vẫn nằm trong rừng, người dân lợi dụng lúc cán bộ kiểm lâm không ở đấy để vào khai thác trộm những cây đổ từ năm ngoái, năm kia. Còn việc chặt hạ mới tôi khẳng định là không có?

Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa Lê Thanh Bình cũng khẳng định: “Trong thời gian qua, nhân dân các xã, đặc biệt là Mường Đun và Tủa Thàng, người dân có sang khu vực giáp ranh rừng của huyện Tuần Giáo để khai thác gỗ nghiến làm thớt. Còn trên địa bàn huyện Tủa Chùa, trong thời gian qua cơ bản không để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép”.

Khi phóng viên đưa những hình ảnh về việc khai thác những cây nghiến còn tươi được ghi lại tại hiện trường thì lãnh đạo UBND huyện Tủa Chùa và Hạt Kiểm lâm cho rằng đấy là những cây nghiến thuộc địa bàn huyện Tuần Giáo!?

Trong khi chủ rừng (người dân bản Hột và bản Kép) khẳng định nơi xảy ra tình trạng khai thác gỗ nghiến thuộc địa phận xã Mường Đun.

Tại các vị trí mà phóng viên ghi hình, cán bộ Kiểm lâm huyện Tủa Chùa đo bằng máy GPS được 2 tọa độ: E00551446 N02417867 và E00551579 N02418566. Ông Trần Đức Quyền, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa khẳng định 2 tọa độ trên thuộc địa phận xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo.

dsc-7795161222710
Ảnh: Vinh Duy

 

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo. Tại đây, ông Đinh Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo thừa nhận: “Đúng là có tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép tại địa phận xã Phình Sáng, đặc biệt là khu vực giáp ranh với xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, tuy nhiên thời gian này đã hạn chế hơn những năm trước”.

Khi làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, cán bộ Chi cục tiến hành nhập 2 tọa độ trên vào bản đồ, kết quả lại cho ra cả 2 vị trí tọa độ này đều thuộc đất xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa. Như vậy, phải chăng Hạt Kiểm lâm Tủa Chùa đang cố tình đẩy hết trách nhiệm cho Tuần Giáo?

Làm rõ về trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm khi để xảy ra tình trạng người dân ồ ạt vào rừng khai thác gỗ nghiến tại khu vực giáp ranh giữa xã Mường Đun với xã Phình Sáng, ông Nguyễn Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: “Chi cục sẽ tiến hành kiểm tra sự việc mà phóng viên phản ánh để xác minh địa phận và có phương án xử lý. Đối với cán bộ kiểm lâm địa bàn, khi xảy ra tình trạng khai thác, chặt phá hoặc cháy rừng mà không phát hiện, không ngăn chặn được kịp thời thì phải xem xét trách nhiệm để xử lý. Nếu có trường hợp cán bộ kiểm lâm bảo kê cho lâm tặc chặt phá rừng thì cũng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp này”.

dsc-7796161222924
Ảnh: Vinh Duy

 

Vấn đề lớn nhất là khu vực gỗ nghiến tập trung lại nằm ở vùng giáp ranh giữa hai huyện là Tủa Chùa, Tuần Giáo, cùng với huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Thời gian vừa qua, khu vực rừng giáp ranh này luôn nóng với tình trạng người dân ồ ạt khai thác gỗ nghiến trái phép để làm thớt. Một số vị trí rừng bị khai thác trái phép vẫn nằm trong khu vực chưa xác định rõ thuộc địa bàn địa phương nào quản lý và chịu trách nhiệm. Vì vậy, trong khi chính quyền các địa phương vẫn đang loay hoay chưa xác định được ranh giới thì lâm tặc vẫn ngang nhiên vào rừng khai thác gỗ. Những cánh rừng đang thưa dần những cây gỗ nghiến cổ thụ vài trăm năm tuổi.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm