| Hotline: 0983.970.780

Đồng ruộng bị 'móc ruột'

Thứ Hai 05/10/2015 , 06:35 (GMT+7)

Cánh đồng đội 1, thôn An Chánh, xã Tây Bình (huyện Tây Sơn-Bình Định) bỗng trở nên nham nhở, đầy hầm hố do hoạt động khai thác đất sét trái phép ngang nhiên diễn ra tại đây.

Lần theo phản ánh của người dân địa phương, chúng tôi có mặt tại bãi khai thác đất sét trái phép trên cánh đồng đội 1, thôn An Chánh, xã Tây Bình.

Dù xung quanh đây vẫn còn những đám ruộng chưa thu hoạch, nhưng tại bãi khai thác đất sét trái phép, chiếc xe múc hiệu Hitachi UH025 cứ lầm lũi vươn càng múc từng tảng đất sét dưới ruộng đổ lên những chiếc xe tải hiệu chiến thắng đứng nối đuôi nhau chờ “ăn đất”.

Trông cánh đồng sản xuất lúa mà cứ như một công trường đang thi công. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại hiện trường khai thác, những chiếc xe múc đã đào khoét cánh đồng thành những hố sâu hoắm, đất sét múc lên đổ trên bờ chất thành từng đống ngổn ngang.

Chúng tôi có mặt tại hiện trường chưa đầy 1 giờ đồng hồ mà đã có đến 10 chiếc xe tải lần lượt vào bãi “ăn” đất sét, khối lượng đất sét bị “móc ruột” không thể tính nổi.

09-08-48_3
Xe tải “ăn” đất sét rồi chở về các cơ sở SX gạch ngói trên địa bàn huyện Tây Sơn

Nhìn những chiếc xe tải chở đất sét đầy ắp, đất được chất cao vượt cả thùng xe, chạy phăm phăm trên những con đường bê tông nông thôn mà chúng tôi bỗng thấy thương cho phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương này.

Với kết cấu thô sơ của những con đường bê tông nông thôn, chắc chắn chúng phải “oằn mình” dưới những chiếc xe có tải trọng lớn chở đất sét này. Ấy vậy mà chúng vẫn hoạt động thong dong, không hề bị ngành chức năng hay chính quyền địa phương gây khó dễ gì.

Theo chân những chiếc xe chở đất sét, chúng tôi biết điểm đến của những khối lượng đất sét khai thác trái phép tại cánh đồng đội 1 thôn An Chánh là những lò gạch ngói nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn.

Một người dân địa phương tiết lộ, đất sét mỗi ngày mỗi hiếm, trong khi trên địa bàn huyện Tây Sơn có rất nhiều lò SX gạch ngói, do đó nguyên liệu đất sét luôn trong tình trạng thiếu nghiêm trọng.

09-08-48_2
Nhiều cái hầm sâu hoắm giữa cánh đồng An Chánh, xã Tây Bình

Văn bản do Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn ký khẳng định, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thuộc địa bàn quản lý thì chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện và pháp luật.

Bởi vậy, có nhiều đầu nậu sẵn sàng thu mua số nhiều để dự trữ, nhằm cung ứng dần cho các cơ sở SX gạch ngói trên địa bàn.

Sau khi khai thác đất sét xong, những chủ khai thác chở những loại đất đá “hầm bà làng” từ nơi khác về lấp những hố sâu hoắm để san bằng mặt ruộng cho “dễ nhìn”, bất chấp sau này khi đưa vào SX trở lại cây lúa có sống nổi không.

Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Tây Sơn thực trạng trên, chúng tôi được ông Dũng cho biết thông tin này đối với ông là quá “mới mẻ”. “Ngành chức năng chưa nắm được và cũng chưa nghe chính quyền địa phương báo cáo gì”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, trước đó, theo đề xuất của Phòng TN-MT, UBND huyện Tây Sơn đã thành lập tổ thanh tra liên ngành gồm nhiều ngành có chức năng để kiểm tra công tác quản lý tài nguyên khoáng sản của các UBND xã, thị trấn.

“Hiện tổ thanh tra vẫn đang tiếp tục tiến hành công tác kiểm tra. Riêng thông tin về tình trạng khai thác đất sét tại thôn An Chánh, xã Tây Bình, chúng tôi sẽ cử ngay cán bộ về tìm hiểu thực tế”, ông Dũng kiên quyết.

Được biết trước đó, vào ngày 17/7/2015, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn đã ban hành văn bản số 318/UBND-KTN về tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện, và yêu cầu Phòng TN-MT huyện Tây Sơn tăng cường công tác quản lý Nhà nước; phối hợp với CA huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, phát hiện, đề xuất xử lý vi phạm.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.