| Hotline: 0983.970.780

Hoang tàn khu công nghiệp Hoàng Mai

Thứ Tư 07/10/2015 , 07:15 (GMT+7)

Dự án Khu công nghiệp (KCN) Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), sau 7 năm khởi công hiện vẫn chỉ là khu đất hoang.  

Hoang tàn dự án trăm tỷ

Tháng 11/2008, lễ khởi công xây dựng Dự án KCN Hoàng Mai quy mô rộng hơn 290 ha chính thức được triển khai. Dự án do Cty CP Đầu tư Dầu khí VIP Việt Nam (PVCOM) làm chủ đầu tư, với kinh phí trên 800 tỷ đồng, dự kiến sau 3 năm (2011) sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Trước đó, nhằm tạo điều kiện để KCN triển khai đúng tiến độ, hàng trăm hộ dân ở các phường Quỳnh Lộc, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị... đã chấp nhận nhường phần lớn diện tích đất nông nghiệp canh tác lâu năm cho dự án.

Dù biết rằng cuộc sống từ đây sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng mọi người không lấy đó làm phiền bởi họ tin rằng, sớm muộn gì con em của mình sẽ được tạo điều kiện làm việc trong KCN.

Nhưng từ đó đến nay đã gần 7 năm trôi qua, dự án "tầm cỡ" này gần như vẫn án binh bất động. Trực tiếp có mặt tại KCN “trăm tỷ”, chúng tôi không khỏi xót xa trước một vùng đất nông nghiệp rộng lớn bị bỏ hoang, không một bóng người.

Không biết từ khi nào nơi đây đã trở thành địa điểm chăn thả trâu, bò lý tưởng của người dân quanh vùng. Do bị bỏ hoang lâu ngày nên một số hạng mục như tường rào bao quanh, hệ thống mương thoát nước... đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều công trình bị rỉ sét.

“Lúc trước hồ hởi bao nhiêu thì giờ chán nản bấy nhiêu. Tiền đền bù đã tiêu hết mà việc làm không có, đất sản xuất cũng không, nên cuộc sống của chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn”, anh Bùi Văn Công, trú tại khối 8 phường Quỳnh Thiện than thở khi gặp chúng tôi.

Không riêng gì gia đình anh Công mà hàng ngàn người dân khác trên địa bàn thị xã Hoàng Mai cũng đang trong tình cảnh tương tự.

Dự án chết yểu?

Như đã nói, để có đất triển khai dự án, rất nhiều hộ dân đã bị thu hồi đất, trong đó phần lớn là đất nông nghiệp. Khi “cần câu cơm” không còn, nhiều gia đình không biết bấu víu vào đâu nên đành rời quê đi kiếm sống.

Khi chúng tôi tiếp xúc với người dân xã Quỳnh Lộc, tất cả đều chung một nỗi thất vọng. Trao đổi với ông Nguyễn Ánh Ngọc, trưởng xóm 8, được biết xóm có 26 hộ nằm trong diện bị thu hồi đất, mọi người đều đồng tình ủng hộ.

02-12-46_2
Nhiều hạng mục đã xuống cấp

“Trước đây cuộc sống dù khó khăn nhưng dẫu sao có đất sản xuất nông nghiệp nên không đến nỗi bi đát như hiện nay. Thuận lợi của xóm 8 là có hồ Hoàng Huyện rộng trên 8 ha trữ nước quanh năm nên các hộ chuyên trồng hoa màu yên tâm sản xuất.

Thế nhưng, theo thiết kế của KCN Hoàng Mai thì bắt buộc phải lấp hồ, nguồn nước tưới từ đó thiếu hụt trầm trọng nên công việc đồng áng cũng phải bỏ dở. Lợi ích từ dự án chưa thấy đâu, nhưng hiện tại đang làm khổ dân. Đất KCN bỏ hoang còn dân thì không có đất sản xuất”, ông Ngọc gay gắt.

Ông Phan Xuân Hóa, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam khẳng định, KCN Hoàng Mai là dự án trọng tâm với mức đầu tư rất lớn. Do chuyển đổi chủ đầu tư nên tiến độ triển khai thuộc quyền quyết định của phía đối tác Nhật Bản.
Lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng  rất sốt ruột, đã nhiều lần đốc thúc đối tác, thậm chí bay sang tận Nhật Bản thống nhất phương án tối ưu, nhưng rất tiếc nút thắt vẫn chưa được tháo gỡ.

Bởi vậy, nhiều hộ đang sống dở chết dở, điển hình là trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Đức Lý ở xóm 8, xã Quỳnh Lập. 

Nhà với 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào thu nhập ít ỏi từ nghề phụ hồ của anh. Chẳng may anh lại bị tai nạn lao động, gãy đốt sống lưng dẫn đến bị liệt nửa người, mọi gánh kinh tế gia đình dồn hết lên đôi vai gầy của vợ anh là chị Nguyễn Thị Gái.

“Khi dự án KCN lấy đất, nhà tôi được hỗ trợ đền bù gần 300 triệu đồng, chỉ đủ tiền làm ngôi nhà nhỏ. Giờ không đất sản xuất, không nghề nghiệp, không biết sống sao đây nhà báo ơi?”, vợ anh Lý than vãn.

Cũng như bao hộ dân khác, vợ chồng anh Lý đặt rất nhiều kỳ vọng vào Dự án KCN Hoàng Mai. Họ tin rằng con mình đến tuổi trưởng thành sẽ được nhận vào làm việc ở KCN vì là hộ nghèo.

Nhưng niềm tin đó tan biến theo thời gian, anh chị đành động viên con (1 trai, 1 gái) vào tận Bình Dương kiếm kế sinh nhai, chứ ở nhà chỉ có nước chết đói...

Tìm hiểu chúng tôi được biết, do không có đủ tiềm lực tài chính nên Cty CP Đầu tư Dầu khí VIP Việt Nam đã chuyển giao toàn bộ dự án cho Tập đoàn Thép Kobelco - Nhật Bản quản lý.

Sở dĩ Dự án KCN Hoàng Mai đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng các nhà máy, xí nghiệp… là do phía Nhật Bản yêu cầu nguyên vật liệu xây dựng trong KCN phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, lấy trực tiếp từ chính Nhà máy sản xuất sắt xốp Kobelco (Dự án có công suất 2 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 1 tỷ USD), sử dụng nguồn nguyên liệu quặng sắt từ mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh).

Tuy nhiên, do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC), không thực hiện đúng theo cam kết giữa hai bên tức là không góp đủ 1.300 tỷ đồng theo cam kết, mà chỉ góp được 221,5 tỷ đồng nên “mối lương duyên” tạm thời gián đoạn.

Vì vậy, Dự án Nhà máy sản xuất sắt xốp Kobelco tại Nghệ An vốn phụ thuộc vào nguyên liệu của TIC cũng phải tạm dừng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất