| Hotline: 0983.970.780

Học việc

Thứ Ba 16/01/2018 , 09:02 (GMT+7)

"Mẹ ơi, cắm cơm thế nào hở mẹ?". Lần đầu nghe Lan, cô con dâu mới, hỏi thế, bà Thoa rất ngạc nhiên.

Sao lại có cô gái vụng về đến thế chứ. Hai mươi ba tuổi đầu rồi mà nồi cơm không biết nấu. Mà nấu cơm bằng nồi cơm điện, chứ có phải chổng mông chổng tĩ trong bếp với cái nồi đất, đun bằng rơm rạ, trời mưa, rạ ẩm, khói lòi cả mắt như thời trẻ của bà đâu cơ chứ. Định đay cho nó mấy câu, nhưng nhìn nét mặt rất chân thành của con dâu, bà lại không nỡ, bà bảo:

- Nhà mình ba người, thì nấu một bát rưỡi gạo là đủ. Trước hết cho gạo vào nồi. Xong rồi xả nước đến lưng nồi, lấy tay bóp gạo, khi nào thấy nước có màu trắng đục thì gạn hết nước đi, cho nước mới vào, nước ngập trên gạo chừng một đốt ngón tay là đủ. Xong rồi thì cắm phích điện, lấy tay ấn cái nút ở nồi cơm xuống, thế là được.

Lan răm rắp làm theo. Xong việc, cô đến ngồi cạnh bà Thoa, ôm lấy lưng bà:

- Từ bé đến giờ, đây là lần đầu tiên con nấu cơm đấy mẹ ạ. Mẹ đừng cười con nhé. Rồi còn những việc khác nữa, con còn phải học nhiều, mong mẹ đừng tiếc công dạy bảo con.

Mấy câu ấy làm bà Thoa thấy mát lòng. Lúc ấy, bà cũng mới chợt nhớ ra, Lan là một tiểu thư lá ngọc cành vàng. Bố cô là thứ trưởng một bộ, còn mẹ cô là giám đốc một bệnh viện lớn ở Trung ương. Nhà cô ở Hà Nội như một lâu đài, tòa ngang dẫy dọc. Lần đầu đến thăm nhà thông gia, bà đã rợn người trước cái cơ nghiệp đồ sộ ấy, cứ lóng ngóng, cứ dúm người lại.

Nhà có những hai người giúp việc, người chuyên nấu nướng, người chuyện dọn dẹp, giặt giũ, lau dọn nhà cửa. Từ bé đến lớn, ngoài việc học, Lan có phải mó tay vào việc gì đâu mà biết. Lan học cùng trường đại học với con trai bà. Vừa xinh đẹp, vừa con nhà quyền chức, không biết bao nhiêu chàng trai “môn đăng hộ đối” và đại gia đã trồng cây si trước cửa nhà cô.

Nhưng Lan không chấp nhận ai, mà lại yêu Huân, con trai bà, một chàng trai nghèo rớt mùng tơi, ngày học, đêm lăn lưng ra làm đủ mọi việc, từ gia sư đến chạy bàn ở quán ăn, để kiếm tiền trang trải học phí, chỉ vì Huân học giỏi. Biết chuyện, từ bố mẹ đến anh trai Lan đều phản đối quyết liệt. Nhưng trước quyết tâm không gì lay chuyển được của Lan, cuối cùng mọi người phải đầu hàng.

Cưới nhau xong, bố Lan định giữ hai vợ chồng ở Hà Nội, cho cả hai vào làm trong cơ quan ông. Nhưng Lan bảo chồng:

- Làm trai, không nên dựa dẫm vào bố mẹ vợ, nên tự mình gây dựng lấy sự nghiệp của mình. Em đã theo anh, thì dù gian khổ đến đâu em cũng chịu được, em sẽ sát cánh bên anh, anh đừng lo.

Thế là hai vợ chồng cùng về quê Huân, cùng xin việc ở tỉnh. Nhà Huân ở gần thị xã, tuy nhỏ, nhưng cũng đủ chỗ trú chân. Bố Huân đã mất, em gái cũng đã lấy chồng.

Hôm ấy, nồi cơm do Lan nấu tuy chỉ đạt mức trung bình, nhưng được mẹ chồng khen, Lan mừng lắm. Hôm sau đi làm về, qua chợ chiều, Lan mua một mớ cá rô cùng mấy trái khế chua, và bảo mẹ chồng:

- Con hỏi mấy bác ở chợ rồi, các bác ấy bảo cá rô kho khế là ngon nhất. Nhưng con không biết làm. Mẹ làm mẫu cho con một con đi.

Đứng bên cạnh bà Thoa, chăm chú quan sát mẹ chồng từ cách đánh vẩy cá, nhể mang cá, mổ cá. Hết con thứ ba thì Lan xin mẹ chồng để mình làm. Thấy con dâu loay hoay mãi không xong một con cá, bà Thoa bảo:

- Thôi để mẹ làm cho.

-Không, xin mẹ cứ để con. Nhất định con làm được.

Sau hơn một tiếng đồng hồ đánh vật, thì mớ cá cũng làm xong. Lan bảo:

- Mẹ hướng dẫn cho con cách tra mắm muối đi.

Hết tra mắm muối, đến công đoạn gầy bếp củi để chất cá. Tối hôm ấy, nồi cơm hết veo vì có món cá rô đồng kho khế. Được mẹ chồng động viên, Lan lại càng chăm chỉ làm việc nhà. Được cái Lan rất chịu khó học hỏi. Những lúc không có bà Thoa, gặp bất kỳ người làng nào đi qua, cô cũng kéo vào để hỏi.

Hàng xóm lúc đầu ai cũng bật cười vì cô con dâu nhà bà Thoa cứ ngơ ngơ ngác ngác, cái gì cũng lóng nga lóng ngóng. Nhưng trước thái độ chân thành của cô, ai cũng nhiệt tình chỉ vẽ. Chẳng bao lâu Lan đã thành thạo việc nhà. Không chỉ thế, mỗi lần về Hà Nội, Lan lại tranh thủ đến các quán ăn nổi tiếng để học những món ăn của họ, mang về quê chồng chế biến để đãi mọi người, khiến ai cũng nể phục.

Rồi một hôm bố mẹ Lan về quê thăm thông gia. Thấy bà Thoa và Huân chỉ ngồi nói chuyện với vợ chồng mình, còn Lan thoăn thoắt vào bếp làm cơm, ông bà hết sức ngạc nhiên. Chỉ vài tiếng sau, nhìn mâm cơm ngon lành, sạch sẽ do con gái bưng lên, mẹ Lan mừng lắm, bảo bà thông gia:

- Cảm ơn bà đã dạy dỗ cháu. Thế này, thì tôi tin chắc vợ chồng nó sẽ nên người.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?