| Hotline: 0983.970.780

Kêu nhiều không thấu!

Thứ Sáu 25/04/2014 , 09:17 (GMT+7)

Bà Hoàng Thị Thu – Trưởng ban Nữ công LĐLĐ tỉnh Hải Dương ngán ngẩm: Thực trạng khó khăn vất vả của công nhân tại các KCN, mình đã kêu lên rất nhiều nhưng chẳng có gì chuyển biến.

Đánh giá về thực trạng đời sống công nhân ở các KCN trên địa bàn, ông Bùi Ngọc Vân – Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hải Dương (Hải Dương) đúc kết một câu ngắn gọn: “Một lực lượng trẻ rất đông, có những thiệt thòi và hệ lụy rất lớn trong tương lai”.

Một sự đối xử bất công

Điều tương lai, ông muốn nói ở đây là gì? - tôi hỏi. Ông Vân thẳng thắn: Thứ nhất, thu nhập của họ không có tích lũy. Vừa triền miên tăng ca, vừa phải tằn tiện lắm họ mới nuôi sống được bản thân. Thực tế như hiện nay công nhân làm được 20 năm đóng đủ bảo hiểm thì về hưu, lương hàng tháng của họ cũng chẳng đủ sống khi tuổi già, sức yếu. Vì lương của họ quá thấp, chỉ ở mức 2,1 đến 2,5 triệu đồng/tháng.

Thứ hai, là những hệ lụy của lao động nữ đến tuổi lập gia đình. Họ không có cơ hội yêu đương vì phần lớn thời gian dành hết cho công việc. Sự lén lút trong các mối quan hệ nam nữ đều để lại những hậu quả khôn lường cho chính các em nữ và xã hội.

Đi sâu vào những vấn đề cốt lõi, Chủ tịch LĐLĐ TP Hải Dương chia sẻ: Trên địa bàn có hàng chục KCN, CCN với hàng trăm DN đi vào hoạt động bao nhiêu năm nay nhưng có DN nào đứng ra đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; xây dựng nhà trẻ cho con em lao động hoặc xây dựng trạm Y tế phục vụ công nhân đâu. “Những điều đó ai cũng biết và chúng tôi kêu nhiều rồi” – ông Vân bức xúc.

Không bức xúc sao được khi mà có những DN dùng kho xưởng để vật liệu cho công nhân ở. Công đoàn các KCN và LĐLĐ đi kiểm tra, tận mắt chứng kiến cảnh công nhân nằm la liệt ở các xó trong kho xưởng với ngổn ngang vật liệu và sản phẩm của Cty. Hỏi chủ DN thì bảo rằng đó chỉ là nơi nghỉ ca của công nhân. Song thực tế không phải vậy. Điều này được ông Phạm Hồng Hải – Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Hải Dương khẳng định.

Ông Hải cho hay, có DN táng tận đến mức dùng kho sản xuất để làm nơi gửi trẻ cho con em lao động. Vậy là, DN không chỉ vắt kiệt sức lực của bố mẹ mà còn đối xử không nhân văn với các em nhỏ. “Kiểm tra những nơi đó ai cũng thấy đắng lòng về số phận hẩm hiu của người lao động. Những nơi trông trẻ không đảm bảo an toàn. Sự tạm bợ đó không thể chấp nhận” – ông Hải nói.

Không chấp nhận thì biết làm sao bây giờ? Lý giải điều này, ông Bùi Ngọc Vân cho rằng: Phần đông công nhân là thuê trọ. Họ là đối tượng không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn nên con em không gửi được ở trường công lập, đành phải gửi tư, thuê người trông. Thu nhập thì bèo bọt, lấy tiền đâu để mà thuê người trông con hay gửi trường tư.

Ông Vân thở dài và nói lên một câu thật chua chát: “Đều là con người với nhau cả, sao người ta đối xử bất công thế”.

16-11-06_ong-bui-ngoc-vn-chu-tich-ldld-tp-hi-duong
Ông Bùi Ngọc Vân, Chủ tịch LĐLĐ TP Hải Dương

Thực trạng quá thê thảm

Cùng quan điểm với những đồng nghiệp của mình, bà Hoàng Thị Thu – Trưởng ban Nữ công (LĐLĐ tỉnh Hải Dương) thẳng thắn: Về mặt tình thì rõ ràng đó là những thiếu hụt nhân văn trong việc đối xử giữa ông chủ và người lao động.

Về mặt lý thì luật pháp đã quy định DN xây dựng NM tuyển lao động vào làm phải có nhà ở hoặc hỗ trợ tiền phòng trọ cho công nhân. Nhưng thực tế chưa ở đâu làm được cả. Lương thấp, thu nhập ít, làm việc căng thẳng, lại chẳng được hỗ trợ đồng nào về nhà ở thì quả thực không bức xúc nào diễn tả nổi.

“Trong khi đó ông chủ DN nào cũng giàu có. Họ ở trong nhà lầu, đi xe hơi, vợ con đề huề. Thế mà đời sống người lao động vô cùng khốn khó” – lại một tổng kết nữa của Chủ tịch LĐLĐ TP Hải Dương Bùi Ngọc Vân.

Theo ông Vân, khốn khó nhất, thương nhất là công nhân làm ở các Cty may mặc. Người họ choắt lại sau một thời gian đi làm. Phải chăng họ làm tăng ca triền miên nên ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển về thể lực và tâm sinh lý?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương cho biết: Thu nhập của công nhân thấp như thế thì lấy đâu ra tiền mà thuê trọ chỗ khang trang. Buộc họ phải thuê ở những nơi xập xệ, rẻ tiền. Làm việc liên tục phải tăng ca, làm hơn 10 tiếng/ngày và chỉ được nghỉ ngày chủ nhật. Đời sống tinh thần, hưởng thụ vui chơi giải trí lành mạnh, ti vi, sách báo không có. Không tránh khỏi các tệ nạn xã hội. Đáng báo động là tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thai ngoài ý muốn, lây lan các loại bệnh tật rất dễ xảy ra.

Chỉ ra những thiệt thòi, yếu kém của công nhân lao động, ông Dũng cho rằng, họ là số đông nhưng có hàm lượng chất xám rất ít. Đi làm công nhân nhưng họ có được học kiến thức gì về nghề và luật lao động đâu. Ai dạy cho họ? Đặc biệt là vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên ở các KCN, CCN hiện đang bị bỏ trống.

“Tôi từng tham gia vào một dự án về tuyên truyền KHHGĐ và sức khỏe sinh sản vị thành niên. Khi đến DN đề nghị họ dành cho 1 - 2 tiếng đồng hồ để được gặp công nhân mà phổ biến kiến thức này nhưng phía chủ DN không hợp tác. Cho nên nhìn thực trạng đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe người lao động tại các KCN thê thảm lắm” – ông Dũng chốt lại.

Dường như các DN không mặn mà cho lắm về mấy thứ này thì phải. Có những cuộc vận động lớn để giác ngộ cho công nhân nhưng các DN tổ chức tuyên truyền cũng chỉ là hình thức, đối phó khi có đoàn kiểm tra. Chứ DN tổ chức được bài bản, quán triệt sâu sắc, cặn kẽ cho công nhân giác ngộ là không có.

 “Từ đó có một lực lượng nòng cốt của giai cấp công nhân không chỉ đói về kinh tế mà còn đói cả tư duy nhận thức” – ông Bùi Ngọc Vân than thở.

Phòng trọ là... khu chăn nuôi

Phát biểu tại một hội nghị do Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức (ngày 14/3/2013), ông Trần Văn Tư – Trưởng phòng Cơ chế chính sách (Ban Chính sách pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động VN) nói: “Chúng tôi rất đau lòng khi nhìn thấy nơi ở của công nhân lao động tuềnh toàng, xập xệ quá. Có nơi, người dân tu sửa lại khu chăn nuôi rồi cho công nhân thuê lại làm phòng ở”.

Kêu nhiều chẳng chuyển biến

Thực trạng khó khăn vất vả của công nhân tại các KCN, mình đã kêu lên rất nhiều tại các đại hội, hội nghị lớn với sự có mặt của lãnh đạo Trung ương và cán bộ chủ chốt của tỉnh. Kêu nhiều nhưng chẳng chuyển biến được gì cả. Đến giờ thì mình cảm thấy chán lắm rồi. (Bà Hoàng Thị Thu – Trưởng ban Nữ công LĐLĐ tỉnh Hải Dương).

Đâu riêng gì Hải Dương?

Trên địa bàn tỉnh mới có 3 DN xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Một đơn vị xây xong đưa vào sử dụng nhưng mức giá quá cao so với thu nhập của công nhân nên các phòng chủ yếu là chuyên gia nước ngoài thuê ở.

Còn 2 DN khác, một đơn vị đang xây dở thì dừng lại bỏ hoang đó; một DN khác mới hoàn thành được 2 hạng mục. Còn nhà trẻ, trạm Y tế do DN xây dựng phục vụ cho công nhân lao động đến nay chưa có đơn vị nào làm được. Tình trạng này không riêng gì Hải Dương. (Bà Vũ Thị Kim Hằng – Phó BQL các KCN tỉnh Hải Dương).

Công nhân may có khi làm việc đến 14 giờ/ngày

Công nhân may mặc trọ ở khu phố này thường đi làm ngày 12 tiếng, có khi đến 14 tiếng. Tình trạng này kéo dài mãi thì không biết người lao động ở các KCN có đủ sức làm cho đến khi về hưu hay không? Có người làm được 8, 9 năm mà đã kêu mỏi chân, đau lưng lắm rồi. (Ông Đinh Hữu Dậu – trưởng khu 6, P.Cẩm Thượng, TP.Hải Dương).

 

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.